Những mô hình mới của HTX Nấm Đông trùng Hạ thảo PN Bình Phước hay HTX lúa gạo chất lượng Lộc Khánh đang mở ra cơ hội thoát nghèo cho các lao động nữ ở địa phương. Để giúp giảm nghèo bền vững cho chị em phụ nữ trên vùng đất đỏ bazan, tỉnh Bình Phước đang chọn hướng đi dài hơi từ việc phát triển kinh tế hợp tác, trong đó riêng đến năm 2025 sẽ nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 20 HTX, 50 tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành.
Triển vọng nuôi cấy đông trùng hạ thảo
Tuy chỉ mới trải qua hơn 8 tháng hoạt động nhưng HTX Nấm Đông trùng Hạ thảo PN Bình Phước tại thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp đã thu về được 300 triệu đồng và đạt lợi nhuận 75 triệu đồng. Đó là nhờ HTX này nuôi trồng và tạo ra các sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo như: Đông trùng hạ thảo tươi, đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa, mật ong ngâm đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo ngâm rượu và trà đông trùng hạ thảo mix tứ vị.
HTX có 7 thành viên, là mô hình mới về nuôi cấy đông trùng hạ thảo và các chị em phụ nữ ở địa phương tham gia làm thành viên, lãnh đạo, quản lý. HTX hiện có phòng nuôi cấy đông trùng hạ thảo với các công đoạn cấy giống, nhân giống, tạo giống và nuôi trồng đều được đầu tư, trang bị hệ thống máy tự động để giảm tác động của con người và thời tiết, từ đó cho chất lượng nấm ổn định và đồng đều.
Chị Nguyễn Thị Tiên, Giám đốc HTX cho biết, để nuôi cấy và sản xuất thành công đông trùng hạ thảo đòi hỏi khâu chọn giống và giá thể nuôi cấy phải kỹ, môi trường nuôi cấy nấm tuyệt đối sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, không khí…
Để tăng tính cạnh tranh, bình dân hóa sản phẩm theo phương châm từ sản xuất đến bàn ăn, theo chị Tiên, HTX đã đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số vào tiêu thụ sản phẩm. Nhất là để minh bạch sản phẩm, mọi quy trình sản xuất, nuôi cấy nấm đều được sử dụng camera ghi lại. Sau đó, HTX đưa dữ liệu lên các sàn thương mại điện tử kết hợp livestream giới thiệu công dụng và hướng dẫn cách sử dụng sản phẩm… Điều này không chỉ thu hút người xem, mà việc bán hàng cũng thuận lợi hơn.
Hiện, 80% sản phẩm của HTX đang được bán trên các nền tảng công nghệ và kênh bán hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử; 20% còn lại chủ yếu cung ứng cho các đối tác nhà yến trên địa bàn tỉnh để họ sản xuất yến đông trùng hạ thảo. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ ngày càng được rộng mở, tiếp thêm động lực để HTX tiếp tục mở rộng quy mô, xây dựng đội ngũ kinh doanh, marketing phát triển thương hiệu.
Theo đánh giá của lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Bình Phước, mô hình HTX Nấm Đông trùng Hạ thảo PN Bình Phước tuy mới đi vào hoạt động nhưng đã mang lại lợi nhuận, tạo niềm tin cho thành viên khi tham gia HTX, đặc biệt tạo việc làm cho nhiều lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
“Mang lại nhiều điều tốt đẹp cho bà con”
Mô hình của HTX Nấm Đông trùng Hạ thảo PN Bình Phước được xem là mô hình phát triển kinh tế còn khá mới tại huyện Bù Đốp nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung. Qua thực tế cho thấy, mô hình của HTX này đã có những thành công nhất định. Chính quyền huyện Bù Đốp đang hỗ trợ HTX xây dựng sản phẩm OCOP, tạo dựng thương hiệu từ đầu tư bao bì, đóng gói chỉn chu để sản phẩm ngày càng hoàn thiện và từng bước nhân rộng mô hình.
Ngoài HTX nêu trên, nói đến mô hình mới của HTX nhằm giúp giảm nghèo cho chị em phụ nữ ở tỉnh Bình Phước cần phải kể đến HTX lúa gạo chất lượng Lộc Khánh ở xã Lộc Khánh (huyện Lộc Ninh).
Từ tháng 4/2022, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Lộc Ninh đã hỗ trợ thành lập HTX này với tổng vốn điều lệ 500 triệu đồng. HTX chuyên trồng các loại lúa đặc sản, chất lượng và kinh doanh lúa gạo, dịch vụ nông nghiệp.
Đến xã biên giới Lộc Khánh hôm nay (có hơn 60% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đa phần là đồng bào Khmer, S’tiêng), mọi người đều thích thú bởi được trải tầm mắt trước những cánh đồng lúa xanh mướt, thẳng tắp. Từ khi HTX đi vào hoạt động, thương hiệu gạo của xã ngày càng vươn xa.
HTX lúa gạo chất lượng Lộc Khánh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, lợi nhuận bình quân đạt 500 triệu đồng/năm. Mục tiêu tới đây là xây dựng sản phẩm lúa được công nhận OCOP, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ nông thôn, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Lộc Khánh.
Chị Thị Lộc, Giám đốc HTX cho biết, thời gian qua, HTX đã vận động các chị em phụ nữ trong xã thay đổi thói quen canh tác, gieo trồng giống lúa phù hợp xu thế, nhu cầu xã hội. 17 ha lúa ST24 được HTX trồng theo hướng hữu cơ đã cho năng suất cao và khắc phục được những hạn chế của lối canh tác cũ, đảm bảo phát triển cây lúa theo hướng bền vững.
“Thay đổi được thói quen canh tác của đồng bào đã khó, mình phải nỗ lực hơn nữa để sự thay đổi đó mang lại nhiều điều tốt đẹp cho bà con”, chị Lộc trải lòng.
Theo chị Lộc, tuy mới hoạt động nhưng HTX đã tạo được kênh phân phối, kết nối, liên kết với các ban, ngành, doanh nghiệp để đưa sản phẩm lúa của bà con tiêu thụ ổn định. HTX đã ký kết với HTX thương mại - dịch vụ Bom Bo Bình Phước cam kết thu mua tất cả lúa của bà con.
Cần nhắc thêm, không chỉ là Giám đốc HTX, chị Lộc - người dân tộc Khmer, còn là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lộc Khánh. Thời gian qua, chị luôn đau đáu tìm ra những cách làm hay, hiệu quả để duy trì nét đẹp văn hóa dân tộc. Trong đó, có việc việc thành lập và đưa vào hoạt động Tổ đan lát truyền thống xã Lộc Khánh là một minh chứng.
Chọn hướng đi dài hơi
Tổ hợp tác đan lát ở xã Lộc Khánh thành lập cách đây 2 năm với 31 chị em phụ nữ tham gia, trong đó 7 người đan thuần thục các vật dụng truyền thống quen thuộc với đời sống người Khmer như rổ, rá, nia, gùi... Mỗi sản phẩm hoàn thành không chỉ giúp tăng thu nhập cho chị em phụ nữ địa phương mà còn là cách để bảo tồn, duy trì và lan tỏa nét đẹp văn hóa dân tộc.
Nhờ vào việc phát triển kinh tế hợp tác với nhiều sự quan tâm đến chị em phụ nữ như vậy đã giúp xã Lộc Khánh hiện không còn hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2021) và đạt chuẩn xã nông thôn mới hồi năm 2022.
Có thể nói, huyện Lộc Ninh là địa phương tiêu biểu của tỉnh Bình Phước trong hoạt động kinh tế hợp tác giúp giảm nghèo cho chị em phụ nữ. Tính đến nay, các cấp hội phụ nữ ở huyện đang duy trì 6 HTX hoạt động hiệu quả, 51 tổ hợp tác và 154 tổ liên kết phụ nữ phát triển kinh tế với gần 3.350 thành viên.
Từ những “đòn bẩy” trong hoạt động kinh tế hợp tác, vùng đất đỏ bazan Bình Phước hiện đang có hướng đi dài hơi nhằm giúp chị em phụ nữ thoát nghèo bền vững. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh sẽ nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 20 HTX, 50 tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành được các cấp hội hỗ trợ thành lập.
Qua đó tạo việc làm ổn định cho 400 thành viên, lao động nữ trong HTX, 240 lao động nữ trong tổ hợp tác. 100% nữ quản lý của HTX được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản trị, điều hành phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX. Đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu sẽ tạo việc làm ổn định cho 800 thành viên, lao động nữ trong HTX, 800 lao động nữ trong tổ hợp tác.
Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành; HTX tạo nhiều việc làm cho lao động nữ (trên 50% lao động của HTX là nữ). Nhất là ưu tiên phát triển các HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ chế biến sâu, phát huy ngành nghề truyền thống, khôi phục văn hóa, khai thác và phát triển tài nguyên bản địa.
Đặc biệt, trong phát triển kinh tế hợp tác để tạo sinh kế cho chị em phụ nữ, tỉnh Bình Phước sẽ ưu tiên các phụ nữ ở những vùng khó khăn, miền núi, dân tộc thiểu số; hộ nghèo, cận nghèo; khuyết tật, hoàn lương; nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục; di cư lao động không an toàn, công nhân mất việc làm trong các khu công nghiệp…