Bản sắc văn hóa

Lễ hội Hết Chá - Nét văn hóa đẹp kết tinh nơi rẻo cao

D. Thảo 04/01/2024 - 07:20

Hết Chá là một trong những lễ hội vô cùng quan trọng của người dân tộc Thái tại xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, Sơn La. Lễ hội không chỉ mang nét văn hóa tâm linh mà còn là dịp để bà con vùng cao thể hiện tấm lòng biết ơn trời đất, tổ tiên, những đấng sinh thành có công nuôi dưỡng, những vị thầy đã chữa hết bệnh cho mình.

Sinh hoạt văn hóa kết hợp du lịch

Lễ hội Hết Chá (kết thúc mùa ban nở), thường diễn ra từ 23-26/3 hàng năm. Với nhiều người có lẽ cái tên “Lễ hội Hết Chá” còn khá xa lạ. Theo truyền miệng kể lại, xưa kia, người Thái rất nghèo, không có tiền mua thuốc chữa bệnh, thường đến nhờ thầy mo. Thầy mo dùng mẹo và nhờ thần linh nên đã chữa được bệnh cho dân làng. Bày tỏ sự biết ơn thầy mo, nhiều người xin được làm con nuôi của ông. Từ đó, vào dịp cuối năm (vào 29, 30 Tết), con cháu lại đến tạ ơn thầy mo, nhưng thời điểm đó đang bận rộn việc Tết nên thầy mo lùi lễ tạ ơn tổ chức vào tháng 3 hàng năm... Lễ hội Hết Chá từ đó được “khai sinh”. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh sâu sắc, là lễ hội đoàn kết cộng đồng, cùng giao lưu văn hóa, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

e8c6dec1f0792d277468.jpg
Múa xòe tại lễ hội Hết Chá

Lễ hội gồm 2 phần: lễ và hội. Phần lễ là dịp để người con nuôi bày tỏ lòng thành kính với thầy mo đã chữa bệnh cho mình, mang tính nhân văn sâu sắc. Thông qua phần lễ với những tích xưa được kể và dựng lại do chính những người dân biểu diễn, người tham dự lễ hội sẽ được truyền dạy kinh nghiệm sản xuất cũng như nghe những lời răn dạy để từ đó sống với nhau tốt hơn. Điểm nổi bật của những tích trò là tính hài hước, hóm hỉnh theo lối gái giả trai, trai giả gái, làm cho người xem cảm thấy thoải mái, thư giãn, vui vẻ...

Đến phần hội là những trò diễn dân gian vui nhộn. Những bậc cao niên sẽ dạy con cháu khai hoang ruộng, tập cho trâu cày, khơi dậy nền văn minh lúa nước của đồng bào dân tộc. Trong quá trình diễn ra phần hội có đan xen một số tiết mục kịch câm dí dỏm, vui nhộn phê phán những thói hư tật xấu, khích lệ những cái hay, cái đẹp trong cuộc sống thường nhật.

Ở phần hội còn có những điệu xòe uyển chuyển, nhịp nhàng, duyên dáng quanh cây nêu hòa cùng tiếng trống, chiêng rộn rã và âm thanh chầm bổng của đội nhạc như đang mời gọi. Điệu xòe được gọi là “Xòe Chá” gồm 6 mục chủ yếu, mỗi mục gắn với một sự việc, được minh họa bằng kịch câm.

Việc tổ chức Lễ hội Hết Chá không chỉ giúp bảo tồn nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Thái trong cộng đồng các dân tộc Tây Bắc, mà còn góp phần thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với cao nguyên Mộc Châu khám phá, trải nghiệm vẻ đẹp văn hóa đặc sắc nơi đây. Lễ hội là dịp để người dân tạ ơn đất trời, tạ ơn đấng sinh thành, nuôi dưỡng… Đồng thời, lễ hội cũng là dịp đồng bào cầu nguyện một năm mưa thuận gió hòa, vạn vật phát triển, sinh sôi nảy nở, cuộc sống tươi đẹp, mùa màng tươi tốt bội thu, mọi người ấm no hạnh phúc; thể hiện ý thức gắn kết cộng đồng dân tộc Thái, cùng nhau bước vào mùa vụ mới.

Bên cạnh đó là trò chơi dân gian trong Lễ hội Hết Chá đã làm sống lại khoảnh khắc lịch sử oanh liệt của cha ông, khiến người dự càng thêm tự hào, tôn vinh giá trị văn hóa, lịch sử xa xưa. Trò chơi dân gian trong lễ hội Hết Chá có giá trị đặc biệt trong sự cố kết cộng đồng, đồng thời là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại; Là hình thức giáo dục, chuyển giao cho các thế hệ sau hiểu được công lao của tổ tiên, bày tỏ lòng tri ân công đức các vị anh hùng dân tộc, các bậc tiền bối đã có công dựng nước, giữ nước và đấu tranh giải phóng dân tộc.

Phát huy giá trị Lễ hội

Lễ hội Hết Chá của đồng báo Thái ngày nay không chỉ là dịp tạ ơn thầy thuốc, thầy mo đã cứu chữa khỏi bệnh cho dân bản, đồng thời là dịp để trai gái gặp gỡ, trò chuyện, nên duyên vợ chồng.

img_9183.jpg
Lễ hội Hết Chá là nét đặc trưng riêng của cộng đồng ở bản Áng

Để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, hằng năm, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, Sơn La tổ chức lễ hội “Hết Chá” của đồng bào dân tộc Thái tại bản Áng với nhiều hoạt động sôi nổi, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến tham quan, trải nghiệm. Địa phương còn khuyến khích phát triển các đội văn nghệ phục vụ du lịch; xây dựng “Không gian văn hóa dân tộc Thái” tại nhà văn hóa bản Áng; khu trưng bày và giới thiệu ẩm thực dân tộc Thái tại bản Búa…

Ngoài ra, cấp ủy, chi bộ xã Đông Sang còn tuyên truyền, vận động người dân trong bản tận dụng vẻ đẹp sẵn có của thiên nhiên, gìn giữ những điệu múa xòe, làn điệu dân ca, bảo tồn những ngôi nhà sàn truyền thống, món ăn đặc sản, tạo sức hút và nét đặc trưng riêng của du lịch cộng đồng ở bản Áng.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn, huyện Mộc Châu tích cực phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân các văn bản của Đảng và Nhà nước về tổ chức và quản lý lễ hội nhằm nâng cao sự hiểu biết và ý thức trách nhiệm cùng chính quyền địa phương tổ chức tốt lễ hội Hết Chá.

Để bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La tích cực tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo phục dựng các hoạt động văn hóa truyền thống và các trò chơi dân gian trong lễ hội. Tiếp tục tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và lập hồ sơ di sản các lễ nghi, lễ hội trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận, đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tổ chức lễ hội gắn với phát triển du lịch, thu hút du khách tham quan, góp phần quảng bá những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương đến bạn bè trong và ngoài tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Làm theo lời Bác Hồ dạy, đồng bào dân tộc thiểu số tích cực thi đua lao động sản xuất
Sinh thời, trong nhiều điện, thư, bài nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS): “Phải thi đua tăng gia sản xuất” (Thư gửi đồng bào Khu tự trị Thái - Mèo, ngày 7/5/1955)... để “cho mọi người được no ấm” (Thư gửi đồng bào Hòa Bình, ngày 27/11/1950).
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO