Đời sống

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: Cần bồi dưỡng và phát triển lớp người kế cận trong các làng nghề

D. Thảo 10/11/2023 - 12:06

Trong khuôn khổ Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề năm 2023, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp mặt Đoàn đại biểu 100 nghệ nhân nhân dân, thợ giỏi ưu tú, tiêu biểu trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ tham dự Festival. Cùng dự có lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.

Báo cáo tại buổi gặp mặt, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện cả nước 2030 làng nghề và làng nghề truyền thống trong số hàng nghìn làng có nghề cả nước, trong đó có trên 2.100 nghệ nhân, thợ giỏi, nắm vững kiến thức nghề, phát huy sức sáng tạo, truyền nghề từ thế hệ này qua thế hệ khác, tạo các giá trị nghệ thuật, mang lại giá trị kinh tế cao, qua đó góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển nông thôn.

chu-tich-nuoc-vo-van-thuong-gap-go-cac-nghe-nhan-tho-gioi-tham-du-buoi-gap-mat.jpg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp gỡ các nghệ nhân, thợ giỏi trong khuôn khổ Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề năm 2023. Ảnh: TTXVN

Kim ngạch xuất khẩu riêng nhóm ngành nghề thủ công mỹ nghệ năm 2022 đạt trên 3,3 tỷ USD. Nhiều làng nghề đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo hấp dẫn đối với khách trong và ngoài nước, vừa giải quyết việc làm và thu nhập cho người dân, vừa quảng bá hình ảnh đất nước - con người Việt Nam với bạn bè thế giới.

Tại buổi gặp mặt, các nghệ nhân, thợ giỏi bày tỏ vui mừng được Đảng, Nhà nước luôn quan tâm bảo tồn và phát huy các ngành nghề truyền thống, các làng nghề, qua đó làm hồi sinh sức sống mạnh mẽ của hàng nghìn làng nghề cả nước, góp phần tạo thu nhập và sinh kế cho hàng triệu người dân. Đây cũng là điều thuận lợi để các nghệ nhân, thợ giỏi giữ gìn, phát huy và truyền nghề cho các thế hệ sau, góp phần quan trọng giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc.

Các làng nghề truyền thống của Việt Nam muốn tiếp tục phát triển thành công hơn nữa rất cần sự ủng hộ, hỗ trợ từ các chính sách phù hợp của Đảng, Nhà nước, nhất là trong tiếp thu, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; phát huy các sáng kiến trong lao động, sản xuất; hỗ trợ các nghệ nhân, thợ giỏi tận dụng các nguồn nguyên liệu ở địa phương để sản xuất các sản phẩm truyền thống; phát triển hơn nữa việc truyền nghề, dạy nghề truyền thống cho thế hệ trẻ….

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bày tỏ sự vui mừng được gặp mặt các nghệ nhân, nêu rõ các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ của các nghệ nhân, thợ giỏi Việt Nam sáng tạo và làm ra luôn là các món quà tinh tế trong hoạt động đối ngoại, gây ấn tượng với các nhà lãnh đạo và bạn bè quốc tế về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam. Đồng thời đánh giá cao sự phát triển của làng nghề Việt những năm qua, mang lại nhiều việc làm cho người dân, nhất là người dân ở nông thôn mọi lứa tuổi, qua đó góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt.

Chủ tịch nước cũng đề nghị các nghệ nhân, thợ giỏi cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển lớp người kế cận, bởi với số lượng nghệ nhân thợ giỏi, nhất là nghệ nhân cấp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng sự phát triển của ngành nghề thủ công mỹ nghệ tại Việt Nam. Đây cũng là vấn đề mà các cơ quan chức năng cần tiếp tục tạo điều kiện, xem xét công nhận các nghệ nhân đủ tiêu chuẩn.

snapedit_1699591114100.jpg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ nhân, thợ giỏi và các đại biểu... Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển làng nghề ở Việt Nam. Đi liền với đó là hoàn thiện chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân; hoàn thiện cơ chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong sản xuất thủ công mỹ nghệ, phát triển làng nghề du lịch. Chủ tịch nước cũng đề nghị hoàn thiện bộ tiêu chí xét duyệt, phong tặng danh hiệu nghệ nhân, cơ chế truyền nghề và hỗ trợ các nghệ nhân trong xây dựng thương hiệu và tiếp thị.

Chủ tịch nước mong muốn các nghệ nhân, thợ giỏi kiên trì con đường lao động nghệ thuật, tôn vinh hơn nữa văn hóa Việt, vừa bảo tồn, phát triển kỹ năng nghề, vừa bồi dưỡng, phát triển lớp người kế cận, tính toán đến việc truyền nghề cho các thế hệ tiếp nối. Đề nghị các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp tục xem xét, công nhận thêm các nghệ nhân, thợ giỏi đủ tiêu chuẩn phù hợp hơn với tình hình thực tế hiện nay.

Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 diễn ra từ tháng 10 đến tháng 11/2023 tại nhiều địa điểm trên địa bàn Hà Nội, với hàng chục sự kiện, hoạt động đặc sắc. Trong đó, sự kiện chính diễn ra từ ngày 9 - 12/11 tại Hoàng thành Thăng Long.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO