Từng được biết đến là bản làng nghèo khó nhất của huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) nhưng vài năm trở lại đây, nhờ phát triển kinh tế rừng, đời sống của đồng bào người Dao ở bản Sinh Tàn đã có những đổi thay vượt bậc.
Cách trung tâm huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) chừng hơn 40km, bản Sinh Tàn trước kia vẫn được mệnh danh là một "hoang đảo giữa đại ngàn". Cuộc sống của những người dân nơi đây gắn liền với cái đói, cái nghèo.
Sinh Tàn (xã Thượng Cửu) là bản cao và xa nhất của huyện miền núi Thanh Sơn. Chỉ ít năm trước, bản Sinh Tàn với hơn 70 nóc nhà của đồng bào người Dao vẫn là "ốc đảo" giữa đại ngàn. Không điện, không nước sạch, không sóng điện thoại và đường nối bản với trung tâm cũng chỉ là lối mòn xuyên qua những cánh rừng.
Ông Đặng Văn Chăn (65 tuổi) là một trong những người đầu tiên sinh sống tại bản Sinh Tàn. Phấn khởi khi chia sẻ về những đổi thay vượt bậc của Sinh Tàn, ông Chăn bảo, những người Dao ở Sinh Tàn đều có nguồn gốc từ huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình).
Nhiều năm trước, đời sống kinh tế khó khăn, ông Chăn cùng một vài hộ bỏ nhà lên đỉnh núi phá rừng, làm nương rẫy. Cuộc sống gắn bó, mưu sinh giữa đại ngàn hoang vu, tách biệt hoàn toàn khỏi cuộc sống văn minh. Mặc dù đời sống có bước phát triển hơn trước nhưng những hộ dân như nhà ông Chăn vẫn chưa biết đến điện, nước sạch.
Vất vả như vậy nhưng sau nhiều năm, cuộc sống của những người dao vẫn không khá khẩm hơn. "Phía bên kia dãy núi, đất đai trù phú, cây cối mọc tốt tươi. Nghĩ rằng cuộc sống có cơ hội khấm khá hơn nên tôi cũng một vài người vượt núi, làm nhà rồi sinh sống từ đó cho đến bây giờ", ông Chăn nhớ lại.
Cũng theo ông Chăn, nói về sự ra đời của bản Sinh Tàn thì tóm gọn nhanh trong một vài dòng nhưng đó là cả một quá trình cố gắng với nhiều lần hạ sơn của những người đầu tiên khai khẩn đất đai ở đây.
Những hộ dân người dân tộc Dao ở Đà Bắc khi di chuyển đến vùng đất mới thấy địa thế giữa con suối Sinh và suối Tàn đất đai trù phú, màu mỡ, thích hợp để ổn định cuộc sống lâu dài nên đã cất nhà, làm ruộng, trồng trọt. Bản Sinh Tàn ra đời từ ngày đó.
"Thời mới thành lập, bản Sinh Tàn vẫn còn hoang sơ lắm. Đời sống của người dân đều là tự cung, tự cấp. Từ Sinh Tàn xuống trung tâm xã Thượng Cửu có một con đường độc đạo dài hơn 9km. Đường xá khó đi nên cần thiết mua bán gì, người dân đều phải đi bộ. Dễ chừng đến nửa ngày trời mới về đến bản. Người dân nếu có ốm đau cũng tự chữa trị bằng những loại thuốc. Một số hộ có trẻ đi học đều phải chuẩn bị gạo, tiền để thuê trọ ở dưới xuôi", ông Chăn chia sẻ.
Thế nhưng chừng 10 năm trở lại đây, đời sống của người dân ở bản Sinh Tàn đã có những đổi thay vượt bậc. Những đổi thay đó được ông Hà Văn Nhận, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Cửu, cho biết đến tử việc đầu tư phát triển hạ tầng, viễn thông và đặc biệt là từ phát triển kinh tế rừng.
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, Phú Thọ luôn xác định lâm nghiệp là tiềm năng và lợi thế trong phát triển kinh tế của địa phương. Do đó, bên cạnh các chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp của Chính phủ, tỉnh Phú Thọ cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.
Các chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp từng bước làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân về bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời khuyến khích được người dân tích cực tham gia trồng rừng, tạo nên phong trào rộng khắp trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế rừng cũng giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương; hình thành được các vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng ổn định để phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến lâm sản.
Hộ gia đình ông Bàn Văn Chiêu (55 tuổi, trú tại khu bản Sinh Tàn) cho biết, trước kia, người dân nơi đây quen với việc sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ trên nương rẫy nên kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi được nhà nước giao đất, giao rừng và vận động, người dân ở Sinh Tàn đã mạnh dạn chuyển đổi hướng canh tác từ ngô, khoai, sắn… sang trồng cây keo, bạch đàn, mỡ. Cũng nhờ đó mà kinh tế người dân phát triển hơn trước nhiều. "Mừng nhất là nhà nào bây giờ cũng có điện sáng, có tivi, xe máy để phục vụ cuộc sống", ông Chiêu cho biết.
Gia đình ông Bàn Văn Thắng cũng là một trong nhiều hộ dân ở Sinh Tàn khá giả lên nhờ rừng. Theo ông Thắng, ban đầu, khi được nhà nước giao đất, giao rừng, gia đình ông cũng có băn khoăn vì trồng cây rừng ít nhất phải vài năm mới cho thu hoạch. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cuộc sống gia đình ông đã đổi thay rất nhiều nhờ trồng rừng mà minh chứng rõ nhất là căn nhà mới khang trang vừa mới hoàn thiện cách đây không lâu.
Ông Hà Văn Nhận, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Cửu, cho biết, ngoài việc phát triển cơ sở hạ tầng thì việc giao đất, giao rừng để bà con trông nom, canh tác là một bước tiến giúp bản Sinh Tàn ngày một phát triển. "Bây giờ, nông sản của người dân làm ra từ hạt lúa, hạt ngô, củ gừng, củ khoai đến ngọn măng lội rừng hái về hay con lợn, con gà đều dễ dàng đưa về xuôi và rất được giá. Đặc biệt, Sinh Tàn là nơi có thế mạnh hàng đầu về trồng rừng, những rừng keo, rừng bồ đề mang về cho nhiều hộ dân ở đây tiền tỷ mỗi năm", ông Nhận cho biết.
Theo ông Nhận, bên cạnh việc trồng, chăm sóc cây rừng, người dân ở Sinh Tàn cũng đẩy mạnh thâm canh thêm các loại cây nông sản, lương thực ngắn ngày như khoai, gừng… vừa để ổn định đời sống, vừa có thể buôn bán, trao đổi ở các địa phương khác.
"Ở Sinh Tàn giờ đây, tất cả các hộ dân đều có nhà kiên cố, vững chãi, 6-7 hộ đã xây được nhà lầu, ô tô cũng có 4-5 cái. Thu nhập trung bình từ làm lâm nghiệp của các hộ cũng đạt đến 100 triệu đồng/năm. Sinh Tàn đã phát triển rất nhanh trong những năm gần đây. Hộ nghèo và cận nghèo còn rất ít. Trong những năm tới, chắc chắn bản chúng tôi còn phát triển hơn nữa. Nhìn bản làng hôm nay, những người từng trải qua những năm tháng nghèo khó như chúng tôi cảm thấy thật hạnh phúc", nguyên Trưởng bản Sinh Tàn Đặng Văn Chăn chia sẻ.