Đời sống

Nhiều giải pháp gỡ rối cho ngành tơ tằm

D. Thảo 12/11/2023 - 16:46

Hội thảo Xây dựng vùng nguyên liệu và phát triển thương mại ngành dâu tằm tơ nằm trong chuỗi sự kiện Festival Bảo tồn và phát triển Làng nghề Việt Nam 2023. Hội thảo diễn ra chiều 11/11, nhằm tháo gỡ, đưa ra những giải pháp duy trì và phát triển nghề dâu tằm tại Việt Nam.

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cả nước có khoảng gần 40.000 hộ nông dân làm nghề trồng dâu nuôi tằm. Diện tích trồng dâu năm 2022 khoảng 13.200ha, sản lượng kén đạt hơn 16.800 tấn/năm, sản lượng tơ đạt khoảng 2.000 tấn/năm. Hiện, Việt Nam đứng thứ ba trên thế giới về sản lượng tơ, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ, giá trị xuất khẩu năm 2022 đạt 70 triệu USD/năm. Phần lớn tơ thô của Việt Nam được xuất khẩu sang Ấn Độ, chiếm tỷ trọng hơn 90%.

tnb-46902.jpg
Nghề trồng dâu nuôi tằm gặp khó do đầu ra sản phẩm bấp bênh. Ảnh: V.LỘC

Tuy nhiên, dâu tằm tơ đang gặp phải những thách thức không nhỏ về sản xuất, tiêu thụ và tiếp thị. Như thông tin từ Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, nghề trồng dâu nuôi tằm được thực hiện chủ yếu tự phát, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, mối liên kết giữa người sản xuất và người mua kén không chặt chẽ, thiếu tính bền vững. Điều này dẫn đến việc ngành dâu tằm tơ chủ yếu sản xuất kén, chế biến tơ thô để xuất khẩu nguyên liệu.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Lâm Đồng là thủ phủ của ngành dâu tằm tơ, với diện tích trồng 8.500ha. Cùng với hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, 3 tỉnh Tây Nguyên chiếm gần 75% tổng diện tích trồng dâu trên cả nước. Vừa qua, một số tỉnh Tây Bắc như Yên Bái, Lào Cai đã quan tâm phát triển trồng dâu nuôi tằm. Tuy nhiên, trên cả nước, chưa nhiều địa phương có chính sách phát triển riêng cho ngành dâu tằm tơ.

Hội thảo đã nghe những ý kiến đề xuất tháo gỡ khó khăn cho nghề sản xuất tơ tằm. Như ý kiến của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cho rằng, các tỉnh có vùng nguyên liệu sản xuất tơ tằm tập trung xây dựng các mô hình liên kết HTX, tổ hợp tác với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ tơ tằm. Việc này nhằm đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc, cấp mã vùng trồng, tăng cường xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu.

ac9b10dc077623073485ef138becc6dc.jpg
Cần nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: CTV

Ngoài ra là vấn đề giống dâu, ngành dâu tằm tơ phát triển nhanh, diện tích dâu tăng gần gấp đôi nhưng nguồn cung giống dâu vẫn đáp ứng đủ nhu cầu. Dâu là nguồn thức ăn quan trọng và duy nhất của tằm, quyết định đến chất lượng của kén. Các giống dâu mới chọn tạo trong nước đã tỏ rõ tính ưu việt, góp phần hạn chế tình trạng sử dụng các giống không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự đóng góp ý kiến mong muốn có chiến lược xây dựng không gian văn hóa, du lịch gắn với làng nghề, phát triển nhiều sản phẩm từ tơ tằm, dàn đủ phân khúc cho tập khách hàng, xây dựng chiến lược phát triển ngành...

Từ những ý kiến đưa ra tại Hội thảo, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT đề nghị Hà Nội xem xét xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất dâu tằm tơ, đồng thời tạo quỹ đất cho các làng nghề, doanh nghiệp có điều kiện phát triển. Bởi Hà Nội được xem là vùng đất bách nghệ và có hai làng nghề dệt nổi tiếng là Phùng Xá và Vạn Phúc. Đồng thời, tham mưu Bộ NN-PTNT về việc tạo ra giống tằm nguyên chủng trước khi giao các trung tâm nghiên cứu lai tạo giống phù hợp, tiến tới chủ động về nguồn giống. Ngoài ra, là quy hoạch vùng trồng dâu riêng biệt, không xen canh với các loại cây trồng khác; đồng thời quy hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về dâu tằm tơ, một chương trình tổng thể mới có thể gỡ rối được cho tơ tằm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO