Thời gian qua, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) triển khai có hiệu quả đã mang lại những chuyển biến tích cực trong việc bảo vệ, phát triển và chăm sóc rừng. Đặc biệt là việc thay đổi từ nhận thức cho đến hành động của người dân đã góp phần to lớn vào kết quả nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh hằng năm. Từ đó đã mang lại cho Điện Biên những cánh rừng xanh bạt ngàn, phủ khắp từ những dãy đồi, ngọn núi, xen đến cả các bản làng vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Năm 2021, diện tích rừng trên địa bàn xã Mường Mươn (huyện Mường Chà) mới đạt tỷ lệ che phủ khoảng 40%. Nhờ làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng nên đến nay tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn xã không những không bị giảm mà còn tăng lên trên 42%. Với người dân xã Mường Mươn, giờ đây, việc bảo vệ rừng đã trở thành nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người. Từ đó đã huy động được sức mạnh của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Ông Lò Văn Minh, bản Mường Mươn 2 (xã Mường Mươn) chia sẻ: “Để bảo vệ và quản lý rừng tốt, dân bản đã cùng nhau đi tuần tra rừng hàng tuần, có tuần 2 - 3 đợt. Tổ Quản lý và bảo vệ rừng của bản có 11 người và lúc nào chúng tôi yêu cầu đi rừng, kiểm tra là lại tập trung đầy đủ mà không cần phải thúc giục nhiều. Ngoài ra, chúng tôi còn tập trung vào công tác tuyên truyền, nhắc nhở bà con không ai được phá rừng nên thời gian qua, bản không có ai lấn chiếm rừng trái phép đâu!”.
Không chỉ với các xã, mà ngay ở thị trấn Mường Chà, bà con nơi đây cũng gắn bó với rừng và thể hiện qua nhiều việc làm tích cực từ thực tế. Từ việc bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, cho đến khoanh nuôi tái sinh hay trồng rừng, bà con cũng đều chú tâm thực hiện. Nhất là khi có chính sách chi trả DVMTR, bà con đã có thêm nguồn thu từ việc bảo vệ rừng nên họ càng thể hiện trách nhiệm cao hơn với rừng. Từ nguồn chi trả DVMTR, các tổ bảo vệ rừng ở các thôn, phố, bản đều được trích một phần để phục vụ cho hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng. Điều đó càng tạo thêm động lực để mỗi thành viên trong tổ bảo vệ rừng thực hiện việc tuần rừng với trách nhiệm cao hơn.
Ông Sần Tại Xóm, tổ dân phố 9, thị trấn Mường Chà cho biết: “Trước không có tiền DVMTR, chúng tôi vẫn tuần rừng thường xuyên vì rừng thì không bỏ được, nhưng mà khó khăn lắm. Giờ có tiền rừng DVMTR, có thêm nguồn thu nhập, bổ sung kinh phí hoạt động của anh em thì việc đi tuần cũng dễ dàng và đỡ vất vả hơn. Hằng năm, cộng đồng còn có tiền đầu tư trang bị bảo hộ, giày dép, ủng... đi tuần cũng đỡ hơn. Ngoài trang phục thì những lần đi tuần tra cũng được hỗ trợ tiền xăng, nước uống, động viên anh em. Như vậy cũng có động lực để anh em thêm gắn bó với rừng”.
Mỗi cộng đồng hay mỗi chủ rừng đều có những cách giữ rừng khác nhau, nhưng mục đích cuối cùng đều muốn bảo vệ toàn vẹn diện tích rừng hiện có, kết hợp với khoanh nuôi tái sinh, trồng mới nhằm nhân rộng diện tích rừng, tăng độ che phủ. Ông Giàng A Khá, Tổ Quản lý và bảo vệ rừng bản Ten Hon, xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) cho biết: “Hiện nay, bà con không còn tự tiện chặt phá rừng bừa bãi hay gây ra cháy rừng mà đã ý thức hơn trong việc giữ rừng rồi. Không những thế, khi được hưởng lợi từ rừng, dân bản còn thường xuyên đi tuần rừng để nắm bắt tình hình, diễn biến rừng trên diện tích được giao quản lý. Riêng với dân bản Ten Hon luôn sắp xếp thời gian cùng nhau đi kiểm tra rừng 3 lần/tháng để kịp thời phát hiện xem có chỗ nào bị cháy, bị xâm phạm hay không. Nếu có diễn biến gì ảnh hưởng đến rừng, anh em đều kịp thời báo cáo về bản để có biện pháp xử lý. Khi tuần tra cũng gặp khó khăn như: Không có đường để đi, phải phát đường mới có lối đi; trời mưa nắng thì trơn, gặp gió to có nguy cơ cây đổ, nguy hiểm… Khó thế nhưng anh em vẫn cố gắng đi tuần tra đầy đủ theo phân công”.
Diện tích che phủ rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên tăng đều qua từng năm. Đến nay, Điện Biên đã có trên 415.000ha rừng, với độ che phủ đạt hơn 43,5%. Đó là kết quả xứng đáng với sự quan tâm của tỉnh, tinh thần vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, địa phương và ý thức trách nhiệm, sự đóng góp to lớn từ phía người dân. Đặc biệt là khi người dân nhận thấy việc giữ rừng không chỉ đem lại lợi ích đối với môi trường sống, mà còn giúp họ có thêm nguồn thu nhập bền vững mà không phải bỏ ra quá nhiều công lao động và không có rủi ro thì người dân càng thêm gắn bó với rừng.
Bà Đặng Thị Thu Hiền, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết: Chính sách chi trả DVMTR những năm qua đã làm thay đổi rõ trách nhiệm bảo vệ rừng của người dân. Người cung ứng DVMTR là người dân; người hưởng chính sách chi trả DVMTR cũng là người dân và việc quản lý, bảo vệ rừng cũng dựa vào dân là chính. Bởi vậy, hầu hết diện tích rừng hiện có ở tỉnh Điện Biên đều đã được giao cho các chủ rừng là cộng đồng các thôn, phố, bản trên địa bàn toàn tỉnh quản lý, bảo vệ và chăm sóc với nòng cốt là nhân dân. Bà con càng nâng cao tinh thần trách nhiệm thì công tác quản lý, bảo vệ rừng càng hiệu quả. Qua đó càng khẳng định tính hiệu quả của chính sách chi trả DVMTR khi đã mang lại niềm tin, sự gắn bó của người dân với rừng nói riêng và tạo ra những chuyển biến với công tác quản lý, bảo vệ rừng nói chung.
Tính nhân văn và hữu ích của chính sách chi trả DVMTR đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức cũng như ý thức của bà con. Từ đó, mỗi người đều có những hành động tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, góp phần nhân lên màu xanh cho những cánh rừng ở cực Tây của Tổ quốc.