Một mùa hè nữa lại về, học sinh cả nước được nghỉ học. Đây là khoảng thời gian nghỉ ngơi, vui chơi thoả thích của các em. Theo đó, việc quản lý, bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở địa phương, của các tổ chức đoàn thể, gia đình cần được quan tâm, chú trọng hơn.
Thống kê cho thấy, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có khoảng 216.200 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 33% tổng dân số); 6.352 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; khoảng 98.280 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (chủ yếu là sống trong gia đình nghèo, cận nghèo (72.194 trẻ em) và 2.291 trẻ sống trong các gia đình có vấn đề xã hội và trẻ sống trong gia đình có người mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật...
“Trẻ em như búp trên cành”. Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, các em cần được chăm sóc, bảo vệ, giáo dục một cách tốt nhất, để sau này trở thành con ngoan, trò giỏi, người có ích cho xã hội.
Vậy nhưng không phải gia đình nào, địa phương nào cũng có điều kiện để chăm sóc, giáo dục các em tốt nhất. Không ít trẻ em ở vùng cao, vùng sâu biên giới; trẻ em sống trong các gia đình khó khăn, thiếu thốn về kinh tế; thiếu tình cảm chăm sóc của bố, mẹ, người thân... Hàng ngày, số trẻ em này tự nghĩ ra các trò chơi, tự chăm sóc bản thân; không ít trẻ em vùng nông thôn ra sông suối, ao hồ… tắm, mò cua, bắt ốc, dẫn tới nhiều vụ đuối nước thương tâm.
Ba tháng hè, nhà trường bàn giao học sinh về cho địa phương, cũng là lúc các thầy, cô giáo lo ngay ngáy. Vì rằng, những năm gần đây, trong thời gian nghỉ hè, đã xảy ra nhiều vụ đuối nước, tai nạn thương tích trẻ em. Có những vụ đuối nước, tai nạn thương tâm làm chết 2 - 3 cháu trong một gia đình hoặc anh em, người thân.
Bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong dịp hè cần được các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể xã hội và mỗi gia đình quan tâm hơn nữa. Cần có cách làm cụ thể, sát thực tế mỗi địa phương, đơn vị. Đó là chủ động rà soát, kiện toàn, củng cố Ban điều hành, Ban bảo vệ trẻ em các cấp; phát huy hiệu quả nhóm thường trực trẻ em cấp xã; tăng cường giải pháp để hạn chế thấp nhất tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích; tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong hoạt động bảo vệ, can thiệp, hỗ trợ trẻ em.
Do thiếu chỗ vui chơi công cộng an toàn; nhiều gia đình không có điều kiện để chăm sóc, giám sát trẻ em hàng ngày. Ở vùng cao, vùng nông thôn lại nhiều ao hồ, sông suối, cầu treo… là những nơi thường trực xảy ra tai nạn thương tích đối với trẻ em. Do đó, mỗi địa phương cần rà soát, lập bản đồ các điểm, vùng nước sâu, công trình có nguy cơ gây đuối nước để triển khai các biện pháp khắc phục, cảnh báo, cảnh giới, cấm hoặc hạn chế trẻ em đến gần. Cùng với đó, triển khai các biện pháp xây dựng môi trường an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em như: Ngôi nhà an toàn, cộng đồng an toàn, trường học an toàn...
Thực tế cho thấy, nhiều trẻ em đuối nước thời gian qua là không biết bơi. Nên việc triển khai các hoạt động dạy bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước là rất cần thiết và cần triển khai trên diện rộng. Không chỉ nhà trường, mà gia đình, tổ chức Đoàn thanh niên, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội... cần có kế hoạch dạy bơi cho trẻ em.
Trong lúc còn thiếu các bể bơi đủ tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn, thì ít nhất các em cần được phổ biến, giáo dục về lý thuyết bơi. Có ý kiến cho rằng, việc dạy lý thuyết bơi là không cần thiết; các địa phương, nhà trường lấy đâu ra bể bơi để thực hành mà dạy lý thuyết cho mất công? Tuy nhiên, ngạn ngữ có câu: Thà đốt một ngọn nến còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối. Cho nên, thà là dạy bơi lý thuyết, dạy bơi cạn... còn hơn là không làm gì! Không nên để các em không có chút kiến thức nào về bơi lội.
Với đặc thù là tỉnh nghèo như Điện Biên, cần tăng cường công tác truyền thông, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân đóng góp nguồn lực cùng Nhà nước thực hiện các mục tiêu vì trẻ em; xây dựng các công trình phúc lợi, các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tập trung ưu tiên nguồn lực hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em là người dân tộc thiểu số. Để tương lai gần, mọi trẻ em được sinh ra, lớn lên và chăm sóc trong môi trường an toàn, lành mạnh, hạnh phúc. Để hàng ngày trên phương tiện truyền thông không phải nghe, xem các thông tin xấu, tin không hay về các vụ đuối nước, tai nạn thương tích trẻ em làm đau lòng bố mẹ, người thân, thầy cô giáo.