Ngày 17/2 (tức mồng 8 Tết Giáp Thìn), tại sân vận động xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình diễn ra Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường năm 2024.
Đây là lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất tỉnh Hòa Bình và trở thành nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng không thể thiếu trong dịp Tết đến Xuân về của người Mường Hòa Bình gồm 4 Mường: Bi, Vang, Thàng, Động.
Đây cũng là dịp để đồng bào người Mường Hòa Bình giao lưu, gặp gỡ, thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng, thể hiện lòng thành kính tạ ơn trời đất.
Lễ hội mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập mường và cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Năm 2022, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Khai Hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình hay còn gọi là Lễ xuống đồng, Lễ mở cửa rừng – lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất của người Mường Hòa Bình, gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của văn minh của người Việt cổ.
Đây là lễ hội dân gian, là hoạt động mang tính cộng đồng, gắn với truyền thuyết Quốc Mẫu Hoàng Bà – thân mẫu của Đức Thánh Tản, người có công gây dựng mảnh đất Mường.
Lễ hội là sự khởi đầu của một năm mới, là dịp để người dân Mường tỏ lòng tôn kính với các vị thần linh; là nơi để con người cầu mong cho bản làng yên vui, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi phát triển.
Lễ hội có nhiều hoạt động ấn tượng: Phần lễ tổ chức nghi lễ cúng thổ công, thổ địa, nghi lễ thờ cúng Thành Hoàng và rước kiệu Quốc Mẫu Hoàng Bà cùng chương trình nghệ thuật đặc sắc chào mừng lễ khai mạc với màn trình tấu chiêng Mường của hơn 500 nghệ nhân.
Phần hội đặc sắc với các nội dung: thi trình diễn trang phục dân tộc Mường; trưng bày trại văn hóa, ẩm thực; thi đấu các môn thể thao dân tộc: bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy và tranh cúp bóng chuyền Khai hạ năm 2024.
Bên cạnh đó là 11 hoạt động trình diễn gồm: trình diễn bản âm, xéc bùa, nghề dệt thổ cẩm dân tộc, làm bánh, cơm lam và các trò chơi dân gian đánh mảng, cướp cờ, bịt mắt đánh trống, đi cà kheo, đánh đu, cầu bập bênh, ném còn…
Tại lễ hội còn có các gian trưng bày nông sản, tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm OCOP, văn hóa, du lịch của các địa phương trong tỉnh.
Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 17-19/2 (tức từ ngày 6-8 tháng giêng, năm Giáp Thìn).