Kinh tế

Phát triển kinh tế bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi từ những sản phẩm chủ lực

Đỗ Thụy 09/10/2023 - 21:43

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi nước ta có nhiều tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu phù hợp với nhiều giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Trong xu hướng tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững hiện nay, sản phẩm của bà con vùng đồng bào DTTS và miền núi đáp ứng được những yêu cầu đòi hỏi của thị trường.

Do vậy, thời gian tới rất cần sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp để hình thành chuỗi cung ứng bền vững cho các sản phẩm chủ lực vùng, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào vùng cao.

18403235f5781c264569.jpg
Mận Hậu Bắc Hà, sản phẩm chủ lực của đồng bào dân tộc tỉnh Lào Cai (Nguồn Internet)

Những năm qua, việc thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã đem lại những kết quả tích cực góp phần nâng cao đời sống người dân. Sản xuất tại một số vùng có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Việc phát triển hoạt động hỗ trợ thu mua, quảng bá đã góp phần hình thành thị trường cho các sản phẩm của bà con vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đã có những doanh nghiệp và người dân địa phương khai thác tốt lợi thế sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như bánh tam giác mạch Hà Giang, mận Bắc Hà (Lào Cai), miến dong Na Rì (Bắc Kạn), bún đỏ Đắk Lắk, cà phê chồn Gia Lai, trà shanam Tà Xùa (Sơn La)…

Đặc biệt với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã tạo cơ sở cho sự phát triển vùng, theo đó tạo động lực thúc đẩy phát triển các vùng nuôi trồng phù hợp với mỗi địa phương, thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc. Đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ phát triển thị trường thương mại và đưa sản phẩm của vùng đồng bào dân DTTS và miền núi vào kênh phân phối tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Việc thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã và đang đáp ứng phần lớn nhu cầu cho sản xuất, góp phần quan trọng vào hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao, nhiều thương hiệu đặc sản của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được hình thành.

Nằm ở khu vực miền núi phía Bắc, Cao Bằng là một trong những tỉnh nghèo với 95% dân số là đồng bào DTTS, chủ yếu là Tày, Nùng, Mông, Dao… Những năm qua, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS. Trong đó, chú trọng phát triển các mô hình liên kết, tiêu thụ nông sản của đồng bào.

Nhiều mô hình liên kết được hình thành, tiêu biểu như: Mô hình liên kết sản xuất giống lạc vụ hè thu với Công ty TNHH nông lâm nghiệp huyện Hà Quảng; mô hình sản xuất ngô lạc hàng hóa cung cấp nguyên liệu cho chế biến mì ngô tách đường; mô hình liên kết sản xuất cây ngô ngọt gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm hướng tới tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung…

Trong những năm gần đây, nghề nuôi ong lấy mật đang mở ra hướng phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo cho nhiều nông hộ. Năm 2023, lần đầu tỉnh Cao Bằng có hai sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, đó là mật ong Đoàn Linh (xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình) và mật ong Hoàng Tung (xã Hoàng Tung, huyện Hòa An). Đây được xem là bước khởi đầu quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, nâng cao chất lượng thương hiệu, uy tín của các sản phẩm mật ong tại địa phương, từ đó, tiếp tục mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm từ ong, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

capture-q.png
Quả hồng không hạt Bảo Lâm, đặc sản vùng cao Lạng Sơn (Nguồn Internet)

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, lựa chọn sản phẩm thế mạnh của địa phương.

Cùng với chính sách của Nhà nước, tỉnh Lạng Sơn cũng ban hành những chính sách và các cơ chế đặc thù, kế hoạch, các quy hoạch để tổ chức thực hiện như: Kế hoạch hành động về phát triển chuỗi giá trị của cây hồi; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến hàng xuất khẩu; chiến lược phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp chủ lực của tỉnh...

Việc triển khai các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS và miền núi đã góp phần khuyến khích và thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả bền vững và hướng về xuất khẩu. Sản phẩm nông sản, đặc sản của tỉnh Lạng Sơn ngày càng được nâng cao về chất lượng đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Hiện nay, Lạng Sơn có 19 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trong đó có các sản phẩm đặc trưng như quýt vàng Bắc Sơn, hồng Bảo Lâm, hồng Vành Khuyên, na Chi Lăng, hoa hồi, thạch đen… Lạng Sơn đã có trên 94 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP từ 3 - 4 sao.

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai ưu tiên phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị nông sản. cùng với đó, Lào Cai tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập cho các hộ dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, nhiều mô hình liên kết sản xuất thực hiện thành công và hiệu quả như: Cây dược liệu ở các huyện Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai; cây chè ở các huyện Mường Khương, Bảo Thắng, Bắc Hà, Bảo Yên; cây quế ở huyện Bắc Hà, Bảo Yên, Văn Bàn, Bảo Thắng; cây chuối, dứa ở huyện Bát Xát, Mường Khương…

Với phương châm “mỗi xã một sản phẩm đặc hữu”, huyện Mường Khương tập trung phát triển vùng hàng hóa đặc hữu gắn với xây dựng thương hiệu nông sản. Theo đó, huyện lựa chọn các loại nông sản mũi nhọn, phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, đồng bào có trình độ canh tác thuần thục để phát triển thành vùng hàng hóa tập trung, tuân thủ quy trình sản an toàn để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.

Hiện, huyện Mường Khương đẩy mạnh thực hiện các liên kết sản xuất, tạo các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp và kêu gọi đầu tư xây dựng các cơ sở, nhà máy chế biến nông sản.

Đến nay, Mường Khương có 8 cơ sở, nhà máy chế biến chè và một số cơ sở chế biến nhỏ lẻ, đảm bảo chế biến, tiêu thụ 100% sản lượng chè búp tươi của huyện; 1 nhà máy chế biến rau, quả phục vụ chế biến, tiêu thụ sản phẩm dứa.

Đặc biệt, năm 2020, Công ty Cổ phần thực phẩm Á Châu đã xây dựng Nhà máy chế biến sản phẩm dứa đóng hộp phục vụ xuất khẩu tại xã Lùng Vai với nguồn nguyên liệu từ liên kết sản xuất và tiêu thụ với người dân trồng dứa trên địa bàn huyện.

Tại huyện Bắc Hà đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như: Chuỗi sản xuất, chế biến chè Shan hữu cơ tại xã Bản Liền, xã Tả Củ Tỷ với Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Bắc Hà; chuỗi sản xuất quế tại các xã: Bảo Nhai, Nậm Đét, Cốc Lầu, Nậm Lúc, Bản Cái, Cốc Ly với Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà; chuỗi sản xuất quế hữu cơ giữa Hợp tác xã quế hữu cơ Nậm Đét và 150 hộ, liên kết sản xuất 1.200 ha quế; chuỗi liên kết cây ăn quả ôn đới giữa nông dân và Hợp tác xã cộng đồng Tả Van Chư, Hợp tác xã Quang Tom…

Để nông sản các tỉnh phát huy tối đa giá trị, giúp đồng bào DTTS thoát nghèo bền vững, thời gian tới, các tỉnh tiếp tục tăng cường đẩy mạnh các chương trình, đề án, thu hút sự tham gia của đồng bào DTTS để xây dựng những vùng nguyên liệu tập trung làm cơ sở cho phát triển thị trường sản phẩm, hàng hóa; nâng cao năng lực sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm. Đồng thời chú trọng tuyên truyền, quảng bá cho sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi tới đông đảo người tiêu dùng tại thị trường trong nước và quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO