Với hơn 380 nghìn người, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 30% số dân của tỉnh Thái Nguyên. Cư trú phân tán, địa hình chia cắt phức tạp, trình độ học vấn còn hạn chế, kinh tế phát triển chưa đồng đều… nên vùng đồng bào DTTS luôn bị các phần tử xấu và thế lực thù địch tìm mọi cách lợi dụng. Bởi vậy, người có uy tín - những “trụ cột” của xóm, bản đóng một vai trò quan trọng khi luôn đồng hành với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động đồng bào chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Họ như những đóa hoa thơm nở giữa đại ngàn, là tấm gương để bà con học tập, noi theo.
Với trên 820 người có uy tín, Thái Nguyên có lực lượng những “trụ cột” ở các xóm, bản khá hùng hậu. Đáng nói, trong số này có 404 người là đảng viên. Tiên phong trong mọi phong trào, những người có uy tín ở các xóm, bản đã trở thành tấm gương sáng để bà con noi theo.
Tiên phong đi trước
Nhớ lời Bác Hồ dạy năm xưa: “Làm việc cho dân thì không cần phải suy nghĩ, đắn đo” nên bên cạnh việc tích cực tuyên truyền người dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những người có uy tín luôn tiên phong trong mọi phong trào ở địa phương. Từ việc đi đầu trong phát triển kinh tế, đưa giống mới vào sản xuất, đến việc thực hiện các quy định trong việc cưới, việc tang…
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đồng bào các DTTS. Tình cảm và tấm lòng của Người có sức động viên to lớn đối với đồng bào các dân tộc. Đây cũng chính là động lực để những người có uy tín trong cộng đồng người DTTS của tỉnh luôn nỗ lực hết mình vì công việc chung...
Điển hình như ông Hoàng Văn Duyên, 62 tuổi, dân tộc Cao Lan, xóm Đồng Quán, xã Dân Tiến (Võ Nhai). Không chỉ là người có uy tín, với kinh nghiệm 10 năm liền làm trưởng xóm, từ năm 2016 đến nay ông Duyên liên tục được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ. Ông chia sẻ: Đồng Quán có 160 hộ dân, trong đó 95% số hộ là người dân tộc Cao Lan. Để tuyên truyền, vận động người dân có hiệu quả thì người có uy tín, đảng viên như tôi phải tiên phong đi trước. Chỉ khi “nói đi đôi với làm” thì bà con mới tin tưởng và làm theo.
Ở Đồng Quán, người dân sống phụ thuộc vào sản xuất lúa là chính. Trước đây, bà con chủ yếu sử dụng phương pháp cấy lúa truyền thống, vừa tốn nhân lực, vừa mất thời gian. Nhận thấy diện tích gieo cấy của xóm (39ha đất nông nghiệp) đều thuận lợi về nguồn nước, có thể áp dụng kỹ thuật gieo sạ, gần chục năm trước, gia đình ông Duyên đã là một trong những hộ đầu tiên của xóm áp dụng kỹ thuật mới này. Ông cho hay: Cùng với việc chuyển đổi giống mới, gieo sạ chính là biện pháp giúp người nông dân giảm chi phí sản xuất, sức lao động và rút ngắn thời gian sinh trưởng của lúa rất hiệu quả, mà năng suất lại cao hơn.
Ngoài ông Duyên, ông Đặng Đức Hòa, dân tộc Sán Dìu, 67 tuổi, là người có uy tín, đảng viên, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi xóm An Bình, xã Minh Lập (Đồng Hỷ), cũng là một “trụ cột” ở địa phương. Để người dân tin tưởng, chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, trong vai trò là người cao tuổi, có uy tín tại cộng đồng, cùng với việc tích cực tuyên truyền người dân, ông đã chủ động hiến gần 60m2 đất của gia đình, phá bỏ tường rào khi Nhà nước mở rộng con đường liên kết vùng đi qua.
Ngoài ra, ông còn hiến trên 260m2 ruộng cho địa phương mở rộng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Đặc biệt, ông luôn đi đầu trong thực hiện nếp sống văn hóa ở khu dân cư, gia đình hòa thuận, con cái hiếu thảo, chấp hành tốt các quy định về pháp luật dân số… Ông Hòa chia sẻ: Bà con tin tưởng mới bầu mình là người có uy tín. Bởi vậy, bản thân tôi thấy mình phải hết sức nỗ lực vì cộng đồng để không phụ lòng tin của mọi người.
Tổng số người có uy tín trong toàn tỉnh: 820 người Trung bình: 91 người có uy tín/1 huyện, thành phố Số người có uy tín là nam: 717 người (87,43%) Số người có uy tín là nữ: 103 người (12,57%) |
Ông Duyên và ông Hòa chỉ là hai trong rất nhiều người vừa là đảng viên, vừa là người có uy tín luôn gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào ở địa phương. Kiêm cả hai “vai”, những con người giàu năng lượng tích cực ấy không chỉ đi đầu trong việc học hỏi kinh nghiệm các mô hình sản xuất hay mà còn biết cách lan tỏa những phương pháp hiệu quả ấy đến cộng đồng người dân tộc thiểu số ở địa phương.
Ông Hoàng Phong, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh nhận định: Nhiều đảng viên là người có uy tín trên địa bàn tỉnh không chỉ biết làm giàu cho gia đình mà còn phổ biến, giúp đỡ những hộ nghèo, bà con làng xóm các phương thức sản xuất hiệu quả, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Nhiều người còn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm thiết thực, tích cực góp công, của, hiến đất xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở.
Làng nước theo sau
Từ những tấm gương tích cực “nói đi đôi với làm” đó, người dân ở miền núi, vùng cao, vùng DTTS của tỉnh đã hưởng ứng tích cực nhiều phong trào do địa phương, huyện, tỉnh phát động. Thể hiện rõ nét nhất là phong trào phát triển kinh tế gia đình; xây dựng nông thôn mới; thực hiện nếp sống mới ở cộng đồng dân cư.
Minh chứng rõ nét nhất cho nhận định trên chính là thành quả đạt được ở xóm Đồng Quán, xã Dân Tiến (Võ Nhai). Nhận thấy việc cấy lúa bằng phương pháp gieo sạ do ông Duyên áp dụng mang lại hiệu quả cao, đồng bào dân tộc Cao Lan nơi đây đã tích cực làm theo. Nhờ đó, trước đây, năng suất lúa của xóm chỉ đạt từ 40-43 tạ/ha, đến nay đã đạt 54-56 tạ/ha, góp phần bảo đảm an ninh lương thực của xã.
Tương tự, tại xóm Vân Hòa, xã Văn Hán (Đồng Hỷ), từ sự tiên phong trồng giống chè LDP1 của người có uy tín, đảng viên Lâm Văn Hùng, 46 tuổi, dân tộc Nùng, nhiều hộ dân trong xóm đã làm theo. Đến nay (sau 7 năm), xóm đã có 70ha chè lai, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đáng nói, ông Hùng cũng là người chủ động bao tiêu sản phẩm chè búp tươi cho bà con.
Ông Lê Văn Đông, cán bộ Văn hóa - Xã hội xã Lâu Thượng (Võ Nhai):Đến nay, 11/11 xóm của xã đều có người có uy tín, trong đó 4 người là đảng viên. Luôn phát huy vai trò ở cơ sở, người có uy tín, nhất là những người kiêm 2 vai “uy tín và đảng viên” thật sự xứng đáng là những tấm gương để bà con noi theo. |
Hay như ở xóm An Bình, xã Minh Lập (Đồng hỷ), nơi có 230 hộ dân, hầu hết đều là người dân tộc Sán Dìu sinh sống, từ sự tích cực của ông Hòa, chỉ sau hơn 3 năm (2020-2024), bà con đã hiến trên 1.000m2 đất mở rộng đường giao thông, trồng hoa, cây xanh và chỉnh trang lại nhà văn hóa xóm. Từ đó đã mang lại cho xóm nhỏ này một diện mạo mới, đẹp nhà, đẹp xóm, đẹp quê hương… Người dân nơi đây cũng luôn thực hiện tốt các quy định trong việc cưới, việc tang, kế hoạch hóa gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, quê hương tươi đẹp.
Kiêm một lúc cả hai "vai", những người đảng viên được tín nhiệm bầu là người có uy tín của xóm, của bản đã thực hiện “tròn vai” khi trở thành đầu tàu gương mẫu và lan tỏa những cách làm hay, việc làm tốt trên quê hương.