Đời sống

Xây dựng thương hiệu, kết hợp văn hóa bản địa, du lịch ngành nghề

D. Thảo 10/11/2023 - 17:37

Trong chuỗi sự kiện Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề năm 2023, tại Hà Nội, sáng 10/11 đã diễn ra Hội thảo quốc tế về bảo tồn và phát triển làng nghề. Hội thảo với các ý kiến tham luận đưa ra nhằm đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát triển các làng nghề Việt Nam.

Tại Hội thảo, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội với hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước. Các nhóm nghề, bao gồm: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản có 69 làng nghề; Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có 22 làng nghề; Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ có 197 làng nghề; Sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có 13 làng nghề; Xử lý chế biến, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn có 16 làng nghề; Dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn có 5 làng nghề.

capture.png
Cần có nhiều biện pháp gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề

Tại các làng nghề ở Hà Nội, hiện có 303 nghệ nhân, trong đó 13 nghệ nhân nhân dân, 42 nghệ nhân ưu tú. Năm 2023 đang xét 46 hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội và đã trình Trung ương 38 hồ sơ đề nghị xét nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú.

Các địa phương có làng nghề đã tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu. Trong đó, khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 đến 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm.

Thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề cao hơn nhiều so với lao động thuần nông, mức thu nhập bình quân phổ biến ở mức 4 - 5,5 triệu đồng/lao động/tháng. Các làng nghề khác nhau, mức thu nhập của các lao động cũng có sự khác nhau như làng nghề mây tre đan thu nhập bình quân lao động đạt 11,2 triệu đồng/người/tháng, điêu khắc mỹ nghệ bình quân lao động đạt 10 triệu đồng/tháng, làng nghề hoa mai trắng thôn An Hòa thu nhập bình quân lao động 17 triệu người/tháng.

Để thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; hỗ trợ phát triển làng nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống làng nghề, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, Hà Nội có nhiều biện pháp gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng có nghề.

Cũng theo ông Tạ Văn Tường, sự phát triển làng nghề tạo nhiều cơ hội việc làm, không chỉ với người trong độ tuổi lao động mà còn giải quyết việc làm thêm cho cả người già, người khuyết tật, trẻ em. Làng nghề phát triển giúp tăng thu nhập cho người dẫn, rút ngắn khoảng cách về thu nhập cho người nghèo ở nông thôn. Sự phát triển của làng nghề còn tạo điều kiện kết nối cộng đồng, phát triển những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, lưu giữ những tinh hoa nghệ thuật, lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Trên cơ sở đó, các làng nghề, nghệ nhân Hà Nội mong muốn được tư vấn bảo tồn ít nhất một làng nghề, làm mô hình để nhân rộng, phối hợp phát triển một số làng nghề tiêu biểu đáp ứng được các tiêu chí hiện đại, mở rộng quan hệ quốc tế.

capture1.png
Cần kết nối làng nghề Việt Nam với thế giới trong khi vẫn duy trì bản sắc của làng nghề

Hội thảo cũng nghe ý kiến đại biểu quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về bảo tồn, phát triển, gìn giữ nghề của các nước. Như ý kiến của ông Kevin Murray, Phó Chủ tịch Hội đồng thủ công thế giới nêu kinh nghiệm bảo tồn nghề làm gốm tại Stoke-on-Trent, một thành phố ở miền Trung nước Anh.

Theo ông Kevin Murray, để gìn giữ nghề, chính quyền địa phương đã nâng cao công tác tuyên truyền cho người dân và đưa các tiết học về gốm sứ đến lứa tuổi học sinh từ sớm. Ngày nay, những người đến từ Stoke-on-Trent được coi là có "đất sét trong huyết quản". Phó Chủ tịch Hội đồng thủ công thế giới cho rằng, công cuộc bảo tồn làng nghề phải bắt đầu càng sớm càng tốt, đồng thời lấy những nghệ nhân làm trung tâm, làm chủ thể và cũng là đối tượng hướng tới.

“Làng nghề truyền thống Việt Nam có rất nhiều nét đặc biệt. Vấn đề đặt ra là làm sao kết nối làng nghề với thế giới trong khi vẫn duy trì bản sắc của làng nghề”, ông Kevin Murray cho biết.

Để làm được điều đó, theo ông Kevin, Việt Nam cần trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, sử dụng công nghệ số hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho các làng nghề. Đồng thời, xây dựng thương hiệu cho làng nghề, hợp tác tái tạo các giá trị văn hóa lịch sử, kết hợp được văn hóa bản địa với du lịch ngành nghề, phát triển làng nghề hướng tới xu thế tiêu dùng hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO