Đà Loan là xã vùng xa của huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, trước đây, cuộc sống của người dân vốn nhiều khó khăn. Vậy nhưng hôm nay, Đà Loan đã đổi khác, với sự đồng lòng nhất trí của người dân, sự lãnh, chỉ đạo sâu sát của chính quyền địa phương, đời sống của người dân đã từng bước thay đổi theo hướng tích cực. Đà Loan hôm nay, cuộc sống ấm no đã hiện diện, vùng đất khó đã “lột xác” để vươn mình trở thành vùng quê trù phú với những thành tựu bất ngờ.
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao của người dân Đà Loan |
Đà Loan những ngày đầu xuân mới, nắng ươm vàng như rót mật. Không khí làm việc của hệ thống chính quyền cũng như người dân nơi đây đều khẩn trương và hối hả. Những cánh đồng dâu, rau, hoa nhà lưới, nhà kính của người nông dân đang hứa hẹn một mùa bội thu.
Dù người lạc quan nhất cũng khó có thể hình dung được sự đổi thay vượt bậc của người dân xã Đà Loan. Bởi cách đây chưa lâu, địa phương này vẫn nằm trong diện khô, khó, khổ của huyện Đức Trọng. Đời sống người dân nghèo từ trong tư tưởng nghèo ra.
Người dân ngày ấy suy nghĩ còn đơn giản, đất có, người có nhưng trình độ khoa học kĩ thuật còn hạn chế. Việc nuôi con gì, trồng cây gì cứ mãi luẩn quẩn trong suy nghĩ của họ. Nhiều nông dân chịu thương chịu khó, nhưng cuộc sống cũng dừng lại mức đắp đổi qua ngày, tiết kiệm lắm thì cũng đủ sống, cơm ngày 3 bữa, lửa đỏ ngày 3 lần mà thôi.
Vùng đất Đà Loan ngày trước do một số dân cư từ Đà Lạt xuống đây khai hoang, lập ấp. Người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng dâu, nuôi tằm và canh tác cà phê. Vậy nhưng nghề "ăn cơm đứng" vất vả. Kén tằm không ai mua, đường sá khó khăn nên việc vận chuyển cà phê, bán kén tằm thực sự là trở ngại lớn khiến cho đời sống người dân chưa có lối thoát ra khỏi sự nghèo túng.
Anh Vũ Mạnh Hồng, thôn Đà Giang, xã Đà Loan nhớ lại: Nghề trồng dâu, nuôi tằm gắn bó với gia đình anh từ năm 1985. Là người gốc Đà Lạt, về Đà Loan định cư, ngày đó, nghề trồng dâu, nuôi tằm như một chiếc “phao cứu sinh” đối với gia đình anh, tuy nhiên những khó khăn của nghề này là thử thách với người nông dân: “Ngày xưa, từ Đà Lạt xuống đây, gia đình tôi đã gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm. Để sống được với nghề này là cả một vấn đề. Kỹ thuật chưa cao, giống tằm chất lượng thấp. Nuôi tằm vất vả lắm".
Vất vả, khó khăn của nghề trồng dâu, nuôi tằm nói riêng và của nghề nông nói chung tại xã Đà Loan là câu chuyện của ngày xưa còn bây giờ thì đã khác. Chuyện ngày xưa là câu chuyện buồn về hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, vùng đất bạc màu nên người dân chỉ biết đến cây cà phê, cây dâu, cây lúa nhưng cũng năm được năm mất, người dân lo miếng ăn còn khó huống gì nói chuyện làm giàu. Vậy nhưng hôm nay, vùng đất Đà Loan đã “đổi màu”, sự đủ đầy, ấm no dần hiện hữu, màu xanh của cà phê, của cà chua, ớt chuông, của nông nghiệp công nghệ cao đã lan tỏa khắp các thôn, buôn tại địa phương.
Được thành lập từ năm 1977, toàn xã Đà Loan có 11 thôn, trong đó có 3 thôn đồng bào dân tộc thiểu số, dân số của xã là 13 ngàn người. Tại Đà Loan, những mô hình nông nghiệp công nghệ cao không còn xa lạ đối với người nông dân nơi đây nữa. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi đã được người dân tiến hành thuần thục.
Tiêu biểu phải nhắc đến mô hình nông nghiệp công nghệ cao của nhà nông Chu Văn Thời với cây cà chua là chủ lực; ông Phạm Công Đắc đã đầu tư 1,5 tỷ đồng để làm nhà kính trồng dưa leo, ớt chuông và cà chua; mô hình trồng dâu, nuôi tằm của ông Nguyễn Văn Quyến, thôn Đà Thuận…
Hiện, tổng diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao tại địa bàn xã Đà Loan là 722.12 ha, trong đó nhà lưới 16,83 ha, nhà kính 67,27 ha; tưới phun tự động, phủ màng polyme 638 ha, tăng 14,31 ha so với năm 2022.
Để tạo sự thuận lợi cho người dân trong việc đi lại, giao thương hàng hóa, năm 2023, xã Đà Loan đã triển khai thi công 3 tuyến đường giao thông nông thôn, bao gồm: đường Đà An dãy 2, đường Đà Thuận nhánh 2, đường Đà Thuận... Tỷ lệ đường giao thông trên toàn xã đến nay đã đạt trên 90% bê tông hóa.
Đi trên những con đường được rải bê tông phẳng lì, chúng tôi cảm nhận được sức sống mới đang hiện về nơi vùng đất Đà Loan vốn gian khổ một thời. Kết quả rà soát năm 2023, xã Đà Loan đạt các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Công tác tạo việc làm và giải quyết việc làm cho người lao động luôn được UBND xã quan tâm. Cuối năm 2023, số hộ nghèo trên địa bàn xã giảm 24 hộ, hiện nay còn 47 hộ nghèo, giảm 0,86% so với đầu năm 2023. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 56 triệu đồng/người/năm.
Bên cạnh các chỉ tiêu về kinh tế, xã Đà Loan đã có những gam màu mới trên lĩnh vực văn hóa xã hội, tỷ lệ Bảo hiểm y tế đến nay đạt 88,7%, tỉ lệ học sinh mẫu giáo, tiểu học duy trì sĩ số đạt 100%, trung học cơ sở đạt trên 99%. 100% trường học trên địa bàn xã đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Ngoài ra, các hoạt động văn hóa, thể thao, quốc phòng, an ninh được chú trọng giữ vững và đạt nhiều kết quả khởi sắc.
Rõ ràng thành tích đạt được là không thể phủ nhận, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Đà Loan đã nâng cao nhưng khó khăn cũng không phải là đã hết. Để khắc phục những khó khăn, tồn tại trong lĩnh vực nông thôn mới, các tiêu chí chưa đạt được, chính quyền xã Đà Loan đã kịp thời đề ra những chủ trương nhất quán.
Vấn đề này được đồng chí Nguyễn Công Hiệp - Bí thư Đảng ủy xã Đà Loan nhấn mạnh: “Có nhiều biện pháp mà xã phải thực hiện trong năm 2024 này nhưng để thu nhập bình quân đầu người đạt từ 60 triệu đồng/người/năm và giá trị sản xuất bình quân/ha đạt 255 triệu đồng/ha canh tác/năm thì chúng tôi chú trọng thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao, nông nghiệp hữu cơ. Quan tâm hỗ trợ và thành lập mới các tổ hợp tác. Bên cạnh đó, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, chương trình mục tiêu để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách”.
Như vậy, nỗ lực của hệ thống chính trị đã có, đổi thay cũng đã nhiều, vùng đất khó Đà Loan năm xưa đã “đổi màu” với sự no ấm, đủ đầy. Mong rằng năm mới với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao, mục tiêu đưa Đà Loan vượt khó, thoát nghèo, trở thành “miền quê đáng sống” không phải là điều quá xa vời trong tương lai.