Phát triển - Hội nhập

"Lá cờ đầu" xây dựng nông thôn mới ở vùng khó Trường Sơn

Văn Minh 27/05/2024 - 07:40

Nhắc đến chuyện “về đích” trong xây dựng nông thôn mới (NTM), lâu nay, nhiều người vẫn thường nghĩ, đó là chuyện ở các địa bàn miền xuôi hoặc nơi có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế-xã hội. Thế nhưng, việc 3 thôn đầu tiên của xã miền núi đặc biệt khó khăn Trường Sơn (Quảng Ninh) vừa “cán đích” NTM trong thời gian gần đây đã thực sự trở thành những “lá cờ đầu”, góp phần thay đổi nhận thức của người dân, là tấm gương sáng cho các vùng khó trong tỉnh phấn đấu theo…

Vượt khó để xây dựng nông thôn mới
Bắt tay vào triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015, xã Trường Sơn mới chỉ đạt dưới 5/19 tiêu chí. Gọi là đạt, nhưng thực chất các tiêu chí đó vẫn còn “khá non” so với yêu cầu chung.
Với quan điểm “lấy sức dân để lo cho dân”, mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, xây dựng làng quê trù phú, năm 2016, xã Trường Sơn chọn 2 thôn Long Sơn và Xuân Sơn để chỉ đạo điểm xây dựng NTM. Tuy nhiên, đến năm 2017, thôn Xuân Sơn được sáp nhập với thôn Liên Sơn và lấy tên là Liên Xuân. Cũng trong năm, hai thôn Liên Xuân và Hồng Sơn được chọn để chỉ đạo điểm xây dựng NTM. Theo đó, giai đoạn 2016-2020, xã Trường Sơn có 3/19 thôn, bản gồm Long Sơn, Liên Xuân, Hồng Sơn được lựa chọn chỉ đạo điểm, xây dựng NTM với quyết tâm sẽ “cán đích” ngay trong nhiệm kỳ, làm cơ sở để nhân rộng sang các thôn, bản tiếp theo. Thời điểm được chọn, cả 3 thôn mới chỉ đạt 8/19 tiêu chí NTM.
Hệ thống nhà văn hóa tại thôn Hồng Sơn, xã Trường Sơn được xây dựng khang trang.
Hệ thống nhà văn hóa tại thôn Hồng Sơn, xã Trường Sơn được xây dựng khang trang.
Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Nguyễn Sơn Hải nhớ lại: “Sau khi chọn 3/19 thôn, bản để chỉ đạo điểm về đích NTM, cả hệ thống chính trị ở xã Trường Sơn và người dân đã vào cuộc rất tích cực, quyết liệt. Xã đã tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của cấp trên về nguồn vốn, chương trình, dự án liên quan đến điện, đường, trường, trạm, hỗ trợ phát triển sản xuất, ngành nghề… nhằm hỗ trợ 3 đơn vị điểm sớm về đích NTM theo kế hoạch. Đáng tiếc là nhiệm vụ đặt ra vẫn chưa thể hoàn thành trong nhiệm kỳ 2016-2020. Phải đến năm 2021, hai thôn đầu tiên của xã là Long Sơn và Liên Xuân mới hoàn thiện các tiêu chí và được UBND huyện Quảng Ninh công nhận đạt chuẩn NTM. Tiếp đó, năm 2022, thôn Hồng Sơn được công nhận đạt chuẩn NTM, góp phần nâng tổng số thôn, bản trong toàn xã đạt chuẩn NTM là 3 đơn vị…”.
Lý giải về nguyên do chậm trễ so với lộ trình đề ra, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn chia sẻ: Bên cạnh xuất phát điểm thấp, việc sáp nhập tại thôn Liên Xuân đã gây ra sự xáo trộn trong nhiều hoạt động liên quan đến công tác chỉ đạo, phát triển sản xuất, quy hoạch lại các tiêu chí về NTM; điều kiện kinh tế ở khu vực Liên Sơn (cũ) thấp hơn nhiều so với Xuân Sơn (cũ) đã dẫn tới nhiều tiêu chí NTM bị “tụt dốc” sau sáp nhập... Đặc biệt, do ảnh hưởng từ các đợt bão lũ năm 2017, 2020, toàn xã Trường Sơn nói chung và 3 thôn điểm NTM nói riêng bị thiệt hại khá nghiêm trọng. Nhiều cơ sở hạ tầng, đất sản xuất nông nghiệp, tài sản của nhân dân bị thiên tai tàn phá rất nặng nề, phải tốn rất nhiều tiền của, công sức để đầu tư lại…
Linh hoạt, sáng tạp trong thực hiện các tiêu chí
Những năm gần đây, UBND tỉnh ban hành một số quyết định đặc thù đối với các thôn, bản tại những xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, kể từ năm 2022 đến nay, các thôn, bản tại những xã đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng cơ chế chỉ cần hoàn thiện 15 tiêu chí NTM thì sẽ được UBND cấp huyện tổ chức xét, công nhận và công bố. Ngoài ra, tỉnh còn ban hành thêm nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm “tiếp sức” cho các thôn, bản ở các xã đặc biệt khó khăn, tạo tiền đề xây dựng NTM cấp xã. Đây chính là thời cơ thuận lợi để chính quyền ở các xã đặc biệt khó khăn trong tỉnh tận dụng “bứt tốc” trong xây dựng NTM tại địa phương mình.
Trưởng thôn Liên Xuân Võ Thị Thi cho biết: Thôn hiện có 97 hộ, với 372 nhân khẩu, đại đa số người dân đều sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trong quá trình xây dựng NTM, rất nhiều tiêu chí NTM ở thôn như giao thông, thủy lợi, điện, cơ sở vật chất văn hóa... đã được cấp trên quan tâm đầu tư gần như toàn bộ, người dân chỉ thực hiện việc đối ứng khá thấp so với các địa phương ở vùng đồng bằng. Vì thế, người dân trong thôn tiết kiệm được khá nhiều khoản kinh phí để tập trung cho đầu tư phát triển sản xuất, mở mang ngành nghề dịch vụ, gia tăng thu nhập, tham gia xuất khẩu lao động.
Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 và Quyết định số 353/QĐ-TTg, ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Quảng Bình hiện có 15 xã gồm 11 xã khu vực III, 2 xã khu vực II và 2 xã khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và 4 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh chỉ có 3/19 thôn, bản (gồm: Long Sơn, Liên Xuân, Hồng Sơn thuộc xã Trường Sơn, Quảng Ninh) tại các xã đặc biệt khó khăn trong tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM.

Hiện nay, ngoài việc duy trì sản xuất 24ha đất màu trồng lạc, ngô và đậu các loại, thôn Liên Xuân còn trồng được trên 120ha rừng kinh tế, phát triển đàn trâu, bò, dê hơn 90 con, lợn trên 200 con, gần 1.500 gia cầm. Ngoài ra, thôn Liên Xuân đã xây dựng được Hợp tác xã Sản xuất dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Trường Sơn với số vốn điều lệ 700 triệu đồng, gồm 12 xã viên. Thời điểm này, hợp tác xã đang trồng được 3ha diện tích cây dược liệu gồm sâm Bố Chính, tía tô, bạc hà, cà gai leo, xạ đen, thìa canh, bồ công anh, rau má, đinh lăng…

Đặc biệt, toàn thôn hiện có gần 50 lao động tham gia làm việc ở các thị trường: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức. Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2023 của thôn Liên Xuân đạt gần 35 triệu đồng/người/năm.
Bí thư Chi bộ thôn Hồng Sơn Nguyễn Thị Á chia sẻ thêm: “Để xây dựng NTM thành công, những năm qua, địa phương còn thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, mọi chương trình, kế hoạch đều được chi bộ, ban công tác Mặt trận đưa ra bàn bạc, thảo luận, lấy ý kiến thông qua các buổi họp thôn một cách dân chủ, thống nhất, tạo sự đồng thuận cao. Các chi hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn viên, thanh niên, đảng viên đều được giao nhiệm vụ cụ thể nhằm phát huy tính tiên phong, gương mẫu đi đầu cho quần chúng học tập, noi theo. Từ cách làm này, người dân trong thôn đã chú trọng đầu tư làm ăn, chỉnh trang nhà cửa, giữ gìn vệ sinh môi trường chung, tự nguyện đóng góp công sức, tiền của để xây dựng nhiều công trình thiết yếu. Đến nay, bình quân thu nhập toàn thôn đạt hơn 33 triệu đồng/người/năm”.
Rất khó để kể hết những cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn tại 3 thôn về đích NTM đầu tiên ở vùng khó trong tỉnh. Nói về sự thành công bước đầu trong xây dựng NTM ở xã Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Trần Xuân Tình khẳng định: “Đây sẽ là cú hích, nhân tố điển hình để toàn huyện nhân rộng ra các thôn, bản có điều kiện tương tự”.
Theo Theo baoquangbinh
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO