Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng thời gian qua được hệ thống thư viện trên địa bàn Đồng Nai quan tâm. Mặc dù còn nhiều khó khăn song đã có những chuyển động mạnh mẽ và nhiều điểm sáng.
Thư viện H.Long Thành phục vụ lưu động năm 2024 tại Trung tâm Văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng xã Bình Sơn. Ảnh: NVCC |
Đặc biệt, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12-12-2023 về Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững, trong đó có nội dung nhằm phát triển văn hóa đọc. Đây là cơ sở để Đồng Nai đẩy mạnh phát triển thư viện, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.
Tích cực đưa sách đến cộng đồng
Theo Giám đốc Thư viện tỉnh Nguyễn Ngọc Thành, hiện số lượng bạn đọc không còn đến thư viện nhiều như trước đây mà thư viện phải tìm người đọc. Hàng năm, Thư viện tỉnh đẩy mạnh thực hiện luân chuyển sách về cơ sở với gần 80 địa chỉ trên địa bàn tỉnh. Trong đó có hỗ trợ luân chuyển sách cho những tủ sách gia đình, tủ sách cộng đồng ở nhiều khu vực mà việc đi lại còn khó khăn, nằm xa khu dân cư, như các xã: Mã Đà, Phú Lý (H.Vĩnh Cửu), Lang Minh (H.Xuân Lộc)…
“Song song với các hoạt động phục vụ bạn đọc theo cách truyền thống, thời gian qua thư viện đã và đang tiến hành nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ số, đem lại nhiều dịch vụ tiện ích cho bạn đọc. Trong năm 2024, Thư viện tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động phát triển kỹ năng đọc cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 9. Cụ thể, trưng bày và phục vụ đọc tại chỗ; hướng dẫn các kỹ năng đọc sách, kỹ năng làm việc nhóm; các chương trình hoạt náo… Qua đó duy trì và phát triển văn hóa đọc cho thanh thiếu nhi” - ông Thành cho hay.
Hiện nguồn tài nguyên số của Thư viện tỉnh có hơn 16 ngàn tài liệu, tạp chí, bản đồ số hóa và 12 ngàn e-book. Thư viện các huyện, thành phố sở hữu hơn 6 ngàn tài liệu số hóa các loại. Việc ứng dựng cộng nghệ số vào hoạt động thư viện như: tra cứu thư mục trực tuyến, đọc trực tuyến, quét mã QR…, giúp bạn đọc tiếp cận nguồn tài nguyên của thư viện nhanh chóng, hiệu quả. |
Hệ thống thư viện cấp huyện, thành phố là thiết chế văn hóa cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc đưa sách, báo đến với người dân, nhất là khu vực nông thôn, vùng xa trung tâm. Các hoạt động đưa sách đến cộng đồng, phát triển văn hóa đọc góp phần giúp người dân bổ sung, cập nhật thêm các thông tin, kiến thức, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần.
Chị Cao Thị Bảo Trung, cán bộ Thư viện H.Long Thành cho biết, ngay từ đầu năm, Thư viện huyện đã đẩy mạnh đưa sách về cơ sở, phục vụ cộng đồng. Với chủ đề: Sách là người bạn của thanh niên, thư viện đã tổ chức đợt xếp sách nghệ thuật, trưng bày và giới thiệu các đầu sách dành cho đối tượng học sinh, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn. Trong đó chú trọng các sách dành cho các thanh niên, tân binh tham gia nghĩa vụ quân sự.
Cần nhân rộng những cách làm hay
Theo Sở VH-TTDL, thời gian qua, Thư viện tỉnh đã tham mưu cho Sở VH-TTDL đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương xây dựng Đề án Chuyển đổi số Thư viện tỉnh Đồng Nai. Trong năm 2023, Thư viện tỉnh đã xây dựng bảng khái toán kinh phí thực hiện đề án giai đoạn từ nay đến năm 2025, định hướng 2030. Công tác số hóa tài liệu được Thư viện tỉnh đẩy mạnh. Trong 2 năm (2022-2023) đã số hóa 190 tên sách (55 ngàn trang) tài liệu địa chí số, đưa vào hệ thống máy chủ phục vụ bạn đọc trên môi trường mạng.
Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình cho biết, năm 2023, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI đã ban hành Nghị Quyết số 12-NQ/TU thể hiện quyết tâm chính trị cao và sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với lĩnh vực văn hóa.
“Trong Nghị quyết có nội dung: Quy hoạch đồng bộ và xây dựng mới Thư viện tỉnh đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai. Đầu tư, khai thác, phát huy các nguồn lực phát triển văn hóa đọc, góp phần khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng; khẳng định, tôn vinh giá trị của sách trong đời sống tinh thần của nhân dân… Đây chính là cơ sở để Đồng Nai đẩy mạnh phát triển thư viện, tiếp lửa cho văn hóa đọc” - Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc với Liên hiệp Thư viện khu vực miền Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ ở Đồng Nai vừa qua, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VH-TTDL) Kiều Thúy Nga khẳng định, việc tổ chức, xây dựng, phát triển hệ thống thư viện góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng con người, vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Vì vậy, địa phương cần quan tâm đến công tác thư viện, phát huy các sáng kiến xây dựng thư viện công cộng, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt để lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.
Cùng với hệ thống thư viện, tại các địa phương đã và đang thực hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng các mô hình học tập, phát triển văn hóa đọc. Trong đó mô hình gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị học tập ngày càng được nhân rộng. Riêng mô hình công dân học tập, trong năm 2023 có hơn 243 ngàn công dân đăng ký qua bộ công cụ và 174 ngàn công dân đăng ký bằng bản giấy. |