Văn hóa

Chuyện về những “tài tử Quan họ” ở Thị Cầu

Việt Thanh 10/01/2024 - 17:43

Nhiều người gắn bó cả chặng đường dài suốt 40-50 năm với Quan họ nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức “thuộc câu, thuộc giọng, ca đúng lề lối”. Song cũng có những người ở khi mới tuổi 13, 14 đã nằm lòng hàng trăm câu hát cổ và trong suốt cuộc đời luôn trăn trở tìm tòi, ham muốn nắn chỉnh, gọt giũa, sáng tạo Quan họ, giới nghiên cứu gọi họ là những “tài tử Quan họ”...

Là một trong 49 làng Quan họ gốc, trải qua hàng trăm năm, nghề chơi Quan họ ở Thị Cầu đã hun đúc và nuôi dưỡng nhiều thế hệ nghệ nhân tài hoa như cụ Sáu Căn (Nguyễn Hữu Căn), cụ Ba Sơn (Nguyễn Văn Sơn), cụ Tư La (Phạm La), cụ Cả Vịnh (Ngô Thế Vịnh)… Tiếp đến là lớp nghệ nhân gạo cội Nguyễn Văn Vinh, Nguyễn Văn Tý, Ngô Thế Tình, Nguyễn Hữu, Nguyễn Văn Bảo, Nguyễn Văn Tống, rồi các cụ bà như cụ Khuê, cụ Lựu, cụ Soạn… Và truyền tiếp tới các nghệ nhân ngày nay như anh Hai Cầu, anh Ba Thiện, anh Hai Bốt, chị Hai Nội, chị Tư Hoàn... Lần ghé thăm Thị Cầu mới đây, chúng tôi may mắn được trò chuyện với Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Cầu - người được xem như “báu vật nhân văn sống” của Quan họ Thị Cầu. Cận kề tuổi 90 nhưng cụ Cầu còn tinh anh, giữ được giọng hát “vang, rền, nền, nảy”. Năm 16 tuổi cụ Cầu đã theo chú ruột Nguyễn Văn Tý học chơi Quan họ.

Đến nay nghệ nhân đã có hơn 70 năm trong nghề, nằm lòng hàng trăm câu hát cổ, thuần thục phong cách chơi Quan họ tài tử của trai Thị Cầu. Nghệ nhân kể: “Xưa chúng tôi học Quan họ để đi chơi cho thỏa đam mê chứ không phải học để đi hát, đi biểu diễn như ngày nay. Thị Cầu vốn là làng tuồng cổ nên các câu Quan họ mang âm hưởng khỏe khoắn của tuồng. Phong cách chơi Quan họ của người Thị Cầu cũng rất độc đáo và tài tử”.

398-202401091757211.jpg
Canh hát truyền thống của CLB Quan họ Thị Cầu (thành phố Bắc Ninh).

Trong lúc đang trò chuyện, cụ Cầu cao hứng diễn xướng câu “Gọi đò” chuẩn mực theo phong cách làng Thị Cầu với phần bỉ đậm chất tuồng: “Chinh ơi boòng chinh, chinh ơi boòng chinh, à uây à uây lách tách, nỉ non...”. Chúng tôi đã ngạc nhiên đến bất ngờ vì lần đầu tiên được nghe câu “Gọi đò” độc đáo như vậy! Liền anh Lê Văn Trọng, Chủ nhiệm CLB Quan họ Thị Cầu tâm sự: Bây giờ, ngoài nghệ nhân Nguyễn Văn Cầu thì lớp liền anh, liền chị chúng tôi sau này không có ai đủ hơi, đủ giọng ca được câu “Gọi đò” này nữa!”.

398-202401091757212.jpg
Kề cận tuổi 90, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Cầu vẫn mải miết với Quan họ và tâm huyết trao truyền lối chơi tài tử đặc trưng của làng Quan họ gốc Thị Cầu.

Tìm hiểu vẻ đẹp Quan họ Thị Cầu qua các công trình nghiên cứu của tác giả Trần Linh Quý được biết: Vào nửa đầu thế kỷ XX, ở Thị Cầu hình thành một lớp nghệ nhân chơi Quan họ tài tử. Nổi tiếng trong số đó là cụ Tư La. Kể rằng, từ nhỏ cậu bé La đã ham mê, bộc lộ năng khiếu âm nhạc, lên 8-9 tuổi, cậu đã say sưa đi theo phường bát âm, phường tuồng cổ và mê cả trống cổ bộ của làng. Những đêm diễn tuồng hay những dịp lễ rước rằm tháng Tám, bao giờ cậu bé La cũng đến rất sớm, chen vào ngồi sát những người chơi nhạc, tích tuồng nào cũng làm cậu “say mê đến nín thở”.

Khoảng 9-10 tuổi, cậu bé La đã có thể xướng âm bằng miệng bắt chước thanh âm giòn giã của trống cổ bộ, cả giọng kèn, giọng nhị của các tích tuồng. Với Quan họ, cậu La cũng có trí nhớ lạ lùng, 10 tuổi đã thuộc gần hết các câu Quan họ của Thị Cầu. Nhiều giai thoại, truyện kể về liền anh Tư La khi tham dự các cuộc thi hát đối đã tung ra nhiều bài độc khiến người trong giới phải thán phục. Cùng với cụ Tư La là cụ Cả Vịnh cũng bộc lộ năng khiếu ở nhiều lĩnh vực văn học, hội họa và âm nhạc.

Từ lúc còn đang là học sinh 13-14 tuổi, cụ Cả Vịnh đã được theo các anh đi nghe Quan họ và đã biết thắc mắc “Tại sao nhiều bài Quan họ cứ để ư a, ừ à rườm rà như thế? Nếu gọt bớt đi thì hay biết bao!”. Về sau, cụ Cả Vịnh và Tư La cùng kết hợp thành “sân Quan họ Tư La-Cả Vịnh”. Hai cụ đã sáng tác, “đặt câu, bẻ giọng” cho nhiều bài Quan họ mới với lối hát “bay bướm, tài hoa, xô dồn, thánh thót”, tiêu biểu như bài: Con chim thước, Lỡ duyên Chức Nữ-Ngưu Lang, Chè mạn hảo, Còn giời còn nước còn non, Gọi đò (Thị Cầu), Mười nhớ, Chia rẽ đôi nơi...

Ngoài ra, cụ Tư La và Cả Vịnh còn gọt giũa, lược bớt những ư a, ừ à rườm rà của các bài: Ngồi tựa song đào, Con chim bồ câu... để khi ca lên câu hát “xô hơn, óng hơn, bay bướm hơn”. Bên cạnh đó hai cụ cũng đặt lời đối cho các bài: Thuyền thúng, Giăng thanh gió mát... Theo nhà nghiên cứu Trần Linh Quý, vào thời kỳ 1930-1940 ở Thị Cầu còn có cụ Sáu Căn là người hát hay nổi tiếng nhất vùng. Cụ Sáu Căn hát hay đến nỗi “sân Quan họ” của cụ đến ca ở hội nào thì “cả hội dồn vào”, có những nhóm Quan họ đang ca cùng nhau cũng xin ngừng tạm để đến nghe cụ Sáu Căn-Ba Sơn ca cùng Quan họ nữ Đào Xá.

Trong ký ức của giới Quan họ nửa đầu thế kỷ XX xác nhận tiếng ca của cụ Sáu Căn là số một trong giới Quan họ. Tiếng hát ấy được miêu tả “vang như chuông, ngọt như mật đọng, rền, nền, ngân nga như rót vào tai, xoắn xuýt lấy lòng người”. Như vậy, nếu “sân Quan họ Tư La-Cả Vịnh” cống hiến cho nền văn hóa Quan họ những bài hát được gọt giũa, thăng hoa bay bướm thì “sân Quan họ Sáu Căn” lại đạt tới đỉnh cao của sự “vang, rền, nền, nảy” theo đúng lối hát truyền thống với quan niệm “ca hay không phải do sửa chữa bài ca mà ở chỗ luyện giọng, luyện hơi cho khéo”.

Tuy hai phong cách, hai quan niệm khác nhau nhưng các “sân Quan họ” Thị Cầu đều đã hun đúc nên những nghệ sĩ tiêu biểu cho nền văn hóa Quan họ. Với tài năng và niềm say mê, những “tài tử Quan họ” Thị Cầu đã mang đến những tiến bộ về mặt sáng tác ca khúc cũng như nghệ thuật ca hát, diễn xướng. Theo thời gian, những cống hiến ấy đã được cộng đồng trân trọng thừa nhận, học theo, truyền bá, gia nhập vào kho tàng Quan họ, và không ngừng được gia công, trau chuốt ngày càng hoàn mỹ để lớp lớp con cháu hôm nay ngưỡng mộ và nhắc nhớ mãi khôn nguôi.

Theo https://baobacninh.vn
Copy Link
Copy Link
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO