Người ta nói ông Lê Danh Cương là “tri kỷ” của các loài chim vì ông luôn xem chúng như thành viên trong gia đình, ngược lại, những cánh chim hoang dã như gửi trọn niềm tin vào ông. Vậy nên, khi ông bắt tay vào gây dựng vườn chim ở nơi nào thì chim muông đều lũ lượt về trú ngụ. Hơn 30 năm ròng, ông xuôi ngược khắp các tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ và gây dựng được cả chục khu vườn như thế.
Sinh ra ở miền quê Hà Nam, năm 1977, chàng thanh niên Lê Danh Cương nhập ngũ, sau đó được điều về Sư đoàn 320 đứng chân ở vùng biên giới Tây Nam và tham gia thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia. Trong thời gian tham gia chiến trường, trên cương vị người lính trinh sát, ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, giúp đồng đội mở đường giành nhiều thắng lợi. Cùng thời gian ấy, gia đình ông theo tiếng gọi ủng hộ miền Nam di chuyển về Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau) công tác, lập nghiệp.
Năm 1982, ông xuất ngũ, chuyển ngành về công tác tại Nông trường Dược liệu Minh Hải. Với chuyên môn là bác sĩ thú y chuyên về động vật hoang dã, ông có điều kiện làm quen, tìm tòi và nghiên cứu về cá sấu, trăn và chăm sóc các loài động vật... Đó cũng là khoảng thời gian đặt dấu ấn đầu tiên của ông về chim trời khi cùng đồng nghiệp thực hiện thành công sân chim Cà Mau độc, lạ giữa lòng thành phố. “Hồi đó, chị Liễu (thủ trưởng cơ quan) nhận nhiệm vụ chủ công, tôi cùng nhiều anh em đồng nghiệp khác góp sức. Là công việc xuất phát từ niềm đam mê thiên nhiên nên thời điểm ấy dù không ai biết kinh nghiệm nơi đâu mà học nhưng chúng tôi cứ vừa làm vừa gỡ khó. Cũng lâu lắm ước nguyện tạo sân chim mới thành hiện thực”, cựu chiến binh Lê Danh Cương hồi tưởng.
Ai cũng nghĩ người cựu chiến binh ấy khi về hưu sẽ chọn cuộc sống an nhàn để thụ hưởng tuổi già. Nhưng trái lại, niềm đam mê đã thôi thúc ông lặn lội khắp vùng sông nước Cửu Long chung tay với người cùng chí hướng để gây dựng các khu sinh thái, khu du lịch hòa mình với thiên nhiên. “Họ tìm đến tôi để nói về ý tưởng và cần sự giúp sức. Mình còn mạnh khỏe, cộng thêm tình yêu chim muông nên luôn sẵn lòng”, ông Cương kể.
Vậy là không cần hợp đồng, họ khoán kinh phí để ông thực hiện. Có lẽ nhờ “mát tay” mà ông khá đắt hợp đồng, điều đó nhân lên niềm vui với ông. Nhưng niềm vui lớn nhất với người cựu chiến binh này rất lạ. Ông vui không phải vì được trả công nhiều tiền mà vui vì có nhiều nơi làm vườn chim thì chim trời có thêm sự lựa chọn để trú ngụ an toàn.
Nhờ đôi tay cần cù, đôi chân không mỏi của ông mà nhiều vườn chim-nét đặc trưng của thiên nhiên vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang dần khôi phục và phát triển. Bản tính khiêm tốn càng giúp danh tiếng của người cựu chiến binh này vang xa, ông thường tự thu mình lại khi nhắc đến thành quả lao động. Hôm gặp chúng tôi, sau một hồi trò chuyện, ông bật mí: “Ý tưởng dẫn dụ chim trời đầu tiên là của vợ chồng chú Phạm Hữu Liêm (nguyên Giám đốc Sở Lâm nghiệp Minh Hải) và cô Lê Thị Liễu (nguyên Giám đốc Lâm viên 19-5) ở Cà Mau. Tôi chỉ là một trong những thành viên hỗ trợ công tác”.
Để nghiên cứu được đặc tính loài chim hoang, ông phải ẩn mình dài ngày trong rừng, đến “thính” như chim Sen còn không nhận ra. Người quen thấy ông ít nói nên cũng dè dặt bắt chuyện. Mà ngộ, ông làm được chuyện độc, lạ đến vậy nhưng nghe lời khen ngợi, ca tụng là chuyên gia, ông không thích. Lần gặp lại, ông cứ nhắc khéo: “Gọi nhau chú cháu cho thân mật”. Bởi chúng tôi thừa biết ông chỉ nhận mình là người tận tình với những niềm đam mê độc, lạ chứ không nhận là chuyên gia hay bậc “cao nhân” nào cả.
Gặp cựu chiến binh Lê Danh Cương, mở đầu câu chuyện luôn là những trăn trở về chim muông, môi trường sinh thái, là cuộc sống cộng sinh và bảo tồn thiên nhiên hoang dã. Loanh quanh một năm vài bận chúng tôi mới có dịp về lại Cà Mau, nhưng hiếm khi gặp được ông. Qua điện thoại, nay thì ông ở Vị Thủy (Hậu Giang) giúp vườn chim Việt Úc chăm sóc cây làm nơi cho chim trú ngụ; khi thì qua Long Hồ (Vĩnh Long), ghé khu du lịch Vinh Sang, nơi ông từng hiến kế dẫn dụ chim về; rồi thì ngược lên Tiền Giang tham gia giúp Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười tại huyện Tân Phước; ghé Long An góp sức gây dựng làng nổi Tân Lập (Mộc Hóa-Kiến Tường)...
Hầu hết những người biết đến ông bởi nghề dẫn dụ chim muông và là “bà đỡ” cho các loài động vật hoang dã quý hiếm, ít ai biết nghề độc, lạ ấy xuất phát từ cơ duyên của cuộc đời và như sự trả ơn của ông. Hỏi về cơ duyên, ông nói chắc nịch: “Lúc còn trong quân ngũ, tôi làm trinh sát, nhiều năm gắn bó với thiên nhiên, với rừng, núi. Thời điểm đó mà tách mình ra khỏi núi, rừng là coi như tìm cái chết. Nhất là những khi trinh sát địa bàn, nhiều lần “đọc” được đặc tính của chim muông ở rừng như là “thông điệp” báo trước tình hình địch. Bởi phía trước mặt tôi cũng là rừng rậm, chim muông chỉ bay lên tán loạn khi có động, nghĩa là ở đó có địch. Nhờ vậy mà anh em chủ động các phương án tác chiến hiệu quả. Sau này ngẫm lại thì cuộc đời mình đã được các loài chim cứu giúp không biết bao bận, nên giờ chuyện hiến kế giúp các nơi làm vườn trú ngụ an toàn cho chúng cũng là sự trả ơn vậy”.
Chúng tôi hỏi ông, ma lực gì mà dụ được chim trời giỏi thế? Ông cười khì, bảo: “Tôi đâu có ma lực gì. Chỉ là sự cần cù thôi. Mình phải theo dõi chúng mỗi ngày, để ý và biết điều chỉnh theo ý chúng, tập cho chúng quen với giờ ăn, quen với tiếng, dáng và cả mùi của người chăm sóc. Mình đối xử tốt với chúng thì không bao giờ chúng bỏ đi đâu. Làm cho chim sợ thì dễ, nhưng để chúng tin ở lại gần mình là điều khó nhất”.
Bằng kinh nghiệm cả đời của mình, cựu chiến binh Lê Danh Cương nói chắc nịch: “Giờ ở đâu giữ được rừng là thuận tạo vườn chim”. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện nay, cả nước có hơn 848 loài chim (thế giới gần 10.000 loài). Loài chim sống ngắn như se sẻ chỉ 3-5 năm, sống lâu như hải âu khoảng 50 năm. Riêng các loài chim ở Đồng bằng sông Cửu Long sống bình quân 10-20 năm. Trong khi đó, diện tích rừng tràm ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay ước trên 100.000ha. Từ sau giải phóng, diện tích tràm lớn nhất là vào năm 2006, có 171.000ha. Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, diện tích rừng tràm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 200.000ha, trong khi đó một số tài liệu cho biết vào năm 1950, khu vực này có diện tích rừng đến 400.000ha. Khi diện tích rừng giảm, sân chim giảm và số loài chim cũng giảm theo. Nhiều khu rừng hiện còn rất ít chim, nguyên nhân chủ yếu là bị săn bắt liên tục, môi trường sống cho chim không an toàn và luôn bị đe dọa. Cùng với đó, nhiều “chợ” bán chim mọc lên, có thể điểm qua như: Ngã ba Cái Tắc, huyện Châu Thành A và TP Ngã Bảy (Hậu Giang); dọc tuyến đường từ TP Cà Mau đến Khu công nghiệp Khánh An (Cà Mau); ngã ba An Thái Trung (Tiền Giang)... và thực khách cũng không lạ gì khi bước chân vào quán đặc sản ở nhiều tỉnh, thành phố đều có thể gọi món chế biến từ thịt các loài chim, cò.
Ở tuổi 65 nhưng hiếm khi hàng xóm thấy cựu chiến binh Lê Danh Cương ở lại nhà lâu ngày. Ông thường cùng chiếc xe gắn máy rong ruổi khắp nơi, ghé thăm, góp ý khắc phục những hạn chế của các vườn chim do chính đôi tay mình góp sức tạo dựng, để chim muông tin tưởng chọn chốn dung thân. Mỗi khi qua quản lộ Phụng Hiệp (Hậu Giang) hay ngược về đường xuyên Á (Cà Mau), nhìn những điểm rao bán chim trời, người cựu chiến binh ấy lại thấy cay ở khóe mắt, nghẹn ở bờ môi.
Cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có gần 30 vườn chim, trong đó đa phần được đầu tư, dẫn dụ. Riêng cựu chiến binh Lê Danh Cương nhẩm lại có gần 10 sân chim, vườn chim gắn chặt với đôi tay và công sức của ông.