Đời sống xã hội

Không cam chịu số phận

Trần Hương Lê 01/06/2024 - 09:20

Trong ngôi nhà nhỏ xinh nằm bên đường vào bản Mò O Ồ Ồ của tộc người Rục, xã Thượng Hóa (Minh Hóa), rất nhiều giấy khen, bằng khen được treo trang trọng ở gian phòng khách. Một điều hiếm thấy ở những bản làng xa xôi lại hiện diện nơi ngôi nhà bà Hồ Thị Pấy-người phụ nữ phải trải qua những năm tháng cùng cực nhưng không cam chịu số phận, đã vượt lên hoàn cảnh, làm chủ cuộc đời.

Từ trong cơ cực cuộc đời
Theo chân thiếu tá Đinh Lâm Viên, cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng, chúng tôi tới nhà bà Hồ Thị Pấy (SN 1972). Đúng lúc, bà vừa từ rẫy trồng keo về. Nhìn nụ cười rạng rỡ của người phụ nữ nhỏ bé ấy, khó nghĩ, bà đã từng trải qua những cơ cực trong cuộc đời.
Nhắc chuyện quá khứ, bà Pấy kể, năm 2006 là mốc khó khăn nhất khi chồng bà (ông Cao Xuân Lan) đổ bệnh rồi đột ngột qua đời, để lại 8 đứa con nheo nhóc, đứa lớn 12 tuổi, đứa út mới 8 tháng tuổi.
Sau đau thương là những khó khăn chồng chất. Trước đây, hai vợ chồng cùng làm lụng nuôi con mà cả nhà còn đói, huống chi giờ chỉ có một mình. Để nuôi đàn con còn thơ dại, bà Pấy phải làm việc gấp hai, gấp ba người khác; có những khi tưởng chừng muốn kiệt sức. Bà ngậm ngùi nhớ lại: “Sáng dậy sớm mài củ sắn, đâm bồi nấu ăn rồi mới đi làm rẫy, mà lúa rẫy thì bữa được, bữa không. Trồng sắn, ngô cũng bị lợn rừng ăn hết. Nhiều bữa, tui chỉ còn biết ngồi khóc”. Cực chẳng đã, nuốt nước mắt vào trong, bà Pấy buộc phải cho hai đứa con thứ 3 và thứ 4 làm con nuôi của người Ý, để bớt miệng ăn cho những đứa con còn lại.
Siêng năng, tích cực, trách nhiệm, gương mẫu,… là những đánh giá mà nhiều người dành cho người phụ nữ giàu nghị lực này.
Siêng năng, tích cực, trách nhiệm, gương mẫu,… là những đánh giá mà nhiều người dành cho người phụ nữ giàu nghị lực này.
“Xin được bát cơm, mẹ chưa cho ăn liền. Mẹ nói phải độn thêm sắn, rồi xôi lại để cả nhà cùng ăn…”, Cao Xuân Long, người con trai thứ 2 bùi ngùi kể. Bà Pấy tiếp lời: “Hồi đó, cả bản mấy ai có được cơm gạo trắng mà ăn mô. Tui phải đi đào củ rừng, củ rú rồi ra suối mò cua, bắt ốc để nuôi con. Cực vậy mà rồi cũng qua…”
Đó là những năm, tộc người Rục còn trong muôn vàn khó khăn, khi rời hang đá chưa lâu. Bà con còn chưa quen với cuộc sống mới, vẫn còn không ít người “chực” quay trở lại hang đá, tiếp tục cuộc sống hoang dã.
Vượt lên gian khó, nêu gương sáng
Không thể cứ cam chịu số phận, phải nghĩ cách để thoát cảnh đói nghèo. “Nếu chỉ lên rẫy trồng lúa, trồng sắn mà thả đó nhờ trời cho sao, được nấy; rồi mò cua, bắt ốc thì chỉ có đói mãi. Mình phải học thôi. Cán bộ xã, bộ đội Biên phòng (BĐBP) bày vẽ cho mình cách làm ăn để thoát đói, thoát nghèo, sao mình không nghe theo thử”.
Nghĩ là làm, bà Pấy bắt đầu tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật; quan tâm các chương trình, dự án về trồng rừng, chăn nuôi,… Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tuân thủ những hướng dẫn của cán bộ, của BĐBP, các mô hình của bà Pấy cho hiệu quả kinh tế cao. Cái đói, cái nghèo nhờ vậy mà dần lùi xa.
Năm 1959, tộc người Rục sống ở trong hang đá giữa rừng sâu heo hút, đã được một tổ tuần tra thuộc lực lượng Công an vũ trang (nay là BĐBP) tình cờ phát hiện và thuyết phục rời hang đá, về sinh sống tại thung lũng Rục Làn, ở xã Thượng Hóa.

Là người siêng năng, ham học hỏi, bà Pấy trở thành nhân tố điển hình của mọi phong trào ở bản Mò O Ồ Ồ. Năm 2011, Đồn BP Cà Xèng tổ chức khai hoang, trồng lúa nước tại thung lũng Rục Làn và gặp rất nhiều khó khăn khi nhận thức của bà con vẫn còn hạn chế, thói quen canh tác cũ còn hằn sâu trong tâm thức. Lúc ấy, bà Pấy là nhân tố đi đầu, tích cực, cổ vũ đồng bào mình cùng tham gia. Để đến hôm nay, sau hơn 10 năm thử nghiệm, mô hình trồng lúa nước của Đồn BP Cà Xèng đã thực sự làm thay đổi nhận thức của đồng bào Rục về phương thức sản xuất, nâng cao đời sống cho bà con dân bản… Cánh đồng Rục Làn với 5,3ha lúa nước, 4,7ha ngô, cho năng suất lúa hàng năm đạt khoảng 45-50 tạ/ha, mang lại nhiều mùa vàng no ấm.

Hiện gia đình bà Pấy đang sở hữu 5 sào lúa, 4 sào ngô, 2 ha keo; mỗi năm nuôi gần chục con bò, lợn… Bà cũng tham gia học kỹ thuật và sẽ triển khai mô hình trồng cây gai xanh với sự hướng dẫn của cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Cà Xèng.
Rất nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp đã được trao; là sự đánh giá, ghi nhận những nỗ lực, cố gắng bền bỉ không biết mệt mỏi của người phụ nữ nhỏ bé mà đầy nghị lực: Hồ Thị Pấy.
Gieo những hạt giống tốt cho bản làng
Tài sản lớn nhất, thành công lớn nhất của bà Hồ Thị Pấy là những đứa con ngoan, trưởng thành. Bà rạng rỡ khoe: Tui chuẩn bị có 5 đứa con học hết cấp 3 rồi đó! Chỉ duy nhất người con gái đầu do hoàn cảnh quá khó khăn nên học hết lớp 5, ở nhà phụ mẹ nuôi em. Đời tui mù chữ, khổ lắm rồi, nên tự nhủ phải gắng lo cho con cái ăn học.
Mùa khai giảng năm học 2022-2023, người con thứ 6 trong gia đình là Cao Thị Lệ Hằng gây sự chú ý, bởi em là nữ sinh đầu tiên của tộc người Rục đỗ đại học. Em đang là sinh viên năm thứ 2 chuyên ngành Giáo dục mầm non, Trường đại học Quảng Bình.
Còn Cao Quang Hưng (cậu bé mới được 8 tháng tuổi khi bố qua đời), ngay khi tốt nghiệp trung học phổ thông đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Tháng 2/2024, Hưng trở thành tân binh và đang tham gia huấn luyện tại Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động, BĐBP tỉnh.
“Chủ trương gì đưa ra, bà Pấy cũng xông xáo đi đầu, làm có hiệu quả để giúp dân bản nhìn thấy và làm theo. Trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chăm lo cho con cái học hành,… bà Hồ Thị Pấy là tấm gương tiêu biểu cho đồng bào Rục. Bà đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen các cấp từ xã, huyện, tỉnh đến Trung ương; trong đó, có bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích trong phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” giai đoạn 2010-2015; bằng khen của UBND tỉnh dành cho đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu đã có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế địa phương (năm 2017),…”, trung tá Hoàng Công Hùng, Đồn trưởng Đồn BP Cà Xèng vui vẻ cho biết.

Đặc biệt, người con thứ 2 là Cao Xuân Long (1996), hiện là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Mò O Ồ Ồ. Anh được đánh giá là một cán bộ trẻ có trách nhiệm, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; nhận được sự tín nhiệm cao từ bà con dân bản, cũng như sự tin tưởng của Đồn BP Cà Xèng và Đảng bộ xã Thượng Hóa. Dưới sự dẫn dắt của Long, bản Mò O Ồ Ồ đang đổi thay rõ rệt, tỷ lệ thoát nghèo hơn 50% trong vòng 5 năm; các phong trào luôn tốp đầu của xã Thượng Hóa. Bản hiện có 78 hộ, với 325 khẩu; có khoảng 30 hộ dân có xe máy, ti vi; cả bản có khoảng 120 con trâu bò, 20ha keo. Bà con nay đã biết tự chủ trồng ngô, lúa, sắn để chủ động nguồn lương thực.

“Tui biết ơn các con nhiều lắm! Mình cực khổ như ri mà con hắn ngoan, nghe lời mẹ, chịu khó bươn bả, chăm chỉ học hành nên rất chi là mừng. Càng biết ơn Đảng, Nhà nước, BĐBP đã giúp đỡ nhiều: bày cho làm lúa nước, bày cho nuôi bò, lợn, gà,... giúp có cuộc sống ấm no. Con cái học hành có trường lớp ở tận trong đây luôn; cấp 1, 2 chi cũng có… Con Hằng đó, trước được làm con nuôi biên phòng, nay đi học đại học được nhà nước nuôi, mẹ không mất một đồng mô hết”, bà Pấy cười mãn nguyện nói.
Chia tay bà Hồ Thị Pấy trong những ngày trung tuần tháng 5, khi bà con dân bản đang vào vụ thu hoạch lúa nước. Nụ cười của người phụ nữ giàu nghị lực qua những ngày gian khó ấy và không khí rộn ràng, hăng say lao động sản xuất của đồng bào Rục đã tiếp thêm niềm tin về một cuộc sống no ấm, đủ đầy đang dần hiển hiện nơi thung lũng Rục Làn…
Theo Theo baoquangbinh
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO