Thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số (DTTS) nhằm thúc đẩy bình đẳng giới là những giá trị thiết thực qua hơn 2 năm triển khai Dự án 8 về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Quảng Ninh có hơn 162.000 người là DTTS, chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh. Xác định Dự án 8 có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến giới, khuôn mẫu giới, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em gái người DTTS, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 255/KH-UBND ngày 31/10/2022 về triển khai Dự án 8 trên địa bàn tỉnh. Khảo sát nhu cầu, đánh giá nhận thức của người dân về khuôn mẫu giới, bạo lực gia đình, các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em cần được quan tâm, giải quyết tại 39 xã thuộc 8 địa phương thực hiện dự án gồm: Hạ Long, Móng Cái, Ba Chẽ, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Bình Liêu và Vân Đồn.
Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 5 lớp tập huấn cho 590 học viên là cán bộ hội các cấp, tổ truyền thông cộng đồng về kiến thức, kỹ năng tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em; kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, kỹ năng hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân các vụ bạo lực gia đình, nạn nhân các vụ xâm hại, mua bán người; kỹ năng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường, tham gia xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP.
Hội còn tham mưu thành lập tổ truyền thông cộng đồng tại 22 thôn, bản của 2 huyện Bình Liêu và Hải Hà. Mỗi tổ có 7-10 thành viên, gồm cả nam và nữ do bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản làm tổ trưởng. Năm 2023, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 2 lớp tập huấn về bình đẳng giới, lồng ghép giới cho cán bộ hội cấp huyện, cơ sở và thành viên tổ truyền thông cộng đồng.
Chị Trạc Dì Dẩu, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Vằn (xã Húc Động, huyện Bình Liêu) cho biết: Thời gian qua, tổ truyền thông cộng đồng của thôn thường xuyên đến từng nhà dân để rà soát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, sau đó lồng ghép nội dung tuyên truyền gắn với giải quyết các vướng mắc, khó khăn của người dân trong các cuộc họp thôn. Ngoài các nội dung như vận động, hướng dẫn bà con phát triển sản xuất, quan tâm trẻ em, tránh bạo lực gia đình, tảo hôn, tổ còn vận động nhân dân xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng. Hiện nay, phụ nữ trong thôn không còn bị trói buộc trong căn bếp và được ủng hộ thể hiện bản thân với các vai trò khác. Với nam giới, họ thoải mái hơn khi bộc lộ cảm xúc, thực hiện công việc chăm sóc gia đình. Đây là cái được lớn nhất trong hoạt động truyền thông, tạo tiền đề cho những kết quả quan trọng của dự án.
Để thực hiện có hiệu quả Dự án 8, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với ngành GD&ĐT thành lập 10 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại các trường THCS trên địa bàn Hạ Long, Móng Cái, Ba Chẽ, Tiên Yên và Bình Liêu. Dù mới thành lập nhưng các câu lạc bộ này đã trang bị cho học sinh người DTTS nhiều kiến thức, kỹ năng hữu ích, thúc đẩy các em nói lên tiếng nói của mình, thay đổi cách nghĩ, cách học, cách làm, góp phần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở vùng DTTS.
Chị Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Năm 2024, hội sẽ tăng cường các hoạt động phối hợp, chỉ đạo triển khai tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, hội viên về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và của tỉnh liên quan đến bình đẳng giới; xây dựng, nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ thúc đẩy bình đẳng giới tại các xã vùng DTTS, nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và trẻ em gái DTTS được tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, của tỉnh.