Bản sắc văn hóa

Tưng bừng Lễ hội làng Triều Khúc

D. Thảo 20/02/2024 - 09:38

Sáng 19/2, huyện Thanh Trì (Hà Nội) tổ chức khai mạc Lễ hội làng Triều Khúc, xã Tân Triều. Lễ hội nhằm tưởng nhớ đến vị anh hùng dân tộc Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng.

Phát biểu khai mạc Lễ hội, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường cho biết, Triều Khúc có cụm di tích lịch sử Đình - Đền - Chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia tại Quyết định số 68 ngày 29/1/1993 của Bộ Văn hóa Thông tin.

Lễ hội làng Triều Khúc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia theo Quyết định số 446 ngày 29/1/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đình Triều Khúc là ngôi đình có từ lâu đời, mang giá trị tâm linh và tinh thần to lớn của nhân dân địa phương.

z5172368649372-66e60831cbd90b32fc75346443ac2df020240219103511.jpg
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường khai mạc Lễ hội.

Đức thánh Phùng Hưng tên chữ là Công Phấn, thuộc dòng dõi danh gia vọng tộc, quê ở xã Đường Lâm, Sơn Tây, sinh ngày 25 tháng 11 năm Bính Tý (736). Ngài có sức khoẻ phi thường đánh hổ, vật trâu, cõng thuyền nặng đi hàng dặm dài. Chính vì vậy, Ngài được đặt tên hiệu là Đô Quân.

Sau khi giành thắng lợi, Nhân dân hưởng thái bình, ngày 10 tháng giêng năm Nhâm Tuất (782), Phùng Hưng đăng quang lên ngôi vua. Ngài trị vì được 7 năm thì băng hà; con của ngài là Phùng An lên ngôi và tôn cha là Bố Cái Đại Vương. Nhớ công ơn phụ vương, Phùng An đã cho các bậc hiền thần đi tìm những nơi có dấu tích của ngài để lập miếu thờ. Triều Khúc là một trong số những nơi thờ Ngài.

Nhà Vua cho 300 quan tiền và cử người về Triều Khúc cắm đất năm Canh Ngọ (790). Đến mùa Xuân năm Tân Mùi (791) mới bắt đầu dựng miếu trên gò Lĩnh Hán. Đây chính là nơi xưa kia Phùng Hưng đặt đại bản doanh. Miếu thờ lúc đầu nhỏ bé nhưng được dân làng giữ gìn thờ phụng lâu đời, càng về sau càng được tôn tạo, mở rộng nên được gọi là “Đại cổ miếu”; đời Lê Trung Hưng đổi thành đình. Để phân biệt với đình thờ Sắc, ngôi đình cổ này được dân làng gọi là đại đình.

z5172368791875-32c8b741e623556c67c19ae17003e2b920240219103425.jpg
Điệu múa Trống Bồng độc đáo của làng Triều Khúc.

Vào giữa thời kỳ Bắc thuộc lần thứ 3, dưới ách cai trị hà khắc của quân đô hộ nhà Đường, người dân bị đàn áp, bóc lột tới cùng cực. Với lòng yêu nước, trí dũng song toàn, Phùng Hưng cùng hai anh em là Phùng Hải và Phùng Dĩnh lãnh đạo nghĩa quân nổi dậy làm chủ Đường Lâm, rồi đánh chiếm cả một vùng rộng lớn quanh vùng xây dựng thành căn cứ chống giặc. Một trong những căn cứ ấy được xây dựng ở Trang Khúc Giang (tên gọi xưa kia của làng Triều Khúc). Nơi đây là một trong những căn cứ xuất phát của nghĩa quân Phùng Hưng tiến vào vây hãm thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay). Cao Chính Bình, quan cai trị của nhà Đường thua đau, phát bệnh chết.

Trải qua gần 1.000 năm biến thiên của lịch sử, đến niên hiệu Cảnh Hưng thứ I, đời vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786), đình mới được phụng kiến. Gần 100 năm sau, năm Kỷ Hợi (1839) đời vua Minh Mạng được tu sửa lại. Đến năm Ất Hợi (1935), đời vua Bảo Đại, dân làng mới đủ điều kiện đại trùng tu ngôi đình. Năm Nhâm Thìn 2012, được sự đồng lòng của chính quyền và Nhân dân địa phương, đình Triều Khúc được bảo tồn, tu bổ và tôn tạo khang trang và bề thế như ngày nay.

Hàng năm, cứ vào dịp đầu xuân từ ngày mùng 9 tháng Giêng đến ngày 12 tháng Giêng, hội làng Triều Khúc được tổ chức, là dịp để giáo dục truyền thống "uống nước nhớ nguồn"; đồng thời lưu giữ và phát huy nét sinh hoạt văn hóa nghệ thuật truyền thống, đặc sắc, với các điệu múa cổ, nghi thức tế lễ được bảo tồn, mang bản sắc văn hóa riêng, chỉ có ở làng Triều Khúc, được đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương mong đợi.

snapedit_1708395433270.jpg
“Con đĩ đánh bồng” là 1 trong 10 điệu múa dân gian xưa của đất Thăng Long.

Đến với Lễ hội làng Triều Khúc, nhân dân và du khách được trải nghiệm không gian văn hoá với các di tích lịch sử, lễ hội truyền thống đặc sắc, mà biểu trưng là quá trình rước Thánh và rước Sắc một lần từ Đình thờ Sắc đến Đại Đình trước ngày hội chính (mùng 10 tháng Giêng, ngày Đức Phùng Hưng lên ngôi vua).

Phần hội với sự tham gia trình diễn của đội tế, đội múa rồng, đội sênh tiền, ban nhạc, đội rước, đội chạy cờ… và đặc biệt là đội múa Trống Bồng, là nét văn hoá đặc sắc riêng có ở làng Triều Khúc; các trò chơi dân gian cùng nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc sắc trong khuôn khổ Lễ hội phản ánh những giá trị nhân văn, nét văn hoá đặc sắc riêng tại huyện Thanh Trì.

(0) Bình luận
Nổi bật
Uỷ ban Kinh tế Quốc hội làm việc với các tỉnh miền Trung về Dự án cao tốc đường bộ Bắc – Nam phía Đông
Ngày 16/5, tại tỉnh Quảng Trị, Đoàn khảo sát của Ủy ban Kinh tế Quốc hội do ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với đại diện các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi về mục đích chuyển đổi sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa của Dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO