Tại lễ khai mạc Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam (diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long), Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và UBND thành phố Hà Nội đã trao giải Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho 45 tác phẩm xuất sắc.
Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam tiếp nhận 500 sản phẩm, tác phẩm của hơn 200 tác giả, nhóm tác giả ở cả 3 miền. Trong đó, miền Bắc có 349 sản phẩm của 160 tác giả; miền Trung có 89 sản phẩm của 45 tác giả, miền Nam có 62 sản phẩm của 31 tác giả.
Các tác phẩm dự thi được chia theo nhóm: Gốm sứ và thủy tinh với 101 sản phẩm; dệt, thêu đan, móc 102 sản phẩm; mây, tre, lá 110 sản phẩm; sơn mài, khảm trai, gỗ mỹ nghệ 114 sản phẩm và nhóm khác là 74 sản phẩm (sừng, trai ốc, chạm khắc đá, kim khí; hoa, tranh…). Người cao tuổi nhất tham gia là ông Nguyễn Quang Xuân (79 tuổi), nghệ nhân làm dép cao su Bác hồ. Thợ giỏi trẻ tuổi nhất (18 tuổi) tham gia nhóm sản phẩm mây, tre đan.
Ban tổ chức đã chọn lựa được 45 sản phẩm đạt giải, trong đó có 5 giải A; 10 giải B; 15 giải C và 15 giải D. 5 giải A đều thuộc về các tác phẩm, tác giả đến từ thành phố Hà Nội, đó là: Chân đèn thiềm đức tuệ đăng của tác giả Nguyễn Trọng Nghĩa; tranh thêu tay lọ hoa mẫu đơn của tác giả Nguyễn Xuân Dục; bàn trà êlip của tác giả Hoàng Văn Hạnh; tủ sơn mài cẩn trứng của Công ty TNHH Đầu tư thương mại Đông Phương; hộp kim phượng lưu châu của tác giả Khuất Văn Tuấn Anh.
Tại lễ khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh... đã trao giải Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho các tác giả, nhóm tác giả.
Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 được tổ chức nhằm gìn giữ, bảo tồn, tái hiện và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, hình thành các nét văn hóa đương đại của làng nghề Việt Nam, trong đó lấy các làng nghề của TP. Hà Nội làm trung tâm để lan tỏa cho các địa phương khác trên cả nước.
Thông qua Festival, Ban Tổ chức mong muốn tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức sản xuất - kinh doanh sản phẩm làng nghề; tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động trong các làng nghề.