Xín Mần, huyện phía tây của tỉnh Hà Giang, nơi lưu giữ giá trị lịch sử, văn hoá truyền thống vô cùng phong phú và độc đáo của 16 dân tộc. Mỗi dân tộc mang một nét văn hóa đặc trưng riêng, tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Lễ hội cầu mùa là một nét văn hóa đặc sắc của người Dao đỏ huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Đây là lễ hội được duy trì bao đời nay và trở thành bản sắc văn hóa của cộng đông người Dao.
Lễ hội cầu mùa của người Dao đỏ ở huyện Xín Mần, Hà Giang thường được tổ chức từ tháng 10 âm lịch năm cũ đến tháng 2 âm lịch của năm mới. Mỗi gia đình trong dòng họ sẽ cử đại diện một người tham gia lễ hội cầu mùa để mang may mắn về cho gia đình. Người Dao luôn tin rằng với sự thành kính của mình, trời và thần linh, tổ tiên sẽ luôn ban cho họ những vụ mùa tươi tốt, mưa thuận gió hòa. Đối với họ, niềm tin luôn đặt ở thần linh, thần rừng và ông trời, nếu họ thành kính, luôn dâng lễ vật cúng và cầu xin thì mọi điều họ muốn sẽ thành sự thực.
Với nghi lễ đơn giản nhưng trang trọng. Cùng với thời gian nhiều nghi thức trong nghi lễ Cầu mùa của người Dao được giản lược cho phù hợp với đời sống hiện tại. Song, nghi lễ này vẫn được các thế hệ trong gia đình của người Dao tổ chức thường xuyên và trao truyền cho nhau.
Theo phong tục, lễ vật dâng cúng thần linh trong lễ cầu mùa rất quan trọng và phải được chuẩn bị chu đáo. Đồ lễ và vật dụng mà gia chủ chuẩn bị bao gồm: lợn 2 con, gà 2 con, vòng giải hạn 1 cái, vải đỏ 4 mét, hương 2 bó to, gạo tẻ 3kg, bát nhỏ 6 cái, bát to 3 cái, chén 18 cái, rượu 3 chai, bánh trưng 12 cái, giấy màu các loại 20 tờ, tiền mặt 1.700.000₫, tiền giấy, 6 mét vải trắng, 1 bó bông lúa, 1 bó ngô, 1 cây trúc.
Thầy Tào, thầy mo chuẩn bị đồ làm lễ gồm: Tranh thờ, tù và (sừng trâu), quần áo, chiêng, chũm chọe, chuông, trống, kèn Pí lè, sớ cầu trời, sách cúng - kiếm.
Sau khi chuẩn bị xong các lễ vật, đại diện dòng họ mời thầy Tào, thầy mo đến và chuẩn bị nước tắm cho các thầy. Sau khi tắm xong, thầy Tào, thầy mo mang tranh thờ ra treo, người đại diện dòng họ mang lễ vật bày trước bàn thờ.
Đại diện dòng họ dâng rượu các thầy, sau đó các thầy đọc bài cúng mời Ngọc Hoàng, sư phụ, thổ công, thổ địa, thần núi, thần rừng, ông bà tổ tiên về chứng giám.
Sau đó thầy cúng là người có uy tín nhất trong bản sẽ là chủ tế thực hiện các nghi thức dâng cúng lễ vật mà gia đình trong bản đóng góp để báo với tổ tiên cúng thổ công, long đất và những vị thần núi, thần rừng bao quanh làng.
Hôm nay ngày lành tháng tốt, chúng con dâng lễ vật cúng dâng lên Ngọc Hoàng, Thần linh chứng giám cho tấm lòng của bà con dân bản. Chúng con cầu cho mưa thuận gió hòa để có nước cho vạn vật nảy nở, cây lúa sinh sôi. Cầu thần linh bảo vệ mùa màng để lúa chín vàng, bông mẩy hạt. Trồng lúa nếu có sâu bọ có chim chuột đến phá mong Ngọc Hoàng, thần linh hãy đuổi chúng đi phù hộ cho cây lúa tốt tươi, che chở cho con cháu được bình an, mạnh khỏe, no đủ, con trâu, con bò, lợn, gà nhanh lớn không bị dịch bệnh.
Sau khi cúng xong thầy cúng sẽ thổi sừng trâu rồi vái ba vái và đốt giấy bạc gửi cho Ngọc Hoàng, thần linh với ý nghĩa cảm tạ và tiễn thần Linh Ngọc Hoàng về trời.
Sau khi các thầy cúng xong phần lễ thì mọi người sẽ cùng nhau thổi kèn Pi lè, đánh trống, múa chuông để xua đuổi tà ma, ác thú và những điều không may mắn của năm cũ và cùng nhau múa trống, chiêng để cầu tài, cầu lộc, gia súc gia cầm mau về với với gia đình dòng họ và bản làng.
Sau khi gần kết thúc lễ cúng, nhà bếp mổ con lợn thứ 2 để thầy Tào, thầy mo cúng trả lễ cho Ngọc Hoàng, sư phụ, thổ công, thổ địa, thần núi, thần rừng, ông bà tổ tiên. Sau khi các thầy cúng xong thì hạ lễ và tổ chức ăn uống.
Trong lễ cầu mùa của người Dao cũng có những hoạt động văn hóa văn nghệ được xen kẽ để không khí vui nhộn hơn. Các trò chơi dân gian đặc sắc như kéo co, đẩy gậy, ném còn. Lễ hội cầu mùa không chỉ có ý nghĩa cầu may mắn, mưa thuận gió hòa cho vụ mùa mới mà còn là điều kiện để mọi người trong bản đoàn kết, gắn bó và giao lưu với nhau.