Văn hóa

Ngọt lịm quan họ Kinh Bắc

Ngọc Diễm 23/02/2024 - 17:54

Kinh Bắc từ lâu đã nổi tiếng là một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng; là cửa ngõ phía Bắc của kinh thành Thăng Long, Đông Đô - Hà Nội. Nhắc tới Kinh Bắc là nhắc tới quan họ với lời ca mượt mà, nồng nàn. Đây là món ăn tinh thần, một nét sinh hoạt văn hóa đẹp với những làn điệu dân ca đặc sắc của vùng đồng bằng Bắc Bộ - thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam.

Hơn cả nền văn hóa

Lịch sử Kinh Bắc ngày nay vẫn còn bảo lưu, gìn giữ được hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú, giàu giá trị. Kinh Bắc có Luy Lâu từng là trung tâm chính trị, kinh tế - thương mại, văn hóa - tôn giáo và cổ xưa nhất của Việt Nam; nơi phát tích của Vương triều Lý - triều đại khai mở, phát triển nền văn minh Đại Việt; có nhiều di tích, danh nhân, chiến công chống giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc.

bac-ninh-bao-ton-va-phat-trien-di-san-van-hoa-phi-vat-the-dan-ca-quan-ho-220440585.jpg
Các liền anh liền tập biểu diễn quan họ tại xứ Kinh Bắc.

Trong mọi thời kỳ lịch sử, vùng quê Kinh Bắc - Bắc Ninh đã sản sinh ra những anh tài nhân kiệt, được lịch sử dân tộc ghi danh là hình ảnh rất rõ nét đại diện cho đặc trưng sĩ phu Bắc Hà về học vấn - nhân cách - khí tiết.

Trong dòng chảy của nền văn minh sông Hồng, Kinh Bắc - Bắc Ninh đã sáng tạo nên một kho tàng di sản văn hóa, đặc sắc là vùng đất trăm nghề với những nghệ nhân vô cùng khéo léo được mệnh danh là xứ sở của lễ hội dân gian truyền thống, đặc biệt là dân ca quan họ với những làn điệu du dương, níu giữ du khách. Minh chứng cho vẻ đẹp này, quan họ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể năm 2009, đại diện của nhân loại thể hiện sự hội tụ và kết tinh sinh động đa dạng các giá trị văn hóa, tinh thần và những tài sản quý báu chứa đựng và thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc vùng đất là con người xứ Kinh Bắc.

Nét độc đáo của quan họ Bắc Ninh chính là ở sự hoà quyện tuyệt diệu giữa giai điệu và lời ca; giữa trang phục truyền thống độc đáo gắn với cách ứng xử văn hóa của các liền anh, liền chị. Trang phục quan họ không chỉ thể hiện tính nghệ thuật thẩm mỹ, là hình thức bên ngoài mà còn ẩn chứa chiều sâu văn hóa của người quan họ Bắc Ninh.

Nội dung hát quan họ cũng mang tính giao duyên, mang tính giải trí là chính. Quan họ chủ yếu là hát trong mùa lễ hội. Tình yêu trong lời hát quan họ rất trong sáng. Qua bài hát giao duyên, người ta hát với nhau có thể tưởng như yêu nhau rồi. Nhưng mà không phải, đó chỉ là yêu trong lời hát thôi. Cùng với hát giao duyên, còn có nhiều cách hát khác nhau như: Hát thi, hát đố và hát vui...

Mỗi một bài quan họ đều có giai điệu riêng. Đến nay, có ít nhất 300 bài (giai điệu) quan họ đã được ký âm gồm những đoạn thơ, bài thơ, chủ yếu là thể lục bát do các nghệ nhân quan họ truyền thống bàn giao cho các nhà sưu tầm lưu giữ. Bài bản dân ca quan họ được chia thành các giọng như: Giọng lề lối, giọng vặt và giọng giã bạn. Nhưng nói tựu chung thì: hát quan họ là một lối hát riêng, gọi là đặc trưng của quan họ. Hát quan họ phải đạt được 4 yếu tố cơ bản là: Vang, rền, nền, nẩy. Nếu thiếu một yếu tố nào đó thì chưa ra chất của bài dân ca quan họ.

Không gian diễn xướng của dân ca quan họ ngày nay được mở rộng rất nhiều. Trước đây, dân ca quan họ có thể hát ở sân đình, sân chùa… Bây giờ, hát quan họ bằng cách này hay cách khác đã được đưa lên sân khấu và phát triển và hoàn chỉnh cả về phương diện âm nhạc, lời ca và hình thức trình diễn. Các làn điệu quan họ ngày càng phong phú và có phong cách riêng.

Bảo tồn nét văn hóa Kinh Bắc

Quan họ mang trong câu hát nhiều phong tục, tập quán, tín ngưỡng đặc sắc nên đã trở thành một “đặc sản văn hóa” Kinh Bắc. Dân ca quan họ không ồn ã, náo nhiệt, mang dấu ấn của vùng Đồng bằng Bắc Bộ trù phú, được truyền từ đời này qua đời khác và vẫn vẹn nguyên giá trị tinh thần. Từng câu ca Quan họ đầy thi vị được cất lên, hay những làn điệu “Trên rừng ba mươi sáu thứ chim”, “Ngồi tựa mạn thuyền”, “Ngũ cung”, “Hoa thơm bướm lượn”, “Con nhện giăng mùng”… ngân lên trong khung cảnh đậm chất quan họ ẩn chứa cả sức sống mùa Xuân của con người và tạo vật. Lời ca vang lên không chỉ thể hiện tình yêu của con người với quê hương đất nước mà còn là niềm tự hào về những truyền thống văn hóa ngàn đời của dân tộc.

z5006683700930_c630350e04fa7996db47e5a240d999e4.jpg
Hội Lim đi vào trong những câu hát, những vần thơ trong các lễ hội truyền thống Việt Nam.

Đến với Bắc Ninh, được hòa vào không khí văn hóa quan họ tại hội Lim, về với một trời sắc màu của lễ hội, của âm thanh, thơ và nhạc náo nức không gian đến xao xuyến lòng người. Những áo mớ bảy mớ ba, nón ba tầm, quai thao, dải yếm lụa sồi, những ô lục soạn, khăn đóng, áo cặp the hoa gấm... như ẩn chứa cả sức sống mùa xuân của con người và vạn vật.

Rời Kinh Bắc, những cô gái quan họ mang trong mình nét duyên ngầm đằm thắm yêu kiều, e ấp sau nón quai thao níu lòng du khách bằng câu hát dân ca: Người ơi người ở đừng về. Và rồi thấp thoáng cả một làng quan họ đầy niềm thương nỗi nhớ về mà là về trao duyên…

Để bảo tồn loại hình văn hóa đặc sắc này, việc dạy hát dân ca quan họ còn trở thành một chương trình học trong các cấp cho học sinh tại tỉnh Bắc Ninh. Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 600 câu lạc bộ quan họ trường học, mỗi trường có ít nhất 1 câu lạc bộ. Tỉnh cũng thực hiện chính sách hỗ trợ hàng tháng cho các nghệ nhân, hỗ trợ kinh phí hàng năm cho các làng quan họ gốc, làng quan họ thực hành tạo thành lực đẩy có giá trị nâng cao chất lượng trong việc gìn giữ di sản tại miền đất Kinh Bắc. Đây là sự khích lệ những “báu vật sống” tiếp tục phát huy tài năng, trách nhiệm trong quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Cùng với công tác tôn vinh, các hoạt động hỗ trợ nghệ nhân nuôi dưỡng tình yêu di sản trong cộng đồng cũng được triển khai tích cực trên địa bàn thành phố Bắc Ninh, như: Hỗ trợ mở lớp truyền dạy quan họ, nhân cấy lớp người gìn giữ, thực hành mới; ghi hình, in sách, tư liệu hóa nhiều loại hình di sản làm cơ sở lưu trữ, truyền dạy… Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX cũng đã ban hành Nghị quyết riêng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, xác định định hướng rõ ràng để phát triển văn hóa.

Với những việc người dân và chính quyền Bắc Ninh đã và đang làm, có thể thấy rằng, người Kinh Bắc đã thực hiện đúng cam kết với UNESCO để Dân ca quan họ mãi trường tồn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO