Đời sống xã hội

Người Mường ở Bá Thước phát triển du lịch trên nền tảng lễ hội

Thanh Phương 29/12/2023 - 11:30

Trong thời đại công nghệ mở, nhiều lễ hội có nguồn gốc từ xa xưa được phục dựng, quảng bá, giới thiệu trên nền tảng số để thu hút, phát triển du lịch. Người Mường ở Bá Thước (Thanh Hóa) đang phát huy rất tốt lễ hội Mường Khô, giới thiệu nét văn háo độc đáo của người Mường đồng thời tạo sinh kế mới, thu nhập ổn định cho người dân.

Bá Thước là huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, trung tâm huyện lỵ cách thành phố Thanh Hóa khoảng 120 km về phía Bắc Tây bắc, có diện tích tự nhiên 7.522,02 ha, gồm 22 xã và 01 thị trấn. Hệ thống giao thông chưa phát triển do địa hình bị chia cắt mạnh, gây cản trở lớn đến việc giao lưu kinh tế giữa các xã trong huyện và các huyện lân cận.

Bá Thước là nơi sinh sống của ba dân tộc: Thái, Mường, Kinh, trong đó Thái, Mường là chủ yếu. Hai tộc người này thuộc hai ngữ hệ khác nhau, nhưng do điều kiện môi trường sinh sống, làm ăn có nhiều điểm giống nhau và mối quan hệ khăng khít bền chặt hai dân tộc đã diễm ra sự giao thoa, hòa nhập văn hóa nên trong văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của hai tộc người có khá nhiều điểm giống nhau.

img_6049.jpeg
Lễ hội Mường Khô

Vào ngày mùng 10 tháng Giêng (âm lịch) hằng năm, tại làng Muỗng Do, xã Điền Trung, huyện Bá Thước và các vùng lân cận, Lễ hội Mường Khô lại được đồng bào Mường tổ chức với ý nghĩa để tri ân Quận công Hà Công Thái và các vị tướng dòng họ Hà đã có công dẹp loạn ở vùng biên giới phía Tây tỉnh Thanh Hóa vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, đồng thời cầu cho nhân khang, vật thịnh, mùa màng tươi tốt, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở.

img_6050.jpeg
Phát triển nét đẹp văn hóa dân tộc với du lịch cộng đồng

Lễ hội được những người có uy tín trong làng và nhân dân trong Mường chuẩn bị chu đáo với những đồ lễ tế như: trâu, lợn, gà, cá, bánh chưng, rượu, gạo, hoa quả… được sắp thành 18 mâm cỗ (10 mâm cỗ mặn, 2 mâm bánh chưng và 6 mâm ngũ quả).

Khi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, người dân Mường Khô chọn giờ đẹp tiến hành nghi lễ rước kiệu ra Chùa Mèo-nơi thờ tự tổ tiên của dòng họ Hà Công. Dẫn đầu đoàn rước là đội cồng, chiêng vừa đi vừa diễn tấu, sau là chấp kích, bát bửu, kiệu long đình có lọng che.

img_6051.jpeg
Cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất

Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi như: Dâng hương tri ân công lao của Quận công Hà Công Thái, rước kiệu, biểu diễn cồng chiêng và các hoạt động văn hóa-thể thao nhằm thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương tham gia, như đua thuyền, đánh mẳng, tung còn, chọi gà... Tại Lễ hội dàn hợp xướng với 260 chiếc cồng chiêng do 260 phụ nữ dân tộc Mường trong trang phục truyền thống cùng tham gia diễn xướng vang vọng núi rừng, tạo nên nét độc đáo, bản sắc, hấp dẫn của Lễ hội Mường Khô.

Tiếng cồng chiêng trong Lễ hội Mường Khô thể hiện sức mạnh và khát vọng của bà con xứ Mường. Không những vậy, Lễ hội Mường Khô còn có những gian hàng của ngon, vật lạ, cây trái trong vườn mang ra chợ bày bán. Đối với những khách từ xa đến, bà con sẵn sàng biếu tặng các sản vật, thể hiện lòng hiếu khách cũng như cầu mong may mắn đến gia đình mình.

img_6052.jpeg
Bá Thước từng bước thoát nghèo

Trao đổi với PV, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Bá Thước Trương Văn Minh cho biết: Lễ hội Mường Khô lúc đầu chỉ là việc thờ cúng của một gia đình, một dòng họ, sau này trở thành lễ hội lớn của cả một vùng, thể hiện nét đẹp trong đời sống tình cảm, tâm linh của đồng bào dân tộc Mường ở vùng cao xứ Thanh. Đối với mỗi gia đình xứ Mường thì dịp này cũng giống như bà con được ăn một cái Tết lại.

Những nét văn hóa truyền thống đặc sắc từ sinh hoạt cộng đồng, lao động sản xuất, giao tiếp ứng xử của người Thái và người Mường trên địa bàn huyện Bá Thước đã và đang tiếp tục vun đắp nên những nét đẹp trong phong tục tập quán, tín ngưỡng. Thông qua các lễ hội, những giá trị văn hóa độc đáo từ trang phục truyền thống, không gian văn hóa chợ Phố Đòn, văn hóa ẩm thực, giao tiếp ứng xử, cưới xin, tang ma đến những điệu khặp, điệu xòe, những lời hát giao duyên thấm đẫm tình người, tình yêu đôi lứa; các trò chơi, trò diễn dân gian, các môn thể thao dân tộc như bắn nỏ, tung còn giao duyên, đẩy gậy, kéo co... gián tiếp được bảo tồn và phát huy giá trị; đồng thời cũng là dịp truyền dạy lại cho các thế hệ con cháu hiểu hơn về bản sắc dân tộc mình.

Bá Thước đang phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc. Cùng với đó, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tạo sinh kế cho người dân, thay đổi tư duy, tự ti đã bao đời kìm nén. Với những thách thức từ thực tế này, buộc Đảng bộ và chính quyền địa phương linh hoạt, sáng tạo, đoàn kết hơn trong quá trình triển khai Chương trình.

Đến nay, kết quả giảm số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều Quốc gia trong giai đoạn 2021- 2023 là 7.334 hộ, đạt 57,67% so với cả giai đoạn năm 2021 - 2025. Trong đó: Năm 2022 giảm: 3.756 hộ đạt 29,49%; Ước thực hiện năm 2023 giảm 3.588 hộ đạt 28,18%.

Huyện cũng đang phấn đấu 2 năm 2024 và 2025, giảm số hộ nghèo và hộ cận nghèo là 5.400 hộ (giảm 42,33%) để đạt chỉ tiêu. Dự kiến 02/02 chỉ tiêu của Chương trình MTQG giảm nghèo trên địa bàn huyện đến năm 2025, sẽ đạt kế hoạch đề ra và Bá Thước sẽ thoát khỏi huyện nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO