Trước những trở lực và khó khăn quá lớn, nhiều người thường bó tay, than vắn, thở dài. Nhưng với cựu chiến binh Hoàng Ngọc Hồng ở huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa) lại khác. Phát huy tinh thần "Bộ đội Cụ Hồ", ông đã biến khó khăn thành động lực để vượt lên tất cả, làm kinh tế giỏi và lan tỏa ý chí, khát vọng làm giàu cho cộng đồng, nhất là người dân tộc thiểu số ở địa phương.
Những ngày cuối năm 2023, chúng tôi có dịp trở lại Như Xuân, huyện miền núi phía Tây Nam của tỉnh Thanh Hóa. Toàn huyện có 16.705 hộ, với 70.066 nhân khẩu, gồm 4 dân tộc chính là Thái, Thổ, Mường, Kinh. Từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình giảm nghèo bền vững, cùng sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự vươn lên của mỗi người dân, đã góp phần đưa kinh tế - xã hội phát triển.
Một trong những người đi đầu trong phong trào này là cựu chiến Hoàng Ngọc Hồng, thôn Hùng Tiến xã Xuân Bình. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc trở về địa phương, cũng như bao hộ trong thôn, cuộc sống của gia đình ông Hồng chỉ trông vào canh tác mấy sào ruộng và diện tích sắn. Dù chăm chỉ làm việc quanh năm cũng chỉ đủ ăn. Nỗi trăn trở của ông khi ấy là làm sao để vực dậy kinh tế.
Với phẩm chất của người lính cụ Hồ, không cam chịu đói nghèo, để có thêm kiến thức, kinh nghiệm và lựa chọn được mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của gia đình, ngoài học hỏi kinh nghiệm sản xuất, mô hình thành công của nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã huyện, ông đã tìm hiểu thêm kiến thức về các mô hình trên sách báo, tivi để áp dụng vào thực tế của gia đình mình bằng việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả kinh tế sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn.
“Mình lăn lộn trên chiến trường không sợ, về địa phương phải có tư duy, cách làm của ''Bộ đội Cụ Hồ'' mới mong khai phá mảnh đất khó khăn này lên được. Nhận thấy lợi thế của địa phương và chủ trương phát triển chăn nuôi kết hợp trồng cây, gia đình tôi đã đầu tư chăn nuôi trâu sinh sản, trồng 1 ha cây keo, 1 ha cây xoài keo kết hợp với trồng 1ha cây khoai lang và khoai tây. Ngoài ra còn tận dụng quỹ đất gia đình đào ao thả cá. Tổng thu nhập kinh tế của gia đình tôi đạt trên 100 triệu đồng/năm khi đã trừ các khoản chi phí'', ông Hồng chia sẻ.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Hồng còn tích cực tham gia các phong trào của các tổ chức, đoàn thể tại địa phương, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ hội viên và các hộ dân trong thôn. Trong các hoạt động của địa phương, của tổ chức hội, ông luôn hăng hái tích cực, đi đầu trong các phong trào. Những đóng góp của ông với các phong trào của địa phương và tổ chức hội đã được các cấp ghi nhận và biểu dương vì đã có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh, giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế.
Thành công của gia đình ông Hồng đã lan tỏa tư duy, cách làm, phá vỡ sự lo sơ, tự ti của người dân nơi đây. Được sự chung tay của cấp ủy, chính quyền, Ngân hàng chính sách xã hội, nhiều hộ dân đã vay vốn, đầu tư sản xuất, kinh doanh. Riêng vụ đông năm 2023, xã Xuân Bình đưa vào gieo trồng 110 ha, trong đó cây ngô 27,2 ha, khoai lang 4,1 ha, rau đậu các loại 33,5 ha và cây trồng khác 47 ha.
Để nâng cao hiệu quả, giá trị các loại cây trồng vụ đông năm 2023, trong thời gian qua cấp ủy, chính quyền cùng với các ban, ngành, đoàn thể xã Xuân Bình đã tuyên truyền đến toàn thể cán bộ và nhân dân tích cực đẩy nhanh tiến độ giải phóng đất, cũng như lựa chọn giống cây phù hợp với diện tích đất đưa vào sản xuất cho phù hợp ở từng thôn.
Từ những thành công nhỏ quy mộ hộ gia đình nhỏ lẻ, phong trào giúp nhau làm kinh để xóa đói, giảm nghèo ở Như Xuân được nhân rộng, lan tỏa. Khi mà tư tưởng đã thông thì mọi trở lực khó khăn đều dễ dàng vượt qua.
Đến nay, tổng số hộ nghèo rà soát năm 2023 áp dụng chính sách cho năm 2024 trên địa bàn huyện Như Xuân là 1.661 hộ, chiếm tỷ lệ 9,94%; hộ cận nghèo là 2.677 hộ, chiếm tỷ lệ 16,03%, vượt chỉ tiêu tỉnh giao là 0,22%, vượt chỉ tiêu kế hoạch huyện giao là 106%. Kế thừa những kết quả đạt được năm 2023, năm 2024, huyện Như Xuân tiếp tục phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025 mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Như Xuân lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra và Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 16/6/2022 của UBND huyện về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững huyện Như Xuân giai đoạn 2021-2025.
Cuối năm 2024, huyện Như Xuân dự kiến giảm 3% trở lên hộ nghèo (tương đương 501 hộ), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,94% (tương đương 1.161 hộ nghèo). Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, phấn đấu hoàn thành mục tiêu, kế hoạch của chương trình.
Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng mục tiêu của chương trình, dự án đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, nhằm thay đổi, chuyển biến nhận thức trong công tác giảm nghèo; khơi dậy ý thức người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo nhanh và bền vững. Huy động, tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ để thúc đẩy hoàn thành các dự án, tiểu dự án; lồng ghép, bố trí đủ vốn cho chương trình, chính sách liên quan. Tăng cường sự tham gia của người dân, cộng đồng xã hội, đoàn thể... trong việc hỗ trợ các nguồn lực thực hiện chương trình.