Tỉnh Ninh Thuận hiện có 32 dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, chiếm 24,4% dân số toàn tỉnh. Những năm gần đây, bằng những chính sách hỗ trợ thiết thực của Đảng và Nhà nước, vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh đang từng bước đổi thay, phát triển, đời sống của đồng bào no ấm hơn.
Xác định Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030 (Chương trình), tỉnh Ninh Thuận đã tập trung nguồn lực đầu tư cho các địa bàn khó khăn, góp phần nâng cao sinh kế, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Tổng vốn đầu tư Chương trình tại Ninh Thuận là 1.936.535 triệu đồng; trong đó ngân sách trung ương: 1.296.642 triệu đồng (vốn đầu tư: 605.118 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 691.524 triệu đồng); ngân sách địa phương: 194.496 triệu đồng (vốn đầu tư: 90.768 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 103.729 triệu đồng); vay tín dụng chính sách: 317.125 triệu đồng, và kinh phí huy động: 128.272 triệu đồng.
Tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới năm 2023 toàn tỉnh đạt 1,5% theo chỉ tiêu đề ra (theo Quyết định số 715/QĐ-UBND ngày 21/12/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023).
Với quan điểm ưu tiên đầu tư, chăm lo nâng cao đời sống cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, không để ai bị bỏ lại phía sau là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, Tỉnh ủy vừa ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS theo hướng bền vững, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế thoát nghèo bền vững; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân khu vực DTTS trên 3% mỗi năm…
Trong năm 2023, tỉnh Ninh Thuận cũng đẩy mạnh Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất để bảo đảm an ninh lương thực và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho người dân tại các vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn.
Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (nông, lâm, ngư nghiệp) cho người nghèo theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường kết nối giữa người sản xuất và các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị, ưu tiên phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh tại địa phương.
Để giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình sản xuất như: trồng mía, bắp lai, bưởi da xanh, mãng cầu; phát triển đàn gia súc có sừng theo hướng lấy thịt, nuôi heo đen đặc sản; mô hình "cánh đồng lớn” sản xuất lúa giống vùng đồng bào Chăm huyện Ninh Phước; trồng cây công nghiệp, cây ăn quả trên đất dốc, triền núi tại các huyện miền núi Bác Ái, Thuận Bắc...
Bên cạnh đó, các giải pháp về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cho các hộ vay ốn ưu đãi phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng tiếp tục được tỉnh đầu tư, mở rộng.
Trong những năm qua, bà con nông dân người Chăm đã thực hiện nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây măng tây xanh, áp dụng mô hình canh tác VietGAP, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay, đồng bào Chăm, xã An Hải, huyện Ninh Phước xác định măng tây là cây trồng chủ lực và tập trung xây dựng vùng chuyên canh cây măng tây có định hướng bài bản, áp dụng khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phầm. Cùng đó là tạo cơ chế, chính sách về vốn vay để người dân tiếp cận dễ dàng.
Theo các hộ trồng, cứ 1 ha cây măng tây cho thu hoạch từ 5-7kg/ngày, bán ra thị trường giá trung bình khoảng 50.000/kg. Như vậy, trung bình mỗi ha măng tây trong thời kỳ thu hoạch, sau khi trừ các chi phí, người nông dân có lãi từ 300 đến 400 triệu đồng/năm.
Không chỉ chú trọng hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển các mô hình kinh tế, mà tỉnh Ninh Thuận còn tập trung đào tạo, phát triển nhân lực là đồng bào DTTS và miền núi. Theo thống kê, trong năm 2022, số lao động được giải quyết việc làm là 18.730 người, trong đó giải quyết việc làm cho lao động là DTTS khoảng trên 7.965 lao động, chiếm 42,53% so với tổng số được giải quyết việc làm; xuất khẩu lao động là 154 lao động, trong đó người DTTS là 14 người.
Thông qua nguồn vốn vay giải quyết lao động việc làm đã cho vay 27,616 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 540/4.102 lao động, chiếm tỷ lệ 13,17% trên tổng số lao động được giải quyết việc làm từ nguồn vốn này. Đào tạo nghề cho 10.803 người, đạt 120% kế hoạch năm (nhóm ngành nông nghiệp là 2347 người, chiếm 21,7%).
Trong số lao động nông thôn được đào tạo nghề, nhóm đồng bào DTTS là 4320 người, chiếm tỷ lệ 40%. Số lao động nông thôn là người DTTS đã học xong và có việc làm đạt tỷ lệ trên 85%. Riêng kinh phí tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2022 được 2.913 người/6.508.683 triệu đồng (nhóm ngành nông nghiệp là 2347 chiếm 80,57%).
Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64,93%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ là 27,86%. Nhờ tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là tập trung mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, nghề đào tạo chủ yếu là những ngành nghề mà đồng bào đang có nhu cầu học hỏi để tìm kiếm việc làm và áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình nên đồng bào tham gia rất nhiệt đình, chính quyền các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã giúp bà con vươn lên thoát nghèo.
Đến nay, đời sống kinh tế - xã hội, cơ sở vật chất, hạ tầng vùng DTTS và miền núi của tỉnh đang từng bước phát triển; tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng đạt bình quân 10%/năm; cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch; cây trồng vật nuôi phát triển theo hướng khai thác các tiềm năng, lợi thế của vùng; công tác khuyến nông, khuyến lâm, khoa học kỹ thuật vào sản xuất được áp dụng rộng rãi, góp phần nâng cao chất lượng, năng suất cây trồng, vật nuôi. Cơ cấu lao động trong vùng từng bước chuyển dịch, qua đó giải quyết việc làm góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.