Gương sáng

Những cựu chiến binh làm giàu trên vùng đất khó

Gia Ân-Phan Giang 28/12/2023 - 21:22

Sau khi cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, các thế hệ cựu chiến binh xã Nghĩa Xuân, huyện miền núi Quỳ Hợp (Nghệ An) trở về quê hương tiếp tục phát huy bản lĩnh ''Bộ đội Cụ Hồ'', vững vàng trên trận tuyến mới, trận tuyến chống lại đói nghèo, xây dựng nông thôn mới ngày càng khang trang, giàu đẹp.

“Cuộc chiến” chống đói nghèo trở thành những điển hình làm theo lời Bác

Đánh giặc ngoại xâm đã khó, chống lại giặc nghèo càng khó khăn hơn khi mà hầu hết các cựu chiến binh (CCB) bước ra từ cuộc chiến chỉ có đôi bàn tay trắng. Thậm chí, nhiều người còn mang trong mình thương tật, vết tích và nỗi ám ảnh chiến tranh.

Nhưng với suy nghĩ rất giản dị, ra đi từ đâu sẽ bắt đầu lại từ đó, nhiều CCB đã chọn cách quay về quê hương để gây dựng cuộc sống và nhiều người trong số họ đã thành công. Những kết quả đạt được trong thời gian qua đã chứng minh cho quyết tâm “xưa thắng giặc, nay thắng nghèo” của những con người một thời mặc áo lính ấy.

Với CCB Vũ Thanh Lưu đã từng tham gia chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên năm 1965 đến năm 1988, ông nghỉ hưu với quân hàm đại uý. Năm 1989, ông đưa cả gia đình lên định cư ở xóm Đoàn Kết, xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An). Năm 2001, ông được bầu làm phó chủ tịch hội CCB xã Nghĩa Xuân. Năm 2012, ông làm chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam xã Nghĩa Xuân, hiện đang là xóm trưởng.

Mặc dù đã 75 tuổi, song CCB Vũ Thanh Lưu vẫn tiên phong, tích cực tham gia lao động sản xuất từ mô hình nuôi 40 tổ ong lấy mật và nuôi 150 con gà thịt, gà đẻ với thu nhập hàng trăm triệu đồng/ năm. Không chỉ làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy các con có công ăn, việc làm ổn định, mà ông còn hăng hái tham gia xây dựng nông thôn mới, tích cực vận động người dân trong xóm làm theo.

CCB Vũ Thanh Lưu- xóm trưởng xóm Đoàn Kết, xã Nghĩa Xuân chia sẻ: “Hiện nay, xóm còn 5 hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo, sau khi có chủ trương xóa đói giảm nghèo (XĐGN) bền vững của huyện, của xã, chấp hành chủ trương ấy, chúng tôi có suy nghĩ làm sao tạo điều kiện cho một số anh em XĐGN. Đồng thời, được sự đồng ý của cấp uỷ, tổ chức chi hội CCB làm những người nòng cốt để xây dựng mô hình này. Trước mắt, chỉ hơn 1 năm thôi, chúng tôi đã xây dựng được mô hình chăn nuôi, bản thân tôi cũng đã tích cực tham gia các công việc để góp phần vào XĐGN của địa phương”.

Còn với CCB Trần Công Trình ở xóm Đoàn Kết, xã Nghĩa Xuân có thu nhập cao trong phong trào phát triển kinh tế từ mô hình “Đồng đội giúp nhau XĐGN” và vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) huyện Quỳ Hợp.

anh-1-1-.jpg
BCH Hội CCB xã Nghĩa Xuân thăm mô hình nuôi ong lấy mật của CCB Vũ Thanh Lưu.

Nếu như trước đây, gia đình ông sống chủ yếu từ nghề buôn bán nhỏ lẻ, thuộc hộ khó khăn thì hiện nay, nhờ sự giúp đỡ phần nào về vốn của các hội viên khác trong Hội, ông đã mạnh dạn làm trang trại nuôi lợn theo mô hình khép kín, với nguồn thức ăn tận dụng.

Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, gia đình ông đã hoàn trả được số nợ cho các hội viên và vay Ngân hàng CSXH huyện 50 triệu đồng, đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại với 30 con lợn thịt, hàng chục con chó thịt. Năm 2022 đến nay, trừ các chi phí, gia đình ông có thu nhập ổn định từ 150 triệu đồng/năm trở lên, từng bước đưa kinh tế gia đình lên mức khá hơn.

CCB Trần Công Trình, xóm Đoàn Kết, xã Nghĩa Xuân cho biết: “Mô hình kinh tế đồng đội giúp đỡ lẫn nhau trong đó có đồng chí Bí thư xóm, xóm trưởng, Chi hội trưởng hội CCB xóm Đoàn Kết đã cho gia đình tôi vay vốn 170 triệu đồng để mở rộng mô hình kinh tế.

Hiện tại, gia đình tôi đã hoàn vốn đầy đủ cho các đồng chí đó. Trong năm 2023, gia đình tôi đã xuất bán 2 tấn lợn được 120 triệu đồng, trừ chi phí lãi ròng 80 triệu đồng. Từ giờ đến cuối năm, gia đình tôi sẽ xuất bán 2 tấn lợn thịt nữa”.

anh-2-1-.jpg
BCH Hội CCB xã Nghĩa Xuân thăm mô hình Đồng đội giúp nhau XĐGN của CCB Trần Công Trình ở xóm Đoàn Kết.

Tiếp tục lan tỏa nghĩa tình đồng đội

Ông Cao Đình Toàn - Chi hội trưởng Hội CCB xóm Đoàn Kết, xã Nghĩa Xuân chia sẻ cách làm mô hình “Đồng đội giúp nhau XĐGN” tại chi hội: “Được sự chỉ đạo chung của chi bộ, chi uỷ cũng như chính quyền xóm đã quan tâm đến những hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhận thấy trong chi hội có những đồng chí có điều kiện về kinh tế hộ gia đình quá khó khăn, tôi đã đứng ra đảm nhận xây dựng mô hình XĐGN bền vững cho hội viên. Vốn ban đầu bản thân tôi bỏ ra là 175 triệu đồng để cho hội viên làm mô hình CCB giúp nhau XĐGN. Sau 1 năm xây dựng, mô hình phát triển ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi”.

Trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, trải qua từng giai đoạn cách mạng, dù thuận lợi hay khó khăn, Chi hội CCB ở cơ sở luôn gương mẫu đi đầu trong mọi lĩnh vực công tác và đời sống của xóm, của địa phương.

anh-3(1).jpg
Chi uỷ, Ban cán sự xóm Đoàn Kết thường xuyên thăm hỏi, động viên các hội viên CCB còn khó khăn làm kinh tế

Để thực hiện tốt phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, Hội đã tích cực vận động hội viên góp vốn cho nhau vay để phát triển kinh tế; đồng thời khuyến khích hội viên phát huy mọi tiềm năng thế mạnh, dám nghĩ dám làm với tinh thần nghĩa tình đồng đội để giúp nhau giảm nghèo bền vững.

Mặt khác, Hội còn tăng cường quan hệ với ngân hàng CSXH huyện và phối hợp với ban xóa đói giảm nghèo của xã phân nguồn vốn vay cho anh em cán bộ hội viên được vay vốn để sản xuất và chăn nuôi. Hiện, tổ chức Hội CCB xã Nghĩa Xuân đang quản lý 3 tổ tiết kiệm và vay vốn gồm 113 tổ viên, với tổng dư nợ trên 4,7 tỷ đồng, riêng hội viên CCB vay là 15 Hội viên với số dư nợ là 750 triệu đồng. Đến nay, Hội CCB xã Nghĩa Xuân đã có 10 gia trại hộ gia đình, vườn, ao, chuồng đang cho thu nhập hàng năm từ 150 đến 200 triệu đồng trở lên.

Hội CCB xã Nghĩa Xuân có tổng số 460 hội viên, trong đó Hộ khá, giàu có 246 hộ, Hộ trung bình 174 hộ và không có hộ nghèo và hộ cận nghèo. Những năm qua, Hội CCB xã đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và nhân dân chấp hành tốt đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời, thực hiện hương ước, quy ước ở khu dân cư, góp phần thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, hội viên và nhân dân, khơi dậy phong trào học tập, làm theo gương Bác. Đến nay, 100% cán bộ, hội viên đã đăng ký tự giác, gương mẫu đi đầu học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hội CCB xã Nghĩa Xuân cho biết: “Thực hiện Nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2022-2027, Hội CCB xã Nghĩa Xuân tổ chức xây dựng các mô hình kinh tế nhằm XĐGN đối với hội CCB, đến hôm nay, hội CCB không có hộ nghèo nữa. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục xây dựng và đổi mới cách làm, thông qua đó thực hiện Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để những việc làm nhỏ, việc làm lớn đều cho kết quả được tốt hơn”.

anh-4.jpg
Mô hình nuôi lợn thịt của CCB Trần Công Trình có thu nhập ổn định từ 150 triệu đồng trở lên

Giờ đây, những chiến sỹ quả cảm năm xưa một lần nữa lại khẳng định được khí phách của người lính mang tên Bộ đội Cụ Hồ. Dù trong thời điểm, hoàn cảnh nào họ vẫn luôn giữ nguyên tinh thần, phẩm chất đó để cùng giúp nhau làm kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO