Mô hình HTX động lực phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số

26/11/2022 00:00

(DTTG) Thực hiện công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), những năm gần đây, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đã triển khai các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất tập trung, thành lập các HTX giúp đồng bào DTTS thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.

Các HTX trên địa bàn huyện Yên Châu tập trung phát triển, kinh doanh các sản phẩm từ xoài.
Các HTX trên địa bàn huyện Yên Châu tập trung phát triển, kinh doanh các sản phẩm từ xoài

Đến thăm HTX nông nghiệp Xuân Tiến, bản Sai, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La được thành lập từ năm 2017, chuyên trồng và tiêu thụ xoài tròn Yên Châu. Anh Quàng Văn Xuân, Giám đốc HTX, chia sẻ: Với mong muốn bảo tồn, phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm xoài tròn Yên Châu, tôi đã vận động bà con trên địa bàn liên kết thành lập HTX. Từ 5 thành viên, đến nay, HTX đã phát triển lên 38 thành viên, 100% là đồng bào dân tộc Thái, trồng trên 50 ha xoài tròn. 

Trước đây, phần lớn diện tích xoài tròn trên địa bàn đều bị thoái hóa, sâu bệnh do đã trồng từ lâu; việc trồng mang tính tự phát và quy mô nhỏ cùng với kinh nghiệm còn hạn chế, hiệu quả mang lại chưa cao. Sau khi thành lập, HTX thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn, hỗ trợ các thành viên kỹ thuật cải tạo, chăm bón, nâng cao năng suất, chất lượng diện tích xoài già cỗi. Đồng thời, triển khai mô hình trồng mới giống xoài tròn ghép cành từ giống đầu dòng. Nhờ vậy, các thành viên HTX đã nắm chắc các kỹ thuật phòng chống sâu bệnh, vệ sinh vườn, bón phân sau thu hoạch, giúp cây xoài phát triển tốt trong vụ tiếp theo, sản phẩm quả được đánh giá cao về chất lượng. Trung bình mỗi vụ, HTX bán ra thị trường trên 50 tấn quả với giá từ 20.000-35.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, HTX còn phát triển sản phẩm “Xoài sấy dẻo”, hiện sản phẩm đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh.

Anh Hà Viễn Lâm, thành viên HTX nông nghiệp Xuân Tiến nói: Gia đình tôi có gần 2 ha cây xoài tròn hơn 20 năm tuổi. Từ khi tham gia HTX, được tập huấn, hướng dẫn sản xuất theo quy trình sản xuất an toàn, áp dụng nhiều biện pháp trong cải tạo diện tích xoài già cỗi nên chất lượng xoài nâng lên nhiều. Vụ xoài vừa qua, gia đình thu hơn 4 tấn quả, trừ chi phí cho thu nhập trên 60 triệu đồng.

Một gian hàng bày bán các sản phẩm nông nghiệp trong Lễ hội xoài Yên Châu.
Một gian hàng bày bán các sản phẩm nông nghiệp trong Lễ hội xoài Yên Châu

Còn tại HTX nông nghiệp Hoa Mơ, bản Đán 2, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La với việc áp dụng quy trình sản xuất VietGAP đã đưa các sản phẩm cây ăn quả của địa phương có giá trị kinh tế cao hơn. Chị Lò Thị Thu, Giám đốc HTX, chia sẻ: HTX thành lập nhằm giúp bà con dân tộc trong vùng có việc làm và thu nhập ổn định hơn. Xác định sản xuất nông nghiệp an toàn là điều kiện quan trọng để tiêu thụ sản phẩm bền vững, tôi đã vận động các thành viên thay đổi tư duy, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ, an toàn, đảm bảo sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng.

Sau 3 năm hoạt động, đến nay HTX có 15 ha mận hậu, 15 ha chanh leo được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP và 3 ha nhãn, 2 ha xoài; chăn nuôi hơn 100 con trâu, bò, dê, lợn. Ngoài ra, HTX còn liên kết thu mua, bao tiêu sản phẩm cho 52 hộ trong xã với 10 ha chanh leo, 10 ha mận hậu để cung cấp cho thị trường trong tỉnh và siêu thị tại các tỉnh, thành phố. Doanh thu của HTX sau 5 năm đạt 18 tỷ đồng, thu nhập bình quân của các thành viên từ 400-600 triệu đồng/năm; tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 35 lao động địa phương với mức tiền công từ 4-4,5 triệu đồng/người/tháng. Từ trồng cây ăn quả, có 3 hộ thành viên HTX đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, tỉnh.

Có thể thấy, các mô hình HTX trên địa bàn huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La không chỉ đóng vai trò tập hợp, vận động mà còn thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho bà con, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất; góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS của huyện phát triển. Hiện nay, huyện Yên Châu có 64 HTX, với 802 thành viên; trong đó, đồng bào DTTS làm chủ và là thành viên HTX chiếm đến 50%, hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản.

Ông Lê Huy Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết: Để tạo điều kiện cho các HTX phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động, thời gian qua, huyện đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát tình hình hoạt động của HTX; hướng dẫn thành lập mới HTX, thu hút thêm thành viên, tăng số vốn điều lệ; vận dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu tiên, hỗ trợ phát triển HTX; tăng cường các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại; từng bước mở rộng quy mô hoạt động của các HTX... Nhờ vậy, đa số các HTX trên địa bàn hoạt động ổn định, được quản lý chặt chẽ từ khâu góp vốn đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sau khi thành lập, các HTX đã từng bước khắc phục khó khăn, củng cố tổ chức, nỗ lực đổi mới, chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động. Đặc biệt thông qua thành lập và hoạt động của HTX đã góp phần khai thác tốt hơn những tiềm năng, lợi thế ở từng địa phương, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS của huyện trung bình 3%/năm.

Các HTX vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đã và đang khẳng định vai trò trong việc hỗ trợ, liên kết sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, đem lại thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS tại địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO