Văn hóa

Phát huy giá trị văn hoá tâm linh

Lập Nguyễn 31/05/2024 - 21:08

Yên Tử xa xưa có tên là Yên Sơn, (Quảng Ninh) nổi tiếng là nơi địa linh nhân kiệt, một phúc địa của Giao Châu. Trong lịch sử, đây được coi là trung tâm Phật giáo của cả nước, gắn liền với tên tuổi Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị vua kiệt xuất đã khai sáng ra thiền phái Trúc Lâm, dòng thiền riêng của Đại Việt.

398-202405311812461.jpg
Một góc khuôn viên của chùa Trình, cửa ngõ đầu tiên trấn giữ nơi cửa ngõ linh thiêng vào đất Phật.

Trải qua hơn 700 năm với những giai đoạn trấn hưng rực rỡ, thiền phái Trúc Lâm luôn khẳng định sức sống mạnh mẽ trong lịch sử dân tộc, vang danh cả một vùng Châu Á rộng lớn. Di sản để lại trên dải đất thiêng có chiều dài gần 20 km từ chùa Bí Thượng cạnh quốc lộ 18A đến đỉnh chùa Đồng ở độ cao 1.068m so với mực nước biển là hàng chục ngôi chùa, hàng trăm am tháp nằm giữa một vùng núi non trùng điệp, thiên nhiên kỳ vĩ. Trong đó, chùa Bí Thượng hay còn gọi là chùa Trình, chính là ngôi chùa đầu tiên trấn giữ nơi cửa ngõ linh thiêng vào đất Phật.

Chùa Trình hay còn gọi là chùa Bí Thượng tọa lạc tại khu Bí Thượng thuộc Tổng Bí Giảng xưa, nay là phường Phương Đông, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Ngược dòng thời gian, cách đây hơn 700 năm, khi Đức Thượng hoàng Trần Nhân Tông về Yên Tử tu hành sáng lập thiền phái Trúc Lâm, các Phật tử, thiện nam tín nữ của Đại Việt đã đổ về đây để an cư, cầu đạo.

Khi Yên Tử trở thành kinh đô Phật giáo, lượng người hành hương về đây ngày càng đông, chính vì vậy việc xây dựng một ngôi chùa ở cửa ngõ Yên Tử làm trạm dừng chân cho khách độ đường đã trở nên cần thiết. Nhà nghiên cứu Trần Trương, nguyên Trưởng Ban Quản lý Di tích danh thắng Yên Tử, cho biết: Từ sông Đá Bạc theo dòng sông Bí, thuyền cập bến ngay trước cửa chùa Trình, tỏa đi các nơi lên kinh thành Thăng Long, đi vào vùng Hoan Ái, qua đường biển hoặc châu thổ sông Hồng, sông Thái Bình. Chùa Trình như một đầu mối giao thông đường thủy.

Còn đường bộ đi từ Thăng Long về An Bang, tức là Quảng Ninh ngày nay, thì có một con đường đất đi qua cửa chùa Trình. Cũng theo ông Trương, trước đây chùa Trình chỉ là ngôi đình trạm cột gỗ, mái tranh dựng trên một sườn đồi, sau đó trở thành chùa. Kết quả khảo cổ năm 2006 cho thấy chùa được xây dựng lại vào thời Hậu Lê. Trong lịch sử, chùa nằm ở vị trí quan trọng về mặt giao thương đường thủy, đường bộ rất thuận tiện để kết nối Yên Tử với kinh đô Thăng Long và thủ phủ An Bang xưa.

Trải qua thời gian, với bao thăng trầm lịch sử, bến thuyền cổ và con đường trước kia đã phai mờ dần theo năm tháng. Ngôi chùa Bí Thượng xưa cũng chỉ còn là dấu tích. Tuy nhiên, sự náo nhiệt trong mấy trăm năm đã minh chứng cho sự sôi động của vùng đất này, một vùng đất trên bến dưới thuyền, đồng thời là cửa ngõ vào Linh Sơn Yên Tử. Trước năm 1945, phần lớn du khách ở Hà Nội và các vùng lân cận về Yên Tử thường đi qua địa phận Hải Phòng, sang Thủy Nguyên, vượt cầu Đá Bạc, theo đường máng nước về Dốc Đỏ đến chùa Bí Thượng, cũng chính là chùa Trình của Yên Tử.

Sau thời gian gián đoạn từ năm 1996 đến nay, tuyến đường vào non thiêng được mở từ ngã ba Dốc Đỏ, nối từ đường 18A qua cửa ngăn vào bến Giải Oan. Từ đây, đường hành hương của phật tử và du khách được nối liền. Chùa Bí Thượng trở lại với vai trò là trạm dừng chân đầu tiên để thưa trình Tam Tổ Trúc Lâm trước khi đi vào hệ thống chùa tháp lễ phật và vãn cảnh non thiêng.

398-202405311812462.jpg
Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh được xây dựng nằm ở phía Đông của chùa Trình

Thượng tọa Thích Đạo Hiền, Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Đây là ngôi chùa đầu tiên bắt đầu vào không gian linh thiêng của danh sơn Yên Tử. Những ngày đầu năm, bà con đã chọn một ngày tốt để làm lễ tế cáo với trời đất, gọi là mở cửa rừng, bắt đầu cho một mùa lễ hội, bắt đầu cho một mùa sản xuất bội thu... cho nên chùa này hiện diện với ý nghĩa và quan niệm của người Việt là đi trình về tạ.

Trong lịch sử, chùa Trình đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Đến thế kỷ thứ 19, chùa được xây dựng lại trên nền chùa cũ. Đầu thế kỷ 20, chùa bị hỏa hoạn, một phật tử đã phát tâm công đức, phục dựng lại chùa. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chùa bị phá hủy. Vào năm 1993, chùa được xây dựng lại và đến năm 1999 thì được tu sửa khang trang. Năm 2006, chùa Trình được mở rộng như hiện nay.

Từ ngôi chùa cổ với kiến trúc kiểu chữ Nhất, đến nay, chùa Trình có kiến trúc nội công ngoại quốc, tức là kiểu chùa có hai hành lang dài nối liền với nhà tiền đường ở phía trước và với nhà hậu đường ở phía sau, làm thành một khung hình chữ nhật bao quanh lấy nhà Thiêu hương, nhà Thượng điện hay các công trình kiến trúc khác ở giữa. Chùa lợp ngói mũ hài, các góc mái là đầu rồng uốn cong hình sóng nước và vân mây vút cao. Các công trình tại chùa Trình bao gồm: Tiền đường chính điện thờ Phật, hai dãy hành lang hai bên Tả vu và Hữu vu thờ Thập Bát La Hán, nhà tổ thờ Tam Tổ Trúc Lâm, bàn Trần triều và bàn thờ Tam tòa Thánh Mẫu theo tín ngưỡng dân gian truyền thống của các dân tộc. Các pho tượng đều được đúc đồng và tạc bằng gỗ mít, gỗ hương, được bày trí theo kiểu chùa Việt ở miền Bắc và Phật giáo Đại thừa.

Khu vực vườn Tâm được khánh thành nhân dịp lễ tưởng niệm 710 năm Đức Vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn. Đây là nơi tăng ni, phật tử có thể thư thái, thiền hành, chuyên tâm đọc sách. Chùa Bí Thượng luôn mang dáng vẻ trầm mặc, tĩnh tại, dù hầu hết các công trình đều được xây mới thay thế cho ngôi chùa xưa. Trong khuôn viên chùa còn có 3 ngôi tháp được đắp sửa khi xây dựng chùa vào năm 2006 nhưng không có tư liệu lưu trữ lại. Đó là 3 ngôi tháp thờ chư vị tổ sư đã từng tu học và trụ trì ở đây.

Ngoài ra, hiện tại vẫn còn dấu tích của một ngôi mộ gạch, mái vòm và nhiều đồ gốm như hũ, lọ, các mô hình bằng đất nung không còn nguyên vẹn có niên đại khoảng thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ ba. Năm 2007, tòa nhà Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh, được xây dựng ở phía đông của chùa đã khiến nơi đây trở thành trung tâm văn hóa, hành chính và hoằng pháp của Phật giáo Quảng Ninh. Đồng thời, trở thành trường hạ tập trung cho chư tăng ni tỉnh Quảng Ninh hàng năm về tu suốt 3 tháng mùa hè với số lượng hành giả, an cư mỗi năm một đông hơn.

Tư tưởng nhập thế tích cực của Phật giáo Trúc Lâm có một sức sống mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Phật tại tâm, đạo và đời luôn gắn liền với nhau. Chính vì vậy, tại nơi cửa ngõ linh thiêng này, phật tử và du khách gần xa luôn cảm nhận được sự linh thiêng, thanh tịnh trong tâm hồn, buông bỏ những ưu phiền của cuộc sống để tìm về bản ngã của mình, chuẩn bị đến với cõi thiêng Yên Tử.

Qua thời gian, chùa Bí Thượng (chùa Trình) cửa ngõ linh thiêng của Yên Tử vẫn là nơi thực hành tín lễ “đi trình về tạ” của du khách thập phương khi về miền đất Phật. Ngôi chùa này hiện nay đang được tiếp thêm những luồng sinh khí mới, là nơi quy ngưỡng cho đông đảo tăng ni, phật tử xa gần. Đây chính là điểm đầu tiên đánh dấu hành trình về danh sơn Yên Tử, cõi Phật linh thiêng của Đại Việt./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO