Phát triển - Hội nhập

Tạo lực đẩy giúp đồng bào thiểu số phát triển

Nguyễn Thanh Sơn 31/05/2024 - 15:29

Với 16 chương trình tín dụng chính sách, người nghèo, cận nghèo và các đối tượng được vay vốn đã tích cực mua giống, cây trồng, vật nuôi, tạo lợi nhuận trong sản xuất kinh doanh. Có 3.100 hộ nghèo, hộ thu nhập thấp được vay vốn làm nhà ở mới, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của Yên Bái hằng năm từ 4-5%, đưa 108 xã của Yên Bái đạt chuẩn nông thôn mới.

Xác định tín dụng chính sách xã hội là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm phục vụ mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững, giúp hộ dân tộc thiểu số còn khó khăn tự vươn lên. Với phương thức tín dụng giao dịch trực tiếp đối với người vay tại điểm giao dịch xã, ủy thác một số nội dung công việc qua tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện công khai, minh bạch có sự giám sát của chính quyền, của cộng đồng xã hội. Với phương châm hoạt động “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” và tinh thần “phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã”, ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Yên Bái luôn đồng hành, mang vốn tín dụng chính sách của Chính phủ, của địa phương đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

116d4085748t1887l4-img-6018-5450-jpg.jpg
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lục Yên kiểm tra hiệu quả vốn vay đối với đồng bào Dao xã Tân Phượng. (Ảnh: THANH SƠN).

Giám đốc Chi nhánh Nguyễn Thanh Hải thông tin nhanh: Yên Bái là tỉnh miền núi, có 30 dân tộc cùng chung sống, đã triển khai hiệu quả Chỉ thị 40/CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. 10 năm qua, đã có hơn 224.300 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách với tổng dư nợ vay hơn 8.915 tỷ đồng. Với 16 chương trình tín dụng chính sách, người nghèo, cận nghèo và các đối tượng được vay vốn đã tích cực mua giống, cây trồng, vật nuôi, tạo lợi nhuận trong sản xuất kinh doanh. Có 3.100 hộ nghèo, hộ thu nhập thấp được vay vốn làm nhà ở mới, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của Yên Bái hằng năm từ 4-5%, đưa 108 xã của Yên Bái đạt chuẩn nông thôn mới.

Về xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình tìm hiểu hiệu quả tín dụng qua kênh chính sách xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nguyễn Văn Chiến phấn khởi thông tin, gần 40 tỷ đồng ủy thác vay qua các tổ chức chính trị- xã hội (Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên). Được các tổ vay vốn bình bầu chặt chẽ, thường xuyên giám sát việc thu lãi và tiền tiết kiệm, nên 785 khách hàng đều tiếp cận nhanh nguồn vốn vay ưu đãi, sử dụng đúng mục đích, không có nợ quá hạn. Nhờ đó, năm 2023 qua phát triển sản xuất, có 81 hộ ra khỏi danh sách hộ nghèo. Tại thôn Đồng Đầm, gia đình bà Nguyễn Thị Ty, gia đình ông Trần Xuân Tình vay vốn ưu đãi để trồng cây lâm nghiệp, kết hợp nuôi gia cầm, nhờ chăm chỉ làm ăn và đầu tư hiệu quả, đến nay đã thoát nghèo.

Tạo lực đẩy giúp đồng bào thiểu số phát triển
Một hộ dân thôn Đồng Đầm, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình vay vốn ưu đãi phát triển đàn gia cầm. (Ảnh: THANH SƠN).

Gia đình anh Hoàng Văn Quốc, dân tộc Tày, thôn Đồng Ké, xã Tân Nguyên thuộc diện hộ nghèo, năm 2022 được Phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội huyện Yên Bình cho vay 100 triệu đồng, để phát triển chăn nuôi gà thịt. Nhờ làm tốt công tác phòng dịch, vệ sinh chuồng trại, kiểm soát tốt giống đầu vào, nên trong chuồng luôn có hơn 2.000 gà lớn nhỏ. Qua 5 tháng đầu năm 2024, đã xuất bán ra thị trường hơn hai tấn gà thịt, thu về hơn 200 triệu đồng. Nhờ thành công trong chăn nuôi gia cầm, gia đình anh Quốc đã đủ tiền cho con ăn học, mua sắm các vật dụng thiết yếu trong sinh hoạt.

Năm 2022, chị Hoàng Thị Ngọc, dân tộc Tày, thôn Đồng Ké, xã Tân Nguyên qua tổ tín dụng vay vốn bình xét thuộc hộ nghèo, được giải ngân cho vay 100 triệu đồng. Đã dựng chuồng trại, mua 10 con bò giống chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Bà Ngọc cho biết, nhằm chủ động nguồn thức ăn cho bò, gia đình trồng gần một ha cỏ voi, hai ha sắn; thực hiện tiêm phòng lở mồm long móng, thực hiện đúng các hướng dẫn kỹ thuật, nên đàn bò sinh trưởng tốt. Đầu năm nay, đã bán 4 con bò, thu về hơn 40 triệu đồng, bảo đảm trả nợ gốc và tái đầu tư chăn nuôi.

Tạo lực đẩy giúp đồng bào thiểu số phát triển
Đồng bào H'Mông huyện Mù Cang Chải tham gia giải ngân vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội. (Ảnh: THANH SƠN).

Anh Hoàng Văn Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Nguyên huyện Yên Bình đánh giá, là xã miền núi chủ yếu là đồi rừng, nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, đến nay xã có hơn 900 hộ vay vốn ngân hàng Chính sách xã hội, dư nợ hơn 62 tỷ đồng. Các hộ đã đầu tư chủ yếu vào phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển trồng rừng, trồng quế, chế biến nông lâm sản. Qua đó, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, nhiều hộ đã làm ăn hiệu quả thoát nghèo và có đời sống khá. Đã góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, hàng năm bình quân tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm 5%/ năm.

Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách huyện Yên Bình, Trịnh Trọng Hoài cho biết,5 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã thẩm định, giải ngân cho hàng nghìn lượt hộ vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, với gần 100 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt 737 tỷ đồng, với hơn 13.000 khách hàng vay vốn, tăng trưởng 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó đối ứng của huyện theo Chỉ thị 40 của Ban Bí thư gần 5 tỷ đồng, tập trung cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Qua nguồn vốn vay, nhiều hộ dân đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm ổn định và nâng cao đời sống, nhiều hộ đã thoát nghèo, nhiều hộ trở nên khá giả, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên địa bàn huyện giảm từ 4 đến 6% năm... góp phần để huyện Yên Bình hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.

Theo Báo Nhân dân
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO