Huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) là một trong những huyện nghèo nhất của cả nước với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế nên việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp giúp nâng cao hiệu quả kinh tế luôn là bài toán khó. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cấp, các ngành trong xây dựng các mô hình kinh tế mới đã mang lại hiệu quả tích cực.
Chuyển cây lạc thay thế cây lúa rẫy
Với địa hình đồi núi, độ dốc lớn nên phần lớn diện tích đất sản xuất của người dân xã biên giới Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn chủ yếu là trồng lúa và cây ngô trên các triền núi. Tuy nhiên, sau nhiều năm canh tác không đúng kỹ thuật, lại chịu ảnh hưởng của thời tiết nắng hạn và tình trạng xói mòn khi mưa kéo dài nên một số hộ dân đã bỏ nương rẫy.
Sau thời gian trồng thử nghiệm nhận thấy cây lạc mang lại năng suất cao, UBND xã Nậm Cắn đã vận động, khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích trồng lúa rẫy sang trồng lạc. Nhờ đó, năm nay, lúa rẫy ở nhiều địa phương mất mùa thì ở Nậm Cắn nhiều hộ rất vui vì cây lạc được mùa, được giá.
Chị Moong Thị Soi, ở bản Pa Ca, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, phấn khởi chia sẻ: “Trước đây, trồng lúa hay mất mùa nên người dân trong bản thiếu đói rất nhiều. Mấy năm nay, người dân trong bản chuyển hẳn sang trồng cây lạc, vừa năng suất, lại bán được nhiều tiền hơn hẳn cây lúa. Mùa lạc năm 2023, gia đình tôi thu được hơn 50 triệu đồng".
Sau quá trình thử nghiệm, nhận thấy cây lạc cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với lúa, nên đầu năm 2023, Đảng uỷ, chính quyền xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, đã định hướng cho bà con nhân rộng diện tích lạc. Hiện nay, toàn xã có trên 60 ha cây lạc, đây là diện tích người dân trồng lúa rẫy trước đây.
“Về năng suất, lạc trồng thời gian ngắn hơn, cùng trồng trên một diện tích, cây lạc mang lại hiệu quả và năng suất hơn vì giá trị đầu ra lạc cao hơn cây lúa. Thời gian tới, xã sẽ nghiên cứu các loại giống phù hợp với địa bàn của xã và nhân rộng thêm. Đồng thời, hướng dẫn kỹ thuật để nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân trong xã'', ông Lầu Bá Chày, Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, chia sẻ.
Mở rộng mô hình nuôi gà đen đặc sản
Để giúp người dân nâng cao nguồn thu nhập, bên cạnh việc chuyển đổi cây trồng, huyện Kỳ Sơn đã phối hợp với Hội nông dân tỉnh Nghệ An triển khai nhiều mô hình và các chương trình dự án hỗ trợ người nông dân xây dựng các mô hình chăn nuôi các vật nuôi là đặc sản của địa phương.
Điển hình là mô hình bảo tồn và phát triển giống gà đen đặc sản, nuôi theo hướng an toàn sinh học tại các xã Na Loi và xã Mường Lống. Chỉ từ vài hộ dân được hỗ trợ ban đầu, sau nhiều năm phát triển, người dân đã mở rộng quy mô và liên kết nhau thành lập chi hội nghề nghiệp chăn nuôi gà đen, đầu tư lò ấp, có thể cung cấp con giống đến gà thương phẩm cho người dân.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Nghệ An, cho biết: “Thời gian qua, hội nông dân đã phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An xây dựng các mô hình giúp nông dân phát triển kinh tế; trong đó, ưu tiên những giống vật nuôi bản địa. Tại huyện Kỳ Sơn, từ năm 2018, hội đã triển khai chương trình hỗ trợ giống gà đen cùng kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho người dân tại xã Mường Lống. Kết quả mang lại rất tích cực, đàn gà phát triển tốt, hiệu quả kinh tế mang lại rất cao, nhiều hộ đã trở thành tấm gương làm kinh tế giỏi của địa phương, điển hình như ông Lầu Tồng Pó, Lầu Bá Tu ở xã Mường Lống''.
Sản xuất rau màu vụ đông mang lại hiệu quả kinh tế cao
Nhận thấy sản xuất rau màu vụ đông mang lại hiệu quả kinh tế cao nên vụ đông năm nay, huyện Kỳ Sơn có kế hoạch gieo trồng gần 300 ha ngô lai và 250 ha rau màu các loại. Đồng thời, chỉ đạo các xã, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con nông dân thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ, thay thế diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ngắn ngày.
Đồng thời, khuyến khích bà con áp dụng các biện pháp kỹ thuật khoa học vào chăm sóc, sử dụng cơ giới để giảm bớt sức lao động, mở rộng diện tích đất trồng, chủ động đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế vào sản xuất.
Những ngày này, ông Lương Văn Hoàng, bản Cầu Tám, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn đang tập trung chăm sóc và thu hoạch hơn 1,5 ha rau vụ đông của gia đình. Ông Hoàng cho biết: “Nhờ trồng diện tích rau màu theo mùa, mỗi ngày, gia đình tôi có thu nhập từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng. Với phương thức lấy ngắn nuôi dài, ngoài trồng rau các loại, gia đình tôi còn nuôi gà và trồng thêm các loại cây ăn quả khác”.
Trong những năm qua, công tác khuyến nông, khuyến lâm được huyện vùng cao Kỳ Sơn đẩy mạnh, bên cạnh tăng cường công tác tập huấn, đưa khoa học kỹ thuật vào giúp người dân thay đổi phương thức sản xuất, huyện Kỳ Sơn còn ưu tiên việc bảo tồn, phát triển những cây, con đặc sản bản địa, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp người dân nâng cao thu nhập.
Ông Vi Văn Oanh, Trưởng phòng Nông Nghiệp huyện Kỳ Sơn chia sẻ: “Huyện đang tập trung xây dựng các sản phẩm chuỗi giá trị, mô hình liên kết, trong đó có 5 mô hình, như: Mô hình liên kết chăn nuôi gà đen, phát triển cây chè Tuyết Shan Huồi Tụ, mở rộng diện tích trồng cây hồng Nhân Hậu, ở các xã Tây Sơn, Na Ngoi và chuỗi liên kết trồng sắn nguyên liệu ở các xã dọc các tuyến Quốc lộ đi qua''.
Những năm qua, chính quyền huyện Kỳ Sơn đã nỗ lực chuyển đổi cây trồng vật nuôi, qua đó đảm bảo an ninh lương thực giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, do giao thông đi lại khó khăn, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên rất cần sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền cấp trên, hợp tác liên kết của doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh.