Bản sắc văn hóa

Từ trảy hội, nghĩ về công nghiệp văn hóa

Ngọc Diễm 21/02/2024 - 07:03

Cứ mỗi độ Xuân về, người Việt thường có tục lệ du xuân, trảy hội, kết hợp đi lễ, cầu mong cho gia đình sức khỏe bình an, may mắn và hạnh phúc. Bên cạnh đó là phong tục lễ đình, chùa đầu năm, những thói quen này đã trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh của người Việt.

Nét đẹp giản dị

Từ lâu, đi lễ đầu Xuân đã trở thành yếu tố tâm linh gắn với văn hóa, tín ngưỡng của người Việt, được truyền từ đời này qua đời khác, thế hệ này sang thế hệ khác.

Kéo dài nỗi nhớ Tháng giêng

Em đi trảy hội lòng riêng bề bề

Núi sông vời vợi hồn quê

Trời mây lãng đãng, tóc thề ngang vai

Để thương để nhớ cho ai

Em đi cầu phúc cầu tài cầu duyên

Bến Trong nhẹ lướt con thuyền

Nam Thiên Đệ nhất, chùa Tiên Thượng Ngàn

(Em đi trảy hội mùa xuân- Bùi Minh Trí)

Khi đồng hồ điểm qua giờ khắc giao thừa, nhiều gia đình bắt đầu chuẩn bị đi lễ đình, chùa. Lúc này, khung cảnh tĩnh mịch, thanh đạm của các ngôi chùa, sân đình bỗng trở nên đông đúc, chùa rực sáng ánh đèn, nến, vào sâu bên trong, hương khói nghi ngút tỏa ra từ các ban thờ.

le-hoi-den-co-loa-1-1707724269797.jpg
Lễ hội Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội.

Trong tín ngưỡng người Việt, đi lễ đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Mỗi người đi lễ với những mục đích khác nhau, người thì cầu tài, cầu lộc, cầu duyên; người thì cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình. Cũng có người đi lễ chỉ để tìm lấy những giây phút bình yên, nhằm xua tan đi những lo toan bộn bề trong cuộc sống.

Đến với chốn Phật, cửa Thánh, hòa vào dòng người hành lễ, mỗi người trong chúng ta sẽ cảm nhận được sự giao hòa của trời - đất. Mùi khói nhang, sắc màu rực rỡ của đèn, hoa cùng với không gian thanh tịnh của chốn linh thiêng sẽ làm cho lòng người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản.

Theo Thượng tọa Thích Thanh Duệ – Phó Viện trưởng Học viện Phật Giáo Việt Nam, chùa là nơi thờ Phật, cũng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng công cộng của người Việt Nam từ xưa tới nay, mang ý nghĩa vô cùng to lớn. Theo phong tục cổ truyền mọi người Việt Nam trong các ngày Rằm, mồng Một, ngày lễ Tết, cùng những ngày có việc hệ trọng, thường đến chùa lễ Phật với tấm lòng thành cầu khấn nhờ nghiệp lực vô biên của Phật, của chư vị Bồ Tát, Hiền thánh mà được thiện duyên, gặp may cầu cho được: mạnh khoẻ, sống lâu, tai qua, nạn khỏi, hạn ách tiêu trừ, có con nối dõi, yêu vui thân mệnh, gia đình hoà thuận, hạnh phúc an khang.
Đi lễ chùa đầu năm là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu, thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, no đủ, là dịp để vun đắp cho tinh thần người Việt thêm yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn. Về nơi cửa Phật, lòng người sẽ lắng lại, thanh thản, nhẹ nhàng và bình yên!

Từ xa xưa, cha ông ta đã có câu"Tháng Giêng là tháng ăn chơi", để nói về phong tục của người Việt trong tháng Giêng. Tháng Giêng để "xả hơi", thậm chí trì hoãn việc đi làm, đình trệ triển khai công việc để ưu tiên cho tháng đầu tiên của năm để đi chơi Xuân, đi dâng hương cầu tài lộc, may mắn. Nếu xét từ quan niệm văn hóa, phong tục, thì việc cầu tài lộc, cầu an, may mắn cho gia đình trong một năm hoàn toàn phù hợp, vì đó là nhu cầu tinh thần để mong sự an yên cho một năm mới.

Phát huy giá trị của lễ hội

Gắn liền với hoạt động đi chùa, đi lễ Phật đầu năm là hoạt động khai hội tại những nơi linh thiêng này. Hoạt động khai hội gắn liền với chùa, đình, đền… Năm nay, mùa khai hội tại Hà Nội đã diễn ra rất nhộn nhịp do thời tiết rất đẹp. Hoạt động khai hội tại các địa điểm du xuân được đánh giá cao về tổ chức dù đang vào lúc cao điểm. Điều này mang đến nét văn minh, an toàn và hài lòng cho du khách thập phương về trẩy hội.

hanoimoi.com.vn-uploads-images-quangcao-2022-11-07-_1c.jpg
Để phát huy được ngành công nghiệp văn hóa, đòi hỏi cách thức tổ chức, quản lý lễ hội phải bảo đảm văn minh, an toàn, tăng niềm tin, thiện cảm với du khách...

Để có một mùa lễ hội an toàn, văn minh, các địa phương trên địa bàn Thủ đô đều xây dựng phương án bảo đảm lễ hội diễn ra đúng với truyền thống, tạo không khí vui tươi, an toàn cho du khách. Trước đó, UBND TP Hà Nội cũng đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý, bảo đảm trật tự an toàn xã hội mùa lễ hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Đặc biệt, điểm mới của công tác tổ chức lễ hội năm nay là các địa phương đã cùng ký cam kết thực hiện “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” do Bộ VHTT&DL ban hành.

Hà Nội có gần 6.000 di tích lịch sử, hơn 1.600 lễ hội diễn ra quanh năm, với các hoạt động phong phú, đa dạng, điều này góp phần khẳng định bề dày lịch sử, đời sống văn hóa tinh thần phong phú của cư dân Thủ đô ngàn năm văn hiến. Ở mỗi lễ hội lại hàm chứa những giá trị và bản sắc riêng, thể hiện câu chuyện, thông điệp của cộng đồng mình. Đây là một trong những nguồn lực to lớn để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, góp phần khẳng định bề dày lịch sử, sức sáng tạo dồi dào và đời sống văn hóa tinh thần phong phú của cư dân Kinh kỳ.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, lễ hội có vai trò quan trọng trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, giúp thúc đẩy kinh tế, xã hội và quảng bá hình ảnh cộng đồng. Là một sản phẩm của du lịch văn hóa và thuộc một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa, rõ ràng lễ hội có vai trò quan trọng trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Lễ hội rất quan trọng với Hà Nội vì nó chứng minh bề dày lịch sử của Hà Nội, chứng minh Hà Nội thực sự là Thủ đô ngàn năm văn hiến và là một thành phố sáng tạo. Lễ hội liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như ẩm thực, thời trang, nghề thủ công truyền thống. Hà Nội có thể khai thác các lễ hội bằng cách tôn vinh các lĩnh vực có liên quan, từ đó tạo tác động lan tỏa để sức sáng tạo và văn hóa của Thủ đô có thêm “chất truyền dẫn”, để chúng ta thêm tự hào và tạo điều kiện cho các lĩnh vực có thể cùng phát triển.

Để phát triển công nghiệp văn hóa từ tiềm năng lễ hội, cần bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc, tính hấp dẫn, riêng có của lễ hội. Cùng với đó là cách thức tổ chức, quản lý lễ hội bảo đảm văn minh, tăng niềm tin, thiện cảm với du khách; khai thác các hoạt động văn hóa sáng tạo trên các lĩnh vực liên quan tới lễ hội, từ đó tăng sức hấp dẫn cho điểm đến cũng như đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm, tìm hiểu văn hóa địa phương của du khách...

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO