Văn hóa

Châu Mạ - Bí ẩn một tộc người

Huyền Thương 29/02/2024 - 08:53

Người Mạ, hay còn gọi là Châu Mạ, là một trong những dân tộc sinh sống lâu đời nhất ở Tây Nguyên. Tuy đã trải qua nhiều biến đổi của lịch sử, song dân tộc này vẫn lưu giữ được nhiều phong tục, tập quán cũng như những nét văn hóa hết sức đặc sắc.

Trang phục đặc sắc

Theo số liệu của cuộc điều tra dân số vào năm 2019, dân tộc Mạ, hay còn gọi là Châu Mạ, Chô Mạ, Chê Mạ, có khoảng trên 50 nghìn người. Họ sinh sống chủ yếu ở các huyện Bảo Lâm, Bảo Lộc, Đạ Huoai, Đức Trọng và Di Linh của tỉnh Lâm Đồng, một phần ở tỉnh Bình Phước và Đồng Nai.

anh-bai-chau-ma-bi-an-mot-toc-nguoi-1.jpg
Nghệ nhân H’Bạch: “Ngày xưa, con gái Mạ hầu như ai cũng biết dệt thổ cẩm”

Cũng giống như các tộc người sinh sống ở Tây Nguyên hùng vĩ, người Mạ sinh sống tập trung theo từng làng gọi là Bon. Trước đây, mỗi Bon có từ 5-10 nhà sàn dài, là nơi cứ trú của gia đình lớn hay nhiều gia đình nhỏ có cùng quan hệ huyết thống. Mỗi gia đình đều có kho lúa và bếp ăn riêng. Tuy nhiên cuộc sống ngày nay đã có nhiều thay đổi, những ngôi nhà sàn dài không còn nhiều mà thay vào đó là những ngôi nhà sàn ngắn dành cho các gia đình nhỏ.

Trước đây, nương rẫy đóng vai trò chủ yếu trong đời sống của người Mạ. Ngày nay, sản xuất nông nghiệp, tiêu biểu là các loại hình trồng trọt của người Mạ có sự biến đổi sâu sắc hầu khắp mọi mặt như giống cây trồng, ứng dụng khoa học công nghệ và thị trường hóa sản phẩm trồng trọt. Giờ người Mạ không còn săn bắt tự nhiên mà phát triển nuôi cá, gia súc, gia cầm thương phẩm. Họ cũng làm thêm rất nhiều nghề phụ để tăng thu nhập, song nổi tiếng nhất có lẽ là nghề trồng bông dệt vải.

Từ thời xa xưa, những cô gái Mạ khi lên 9, lên 10 tuổi đã được bà, mẹ truyền nghề, dạy cách dệt và thêu thùa, may vá. Để dệt nên tấm thổ cẩm đẹp mắt, người Mạ phải thực hiện rất nhiều công đoạn, từ trồng bông, xe sợi, nhuộm màu, lên khung rồi mới ngồi vào dệt.

Chỉ với một bộ khung gồm nhiều thanh gỗ và tre đơn sơ, gọn nhẹ nhưng người Mạ đã tạo nên những tấm thổ cẩm với những đường nét hoa văn sinh động, màu sắc bắt mắt. Trên tấm thổ cẩm, bà con thường chọn dệt những hình thù đặc trưng của đồng bào như: cây cối, chim, muông thú, nhà sàn, cây nêu…

Sự đa dạng về màu sắc, phong phú về hoa văn đã tạo nên nét đặc sắc trong trang phục thổ cẩm của đồng bào Mạ. Đó cũng là nét đẹp riêng có của thổ cẩm Mạ so với thổ cẩm của đồng bào các dân tộc khác trong cả nước.

Ngày nay, dù chỉ màu công nghiệp đã trở nên phổ biến nhưng bà con vẫn giữ cách trồng bông, xe sợi, nhuộm màu và dệt hoa văn truyền thống của ông, bà để lại.

Nghệ nhân H’Bạch (73 tuổi), ở bon N’Jiêng, xã Đắk Nia, TP.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, chia sẻ: “Theo phong tục của người Mạ, con gái ai cũng phải biết dệt, nên trước khi lập gia đình cô gái nào cũng được mẹ, bà truyền nghề. Phụ nữ Mạ phải tự biết dệt những sản phẩm thổ cẩm làm lễ vật hỏi chồng. Có gia đình rồi thì dệt chăn, mền cho chồng, cho con đắp, dệt vải may đồ truyền thống cho gia đình”.

Cũng theo nghệ nhân H’Bạch thì thổ cẩm không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của đồng bào Mạ. Việc truyền nghề dệt thổ cẩm cũng không đơn giản ngày một ngày hai là biết. Phải kiên trì và có tâm huyết mới cớ thể học nghề và giữ nghề, bởi để dệt được tấm thổ cẩm có thể mất 1 tuần, 1 tháng, thậm chí có những tấm thổ cẩm phải mất cả năm trời mới dệt xong.

Bù lại, những tấm thổ cẩm được dệt bằng chất liệu tự nhiên, đầu tư nhiều tâm sức, để tạo ra hoa văn độc đáo giá trị của nó, cũng cao gấp nhiều lần những tấm thổ cẩm bình thường. Có những tấm thổ cẩm được định giá bằng cả con trâu đực, nhưng tấm thổ cẩm như thế người Mạ giữ gìn như báu vật.

Tín ngưỡng đa thần

Với tín ngưỡng đa thần, người Mạ luôn tin mọi sự vật, hiện tượng trong cuộc sống đều gắn liền với mỗi vị thần linh. Do đó, dân tộc này có rất nhiều lễ hội và nghi lễ gắn với các vị thần, như Thần lúa, Thần rừng, Thần nước, Thần sông, Thần suối... Một số lễ hội tiêu biểu của người Mạ có thể kể đến như lễ cúng mừng sức khỏe, lễ mừng nhà mới, lễ cúng thần rừng đầu nguồn, lễ cúng bến nước, lễ cúng mừng lúa mới, lễ hội Iun Jông (Lễ gắn kết tình thân), lễ hội Rnglăp bon…

Tùy theo từng lễ cúng, người Mạ sẽ tổ chức lễ cúng ở nương rẫy hoặc tại gia đình, bon làng. Trong đó, lễ cúng mừng lúa mới là một trong những nghi lễ quan trọng nhất trong đời sống tinh thần của người Mạ và được gìn giữ cho đến ngày nay.

anh-bai-chau-ma-bi-an-mot-toc-nguoi-2.jpg
Người Mạ hay sống trong những ngôi nhà dài

Lễ cúng mừng lúa mới thường được người Mạ tổ chức vào khoảng tháng 12 âm lịch và hình thức cũng được tổ chức trong từng gia đình. Tùy theo số lượng thu hoạch của mỗi gia đình lễ cúng sẽ được chuẩn bị khác nhau. Mỗi gia đình tổ chức lễ cúng lúa mới và mời mọi người trong bon tới dự một ngày.

Khi cúng mừng lúa mới, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị trang trí cây bông lúa được làm tượng trưng từ cây tre non và đồ lễ cúng bày lên bàn thờ được chuẩn bị sẵn trước sân nhà gồm rượu, đầu heo, gà,… Sau đó, người cúng sẽ đọc lời thỉnh cầu thần lúa và các vị thần linh về dự lễ để chứng kiến lòng thành của gia đình và dân làng, thể hiện sự biết ơn đối với các vị thần đã phù hộ cho mùa màng tốt tươi, không bị thú rừng phá hoại; cầu xin các vị thần tiếp tục phù hộ cho mùa màng năm tới gieo trồng thuận lợi, hoa màu tốt tươi và hứa trả lễ lớn hơn nếu mùa màng năm tới bội thu.

Lễ cúng mừng lúa mới được tổ chức quay vòng theo thứ tự các hộ gia đình trong bon để ăn mừng. Ngoài ra, ở một số địa phương, người Mạ còn có hình thức cúng lúa mới chung cho cả cộng đồng là lễ Ai R’hai (lễ đâm trâu), như cộng đồng người Mạ ở Đắk Nông chẳng hạn.

Lễ Ai R’hai cấp bon làng thường được tổ chức từ 3 năm đến 5 năm một lần tùy theo điều kiện kinh tế của cộng đồng. Khi tổ chức lễ Ai R’hai, người dân trong bon dựng cây nêu cao ở trước sân nhà cộng đồng để mời các vị thần linh đến dự lễ với cộng đồng. Mọi người chuẩn bị nhiều lễ vật dâng cúng các vị thần và trang trí quanh cây nêu.

Lễ cúng mừng lúa mới của cộng đồng được diễn ra với nhiều nghi thức và có sự tham gia của mọi người trong bon làng và các bon làng khác hoặc họ hàng xa đến tham dự. Sau nghi thức tạ ơn các thần linh, những người khỏe mạnh, giỏi võ trong bon tiến hành nghi thức đâm trâu. Thầy cúng lấy máu con trâu bôi lên cây nêu ở kho lúa và nhiều đồ vật khác biểu thị tính hiến tế cho các vị thần linh.

Khi phần nghi lễ kết thúc, mọi người cùng nhau ăn uống, nhảy múa suốt đêm bên đống lửa để gia tăng thêm sự đoàn kết, gắn bó chặt chẽ hơn trong cộng đồng. Do đó, lễ cúng mừng lúa mới của người Mạ không chỉ là lễ hội cộng đồng mà còn biểu hiện dạng tri thức mang tính giáo dục về thế giới quan, giá trị cuộc sống và tính cố kết cộng đồng trong đời sống được lưu truyền cho các thế hệ của tộc người.

Phong phú kho tàng văn hóa dân gian

Người Mạ có một kho tàng văn hóa dân gian rất đa dạng, phong phú với nhiều thể loại như truyền thuyết, truyện cổ, dân ca trữ tình, dân ca tín ngưỡng,… thường được diễn xướng trong lễ hội và sinh hoạt hằng ngày. Trong đó, những bài dân ca trữ tình của người Mạ chứa đựng nội dung ca ngợi các anh hùng dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, những bài học đạo đức luân lý giáo dục thế hệ con cháu. Còn những bài dân ca thì thể hiện lòng tôn kính và cầu mong các vị thần linh giúp đỡ, bảo vệ cho cuộc sống của con người và cộng đồng được an vui, hạnh phúc...

Trong dịp lễ hội và thực hành tín ngưỡng truyền thống, âm nhạc là món ăn tinh thần không thể thiếu, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người Mạ. Nhạc cụ truyền thống của dân tộc này là dàn chiêng đồng không núm gồm 6 chiếc và nhiều loại nhạc cụ thuộc nhóm hơi như khèn bầu, sáo trúc, tù và bằng sừng trâu. Trong đó, cồng chiêng là biểu tượng của sức mạnh vật chất, thể hiện sự giàu có của cá nhân, gia đình, dòng họ, bon làng và được lưu giữ, truyền từ đời này qua đời khác.

anh-bai-chau-ma-bi-an-mot-toc-nguoi-3.jpg
Cồng chiêng có một vai trò rất lớn trong đời sống tinh thần của người Mạ

Trong những dịp lễ hội truyền thống, người dân nơi đây xem cồng chiêng là cầu nối giữa con người hiện tại với thế giới thần linh. Khi hòa tấu cồng chiêng, người Mạ còn dùng tiếng trống bịt da trâu đánh giáo đầu và giữ nhịp. Ngoài ra, trong nghi lễ tang ma, người ta còn sử dụng nhạc cụ được làm từ ống nứa gắn thành dàn và đánh các làn điệu tang ma.

Cũng như các dân tộc thiểu số khác, người Mạ cũng có những điệu múa dân gian được hình thành trong cuộc sống, lao động sản xuất nông nghiệp làm nương rẫy để đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần. Các điệu múa của họ thường sử dụng những động tác, tư thế của cơ thể để diễn tả mọi hoạt động trong cuộc sống như diễn tả lại cảnh lao động, sản xuất, săn bắt, chống thú dữ và các hoạt động thể hiện tâm tư, tình cảm của con người... Các động tác múa được lặp đi, lặp lại nhiều lần theo tiết tấu âm nhạc của cồng, chiêng hoặc các nhạc khí khác,…

Bên cạnh đó, trong những ngày lễ hội truyền thống và các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, người dân nơi đây thường có hình thức hát múa với sự kết hợp chặt chẽ giữa hát, nhạc đệm và nhảy múa.

Cũng như nhiều dân tộc khác, ngày nay do nhiều lý do khách quan và chủ quan, một số phong tục văn hóa truyền thống của người Mạ có phần bị mai một. Trước đây, phần lớn đồng bào theo tín ngưỡng đa thần nên thường có nhiều lễ nghi theo thời vụ, vòng đời con người. Hiện nay, nhiều hộ không theo tín ngưỡng đa thần nữa nên có rất nhiều nghi lễ, lễ hội mất dần.

Những năm gần đây, chính quyền và các ngành văn hóa ở những địa phương có người Mạ sinh sống đã chú trọng vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào. Một số nơi còn triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ các dân tộc tại chỗ”, thế nên nhiều phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mạ nói riêng và nhiều dân tộc thiểu số khác nói chung đã từng bước được bảo tồn, gìn giữ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO