Tủa Chùa là huyện nghèo của tỉnh Điện Biên, có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, 70% dân số là dân tộc Mông. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, huyện Tủa Chùa đã thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đã thay đổi diện mạo nông thôn; nhiều mô hình sinh kế được triển khai, nhân rộng giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống, từng bước giảm nghèo bền vững.
"Ngày xưa người dân chưa suy nghĩ được sâu xa, chưa biết làm kinh tế, chưa biết làm ruộng, chỉ có làm nương thôi, thiếu thốn đủ bề, đói nghèo triền miên. Hiện nay, nhà nước đã tuyên truyền đến người dân, hỗ trợ nhiều nguồn lực để bà con phát triển kinh tế, trồng cây lúa ngắn ngày cho năng suất cao, bà con được hỗ trợ bò để nuôi, máy móc hiện đại để ứng dụng vào phát triển sản xuất, được cấp giống ngô, được vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi. Nhà nước cũng làm đường liên thôn, liên xã, đổ bê tông cho đẹp, đi lại thuận tiện lắm…". Đó là những lời chia sẻ chân thành của anh Chang A Đơ, bản Tà Huổi Tráng, xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên.
Xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa có 98% dân số là người dân tộc thiểu số, từ chương trình phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Chính phủ, trong đó có chính sách đầu tư, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, người dân được tiếp cận với các nguồn hỗ trợ như: Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, được hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Do đó, người dân có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, xoá đói giảm nghèo.
Anh Thào A Vừ, thôn Bản Phô, xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa cho biết: "Năm 2021, gia đình tôi được hỗ trợ đàn dê của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Điện Biên gồm: 9 con dê cái và 1 con dê đực. Sau gần 3 năm, tôi nhận thấy nuôi dê phát triển tốt hơn các loại gia súc khác. Bởi con dê phù hợp điều kiện khí hậu, môi trường ở địa phương. Vì ở đây có khí hậu ôn đới, thiếu nước sản xuất, sinh hoạt hạn chế nên nuôi dê phù hợp hơn với nuôi trâu, bò mà lợi nhuận từ nuôi dê cũng lớn hơn nuôi các loại gia súc khác. Gia đình tôi đã xuất bán lứa đầu tiên, con cái để lại sinh sản, con đực không đủ tiêu chuẩn thì xuất bán. Được sự hỗ trợ của nhà nước, gia đình tôi đã xoá đói, giảm được nghèo".
Ông Vừ A Phía, Chủ tịch UBND xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa cho biết: Sau khi được phân bổ chỉ tiêu về đến xã, xã cũng đã triển khai đến các thôn, bản, lựa chọn các hộ còn khó khăn, ưu tiên làm hồ sơ đi thẩm định, định giá đối với việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi. Bà con trong xã chủ yếu nuôi bò, nuôi dê cũng ý thức được việc chăm sóc vật nuôi, cây trồng để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Ông Ma Văn Điệp, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Tủa Chùa cho biết: Là cơ quan tham mưu cho UBND huyện về chính sách đối với đồng bào nhất là triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gia đoạn 2021 - 2025, Phòng Dân tộc đã tham mưu cho huyện phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, triển khai các chỉ thị, nghị quyết và kế hoạch cụ thể trong năm 2023. Để đạt hiệu quả cao, phòng cũng đề ra những biện pháp đặc biệt là đẩy mạnh giám sát việc giải ngân đầu tư công của Nghị quyết 88 và nguồn vốn sự nghiệp.
Từ năm 2011 đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng hơn 160 công trình với tổng mức đầu tư trên 1.004,6 tỷ đồng. Hoàn thành đưa vào sử dụng 137 công trình giao thông với tổng mức đầu tư 53,736 tỷ đồng. Xây mới 150,5/240km đường liên xã; 56,6/233,5km đường trục xã và 52,7/356km đường trục thôn được cứng hóa (rải nhựa, bê tông hoặc cấp phối). Kiên cố hóa được 14,5km, đưa tổng số kênh mương được kiên cố hoá lên 94,2/134,6km.
Bên cạnh đầu tư phát triển hạ tầng, công tác nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sinh kế cũng được huyện Tủa Chùa quan tâm thực hiện. Từ 2016 đến nay, toàn huyện đã triển khai 37 mô hình chuyển đổi tập quán chăn nuôi (cá, gà, vịt, lợn, dê, trâu, bò) tại 12 xã, thị trấn với tổng kinh phí từ ngân sách Nhà nước đầu tư 5,815 tỷ đồng và người dân đối ứng 2,829 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế, chính sách tạo đất sản xuất được triển khai trên địa bàn 12 xã, thị trấn với tổng số 72 dự án hỗ trợ 3.443 con giống gia súc (trâu, bò, lợn, dê), 23.878 con giống gia cầm, 12.240 cây giống ăn quả, 943 bộ máy móc thiết bị cho 4.917 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Ông Lò Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa cho biết: UBND xã đã khoanh vùng để phát triển tập trung khu sản xuất riêng, khu chăn nuôi riêng. Quy hoạch khu đất để làm địa bàn chăn thả, phát triển đàn gia súc. Các địa phương có tiềm năng phát triển về rừng thì hỗ trợ bà con giống cây hoặc trồng cây sa nhân dưới tán rừng, ngoài ra hướng dẫn bà con nuôi cá lồng… và các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Ông Lường Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên cho biết: Có 4 giải pháp chính để phát triển kinh tế huyện Tủa Chùa đó là tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức cho đồng bào; giảm thiểu hủ tục lạc hậu tảo hôn, hôn nhân cận huyết để đảm bảo độ tuổi lao động; triển khai hiệu quả các mô hình sinh kế như: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn nơi còn thiếu đất sản xuất, các mô hình lâm sinh trồng rừng, hoặc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như nước cho sản xuất, sinh hoạt, hệ thống tưới tiêu; quan tâm đến công tác tư vấn, nâng cao ý thức thoát nghèo và khơi dậy ý chí làm giàu của người dân.