Kinh tế

Gia Lai: Huy động mọi nguồn lực tập trung phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS

D. Thảo 30/09/2023 - 14:18

Những năm qua, tỉnh Gia Lai đã thực hiện khá hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế- xã hội và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh huy động nhiều nguồn lực khác nhau để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa nhằm giúp người dân có thêm điều kiện để phát triển kinh tế.

Toàn tỉnh có 34 dân tộc anh em cùng sinh sống. Nhiều năm qua, cùng với chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, dưới sự định hướng của các cấp lãnh đạo, đồng bào các dân tộc đã tích cực lao động, sản xuất, chuyên canh các loại cây trồng chủ lực như: Cà phê, hồ tiêu, cao su, các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế. Ngoài ra, các ngành chuyên môn tập trung hỗ trợ kiến thức, từng bước giúp người dân thay đổi tư duy, tập quán canh tác lạc hậu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

xuc-tien-cf1.jpg
Tỉnh Gia Lai trồng cây cà phê để phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS và miền núi.

Mặt khác, các địa phương, ngành chức năng của tỉnh tích cực tuyên truyền, hỗ trợ người dân vùng DTTS phát triển sản xuất, nâng cao đời sống thông qua các kênh như nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình 135, 134, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội.

Với sự quan tâm của cấp trung ương và địa phương, năm 2022, tỉnh Gia Lai được triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi với tổng nguồn vốn thực hiện là 841,088 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương 473,072 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 89,366 tỷ đồng, vốn vay tín dụng chính sách 228,112 tỷ đồng và vốn huy động hợp pháp khác 50,538 tỷ đồng.

Chương trình còn phấn đấu đạt 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được bê tông hóa hoặc nhựa hóa; 100% thôn, làng có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 95% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 98% học sinh học mẫu giáo 5 tuổi được đến trường…

Được biết, tỉnh Gia Lai đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tỉnh còn thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo, tổ chức bộ máy chỉ đạo thực hiện chương trình ở 3 cấp; chủ động ban hành cơ chế, quy định, hướng dẫn để quản lý, tổ chức thực hiện. Việc triển khai hướng tới tính hiệu quả, không chạy theo thành tích, đặc biệt là nêu cao vai trò chủ thể của người dân, cộng đồng trong tất cả các khâu. Năm 2022, tỉnh đề ra 25 chỉ tiêu thực hiện và đến thời điểm này đã có 23/25 chỉ tiêu đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra.

Điển hình như Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ vốn vay, tỉnh được chọn tham gia từ năm 2017 đến nay. Hiện, Gia Lai đã được triển khai xây dựng 42 cây cầu và 45 cống tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa với tổng vốn đầu tư hơn 191 tỷ đồng. Cầu K'Tập dài hơn 72 m với tổng mức đầu tư trên 3,4 tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng tại huyện Đak Đoa.

Mặt khác, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường bộ mang tính kết nối. Chương trình được triển khai từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 do bộ, ngành, trung ương đầu tư trên địa bàn là 5.927 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 do địa phương quản lý tập trung đầu tư các dự án lớn, trọng điểm, mang tính lan tỏa dự kiến là 5.978 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỉnh còn sử dụng các nguồn ngoài ngân sách do doanh nghiệp trong nước (bao gồm cả hợp tác xã và doanh nghiệp FDI đầu tư); nguồn vốn ODA xin trung ương (tổng vốn dự kiến hơn 6.240 tỷ đồng)…

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1334/KH-UBND với dự kiến dành gần 198 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu. Trong đó, tỉnh sẽ dành 192,574 tỷ đồng để triển khai đầu tư xây dựng, cải tạo các công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất kinh doanh và dân sinh; công trình cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh trên địa bàn thôn, làng; trường, đầu tư cứng hóa 22 km đường liên xã (từ trung tâm xã đến trung tâm xã); duy tu, bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn đặc biệt khó khăn…

Theo Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, Vũ Mạnh Định, để nâng cao năng lực kết nối giao thông giao thương, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, trong giai đoạn 2021-2025, huyện tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối các vùng sâu, vùng xa, tạo thuận lợi cho người dân. Theo đó, hàng loạt dự án giao thông trên tuyến biên giới sẽ được triển khai với tổng kinh phí được phân bổ giai đoạn này là 184 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO