Lễ hội Lùng Tùng còn được gọi là lễ hội xuống đồng, là hoạt động tín ngưỡng mang tính chất nghi lễ nông nghiệp cổ xưa, mở đầu cho một mùa sản xuất mới của người Thái ở huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Lễ hội nhằm cầu cho một năm sản xuất mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, người dân khỏe mạnh.
Vùng đất cư trú của dân tộc Thái từ lâu đời. Người Thái nơi đây có nhiều lễ hội như lễ hội Lùng Tùng, lễ hội Hạn Khuống, lễ hội Kin Pang, lễ hội Xòe Chiêng… Riêng lễ hội Lùng Tùng trong thế kỉ XX được tổ chức lần cuối cùng vào năm 1958 và sau đó dần bị mai một.
Đến năm 2018, lễ hội này được Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu phục dựng, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái nói riêng và đồng bào các dân tộc huyện Than Uyên nói riêng, tỉnh Lai Châu nói chung.
Ông Nguyễn Tự Trọng, Chủ tịch UBND xã Mường Cang, huyện Than Uyên cho biết: Lễ hội Lùng Tùng - một trong những lễ hội quan trọng của dân tộc Thái. Lễ hội này được tổ chức hằng năm vào dịp tháng Giêng, thường diễn ra từ ngày mùng 6 đến mùng 10 tháng Giêng. Năm nay, lễ hội Lùng Tùng tổ chức ở xã Mường Cang, huyện Than Uyên tại cánh đồng bản Cang Mường.
Lễ hội Lùng Tùng là hoạt động giao lưu, thể hiện tinh thần kết nối cộng đồng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, quảng bá, giới thiệu hình ảnh của huyện Than Uyên tới du khách trong và ngoài tỉnh.
Nghệ nhân Lò Văn Sơi, xã Mường Cang, huyện Than Uyên cho biết: Lễ hội Lùng Tùng là nét văn hóa đặc sắc, nhân văn của đồng bào Thái ở Than Uyên, cần được gìn giữ, bảo tồn, tổ chức thường xuyên để lan tỏa nét đẹp văn hóa đến với cộng đồng, du khách gần xa.
Lễ hội Lùng Tùng gồm hai phần: Lễ và hội. Trong phần lễ diễn ra nhiều nghi thức như: Cúng Nàng Han (một người nhà trời, được cử xuống đất Thái giúp dân đánh giặc giữ nước); cúng Thành hoàng, thần linh trên trời dưới đất, cúng thần núi, thần rừng.
Nghi lễ đầu tiên, già làng hoặc thầy mo phải làm lễ xin báo cáo thần linh, thổ địa, sau đó mới tổ chức lễ cúng Nàng Han ngay tại bản.
Nàng Han được coi là vị đại diện cho lực lượng thần linh bảo vệ bản mường, cúng xong thì đoàn người rước cờ trống và lễ vật cúng Nàng Han ra mảnh ruộng được chuẩn bị cho lễ hội.
Tại đây, thầy mo sắp thêm 4 mâm cúng nữa gồm các mâm cúng chúng sinh; cúng thành hoàng làng; cúng thần linh các cõi tiên giới và dưới biển, dưới đất; cúng các thần núi, thần rừng, thần đất khu vực từ Bình Lư đến Tú Lệ (ranh giới Than Uyên ngày xưa), sau đó mới đến các nghi thức cày bừa, gieo hạt (đại diện chính quyền địa phương cùng bà con dân bản xuống đồng tham gia cày bừa), mở đầu một năm sản xuất mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, người dân được khỏe mạnh.
Ở phần hội bắt đầu bằng nghi thức người già làng có uy tín trong bản, trong xã đánh trống, chiêng khai hội. Nhân dân và du khách sẽ tham gia các trò chơi dân gian như: Tung còn, bắn nỏ, tó má lẹ, kéo co, đẩy gậy, nhảy sạp, bịt mắt bắt vịt, vòng xòe, thưởng thức ẩm thực...
Được thiên nhiên ban tặng, huyện Than Uyên có những cánh đồng lúa trù phú như Mường Than, Mường Cang cùng với những bản làng mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú. Đây là lợi thế lớn để phát triển du lịch Than Uyên, thu hút du khách tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng.