Văn hóa

Độc đáo lễ hội Pang A

Nam Hoàng 27/12/2023 - 07:50

Cứ mỗi dịp đầu xuân, khi cây măng đắng đội đất mọc lên, khi cây mạ rế trong rừng nở hoa cũng là lúc người La Ha ở các huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La của tỉnh Sơn La bắt đầu tổ chức Lễ hội Pang A - một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm của dân tộc này.

Đây không chỉ là dịp để con cháu người La Ha bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, ông bà, tri ân các vị thần cũng như các thầy lang mà còn là dịp bà con trên bản dưới mường gặp nhau giao lưu văn hóa, văn nghệ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chữa bệnh và nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống.

Cảm tạ thần linh cùng với tổ tiên

Với số dân chưa đến 10.200 người (theo điều tra năm 2019), sinh sống chủ yếu ở Sơn La, dân tộc La Ha là một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam. Đã có một thời kỳ dài, người La Ha được xếp chung với người Khơ Mú và người Thái ở Tây Bắc bởi nét tương đồng khá đậm đặc về văn hóa, phong tục tập quán cũng như trong sinh hoạt hàng ngày.

anh-bai-doc-dao-le-hoi-pang-a-1.jpg
Bà Quàng Thị Tói: “Lễ hội Pang A là dịp để đồng bào cảm tạ, tri ân thần linh cũng như các thầy lang”

Trước kia, khu vực các xã Nậm Giôn, Liệp Tè, Nậm Ét, Mường Trai, Chiềng Lao… là địa bàn có đông người La Ha cư trú vẫn còn nhiều rừng rậm, canh tác chủ yếu là làm nương, còn ngày nay, hầu hết đồng bào tập trung ở ba xã Nặm Giôn, Nặm Păm và Pi Toong thuộc huyện Mường La và xã Noong Lay, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.

Theo tài liệu chữ Thái cổ thì vào thế kỷ XI, XII khi người Thái Ðen thiên di tới vùng đất Tây Bắc, họ đã gặp tổ tiên của người La Ha hiện nay. Chính vì vậy, khi làm lễ cúng Mường, người Thái vẫn còn tục đặt cỗ “trâu trắng” để tế thần Im Poi – một thủ lĩnh nổi tiếng của người La Ha vào đầu thế kỷ XI. Tuy có mặt ở Tây Bắc còn trước cả người Thái, nhưng người La Hay không dệt vải, chỉ trồng bông và đem bông trao đổi với người Thái lấy vải mặc.

Tuy nhỏ bé là vậy, nhưng người La Ha vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc, từ kiến trúc, ẩm thực, trang phục cho đến các phong tục tập quán trong sinh hoạt thường nhật. Điều đó được thể hiện rất rõ nét qua các lễ hội. Mà mỗi lễ hội của người La Ha không chỉ thể thiện tín ngưỡng thờ cúng, bày tỏ lòng biết ơn với ông bà tổ tiên của họ, mà còn làm đa dạng thêm cho bức tranh văn hóa dân tộc bằng những nét chấm phá, hấp dẫn, độc đáo rất riêng biệt.

Trong các lễ hội của người La Ha, đặc biệt nhất phải nói đến Lễ hội Pang A, diễn ra vào dịp đầu năm. Đây là dịp để đồng bào cảm tạ, tri ân thần linh cũng như các thầy lang vì đã có công chăm lo cho sức khỏe của cộng đồng, đồng thời bày tỏ ước muốn về sự phát triển, trường tồn của nòi giống; cầu cho mùa màng tươi tốt, cầu sức khỏe, may mắn.

Theo lời người già La Ha thì lễ hội này được hình thành từ hàng trăm năm trước và cũng bắt nguồn từ thực tiễn cuộc sống hàng ngày. Người La Ha quan niệm có nhiều loại ma, ma lành giúp ích cho con người, ma dữ gieo rắc tai họa, bệnh tật, vì vậy phải nhờ các thầy mo cúng nhờ âm binh gọi hồn về để cho con người khỏe mạnh. Khi chữa khỏi bệnh, thầy cúng nhận người bệnh làm con nuôi.

Hàng năm, thầy cúng tổ chức Lễ hội Pang A để mời lực lượng âm binh về hưởng lộc, cầu mong họ phù hộ cho dân bản, các con nuôi được khỏe mạnh, không mắc bệnh tật. Trong dịp này, các con nuôi có dịp tạ ơn thầy cúng và các âm binh đã chữa khỏi bệnh cho mình, cầu mong thầy cúng khỏe mạnh, sống lâu để giúp cho dân bản chữa bệnh.

Các con nuôi sắm mâm lễ vật, gồm có: 1 con lợn, 1 con sóc hun khói, 1 con gà luộc, cá, tôm, cua, bánh chưng, chuối xanh, mía, nõn cây chuối rừng, lá đu đủ, khoai sọ, quả đu đủ luộc, măng đắng, rượu trắng, rượu cần, gạo nếp, thóc... Mâm lễ vật này tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và tình hình bệnh tật của mỗi người mà sắm lễ vật, tuy nhiên nếu người nào bị bệnh nặng thì mâm lễ phải có 1 con sóc khô, 1 chai rượu trắng, 1 chum rượu cần, 1 bát gạo và 1 quả trứng.

Một lý giải khác về nguồn gốc lễ hội Pang A là bởi xưa kia, cuộc sống của người La Ha vô cùng khó khăn, vất vả, quanh năm bị đói nghèo đeo bám. Rồi mỗi khi đổ bệnh, từ bệnh nhẹ đến bệnh nặng, đồng bào chỉ biết trông cậy vào thầy lang. Bài thuốc của các thầy chủ yếu được thu hái từ rừng, trong đó có hai loại cây là cây măng vầu đắng và cây mạ rế. Mùa xuân cũng là mùa cây măng vầu đắng đội đất mọc lên và cây mạ rế bắt đầu nở hoa vàng đỏ. Đó là lúc các thầy lang lội rừng bất kể ngày đêm đi thu hái hai loại “kỳ hoa dị thảo” này về chế thuốc.

anh-bai-doc-dao-le-hoi-pang-a-2.jpg
Chuẩn bị đồ cúng lễ

“Chính vì muốn tỏ lòng cảm tạ, tri ân các thầy lang đã có công vì sức khỏe cộng đồng, thế nên người La Ha mới có phong tục tổ chức Lễ hội Pang A, tức là dâng hoa măng. Đây cũng là dịp các thầy lang ngồi lại, trao đổi kinh nghiệm khám chữa bệnh, rồi truyền lại cho dân bản, giúp đồng bào hiểu biết hơn, từ đó biết cách phòng bệnh cho mình cũng như người thân trong gia đình, dòng họ.

Và do Lễ hội được tổ chức vào dịp đầu xuân năm mới, nên việc nương rẫy chưa nhiều, bà con bản dưới mường trên có điều kiện gặp nhau giao lưu văn hóa, văn nghệ, cùng nhau gìn giữ vốn văn hóa dân tộc, và tiếp nhận nền văn hóa các dân tộc anh em khác trên địa bàn”, bà Quàng Thị Tói, ở xã Pi Tong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, chia sẻ.

Tri ân các thầy lang

Cũng theo bà Tói thì Lễ hội Pang A gồm có hai phần: Phần lễ và phần hội. Trải qua bao thăng trầm, biến cố, các phần lễ và hội vẫn tồn tại và gần như được giữ nguyên cho đến ngày nay. Trong đó, phần lễ là để cảm tạ trời đất, tổ tiên, sông núi luôn phù hộ cho con cháu ăn nên làm ra; còn phần hội thì sôi nổi, vui vẻ. Tuy còn một số mặt hạn chế, nhưng về cơ bản lễ hội vẫn thể hiện được những nét phong tục, văn hóa, tín ngưỡng rất riêng biệt, khác hẳn với lễ hội của các dân tộc anh em khác trên địa bàn.

Có một điều đặc biệt là trong khi những lễ hội khác thường được tổ chức hoặc diễn ra ở những nơi thoáng đãng, rộng rãi thì Lễ hội Pang A nhất thiết phải được tổ chức ở trong nhà, thường là tại nhà của thầy lang (hoặc thầy mo, thầy cúng). Thầy lang là người chủ trì, chuẩn bị ngày hội và thông báo với làng bản, chính quyền. Lễ vật cúng thần linh cũng rất phong phú. Đó là các loại con vật sống, các loại hoa rừng trang trí và các dụng cụ cần thiết khác như cây móc, cây chuối rừng để dựng cây nêu cúng giữa nhà, gạo và trứng gà…

Khi bắt đầu vào cúng mời các thần, người phụ lễ thổi pí-sên, một loại sáo cúng, để hòa quyện với lời hát cúng, cho lời hát mau đến với các vị thần, để họ che chở cho người La Ha được trường tồn, có sức mạnh như Thần Hổ - chúa Sơn Lâm để thắng mọi dã thú.

la-ha.jpg.png
Điệu múa "Tăng bu" của người La Ha

“Người La Ha quan niệm con nhím là thần đất, phải cúng nó để gây cảm tình, để nó không phá cắn lúa; phải mời về ăn nó sẽ bảo vệ thành quả lao động của mình, sống lâu, vững chắc như tảng đá lớn; con chim cu gáy là thần của các loài chim hay ăn lúa trên nương nên cũng phải cúng, để bảo vệ lúa nương cho mình. Cuối cùng là cúng con ma cang cói, để nó không quấy rầy sức khỏe nhân dân”, bà Tói giảng giải.

Cúng các thần xong, thầy lang và người phụ lễ biểu diễn các trò mà ông đã chữa khỏi cho bệnh nhân. Khi thì buộc cái bát ăn cơm vào cổ, giả làm người bị bướu cổ, khi làm người què chân, người ngớ ngẩn, lúc vào vai người đi coi nương vung cây sào, hú đuổi lũ chim, sóc… Cuối cùng là giả làm con khỉ bò quanh cây móc giữa nhà, vừa bò, vừa kêu chí chóe, mắt đảo nhìn rất nhanh, để tìm hoa, ngô, chuối…

Sau khi màn độc diễn của thầy lang kết thúc, trai gái trong bản đứng sắp hàng ngang hai bên cây nêu vào màn múa “tăng bu”. Đạo cụ chỉ là 1 ống tre trổ xuống tấm ván theo nhịp “chát chát”, tay lúc vung ra sau, khi thì 2 tay cầm ống tre nghiêng sang bên trái, nghiêng sang bên phải, múa say sưa, phụ nữ múa mềm dẻo, khỏe khoắn, linh hoạt.

Sau “tăng bu” là các điệu múa cày bừa, cầu mưa, múa khăn, múa kiếm, múa trống. Cuối cùng là điệu múa “A sừng lừng”, một điệu múa độc đáo mang nét văn hóa phồn thực. Bà Quàng Thị Tói kể: “Xuất phát từ thực tiễn cuộc sống quá nghèo thuở xưa, nạn hữu sinh vô dưỡng phổ biến, khiến người La Ha nghĩ ra phải thờ vị thần sinh thực khí nam – tức Linga – là vị thần uy lực và đáng sợ nhất - để hy vọng người La Ha con đàn cháu đống, mẹ tròn con vuông”.

Cũng theo bà Tói thì từ xa xưa, người La Ha đã tin rằng: Con người muốn duy trì nòi giống, bảo tồn sự hiện diện của mình trong thế giới này thì cần sinh sản, nhân giống nhiều hơn. Mà lẽ tự nhiên để có “con đàn cháu đống” thì phải có sự quan hệ tính dục giữa người nam và người nữ. “Hành động giao hoan của con người sẽ có sự cảm ứng và lan truyền sang muôn loài khiến cho vật nuôi, cây trồng được phồn sinh, cho ra thật nhiều hoa trái và gia súc”, bà Tói lý giải.

anh-bai-doc-dao-le-hoi-pang-a-3.jpg
Thiếu nữ La Ha trình diễn điệu múa khăn truyền thống

Có lẽ, ngoài tục thờ “Thần dương vật”, một dấu ấn đậm nét nữa trong đời sống của người La Ha đó là dấu vết thị tộc vẫn còn với vai trò của tộc trưởng cùng với việc đề cao lối sống cộng đồng. Chính vì thế nên dù có bị chia làm hai nhóm địa phương, gồm: “La Ha cạn” và “La Ha nước”, dù sống ở cách xa nhau, nhưng cộng đồng người La Ha vẫn gắn bó với nhau khá chặt chẽ.

Và dẫu có sự giao thoa tiếp biến văn hoá với một số các dân tộc khác cùng sinh sống trên địa bàn, song quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan của người La Ha cũng có nhiều sắc thái riêng biệt do đã được đúc kết, tích tụ một thời gian dài. Sự đồng nhất và dị biệt ấy đã hòa quyện để tạo thành sự thống nhất trong đa dạng của nền văn hoá Việt Nam nói chung và các dân tộc thiểu số miền núi Tây Bắc nói riêng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO