Cùng với những trang phục truyền thống thì khăn Piêu trở thành biểu tượng, chứa đựng nhiều ý nghĩa trong đời sống và tâm linh sâu sắc, được người Thái đúc kết, trao truyền qua nhiều thế hệ. Chính vì vậy, khăn Piêu luôn là phục trang được các phụ nữ dân tộc này mang theo trong các dịp lễ, Tết.
Tác phẩm nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc Thái
Ở miền Tây tỉnh Nghệ An có hai nhóm người Thái là Thái dòng Tày Mường (Thái Trắng) và dòng Tày Thanh (Thái Đen). Riêng ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An thì chủ yếu là Thái Đen. Bản Bộng xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn là nơi có gần 100% người Thái đen sinh sống, ở đây mế Lô Thị Hương được biết đến là người khéo tay nhất khi may, thêu được những chiếc khăn Piêu độc đáo.
Mế Hương trải lòng: “Từ xa xưa đối với phụ nữ Thái, khăn Piêu là vật không thể thiếu, theo quan niệm của người Thái nó không chỉ là tiêu chuẩn để đánh giá tài năng, phẩm hạnh, sự đảm đang của người phụ nữ, mà còn được dùng trong sinh hoạt hằng ngày để che nắng, che gió, giữ ấm về mùa đông. Vì thế nên hiện nay hầu hết phụ nữ Thái ở bản vẫn giữ được từ 1 đến 2 chiếc khăn Piêu truyền thống”.
Theo mế Hương, trước đây, những người con gái Thái trước khi về nhà chồng phải có khăn Piêu tự tay mình làm để kỷ niệm cho bố mẹ, họ hàng bên nhà chồng. Chính vì thế, việc học dệt và học thêu khăn Piêu luôn là bài học vỡ lòng đối với mọi cô gái trong nếp sống sinh hoạt của cộng đồng dân tộc Thái.
Ngày nay, mặc dù xã hội phát triển, có nhiều loại trang phục hiện đại, đa dạng bày bán trên thị trường nhưng mế cũng như chị em trong bản vẫn giữ được thói quen mặc trang phục truyền thống, đội khăn Piêu của dân tộc mình mỗi dịp Tết hay lễ hội. Để giữ gìn nghề truyền thống, hàng ngày, mế Hương vẫn miệt mài truyền dạy, hướng dẫn cách thêu dệt các trang phục thổ cẩm của người Thái trong đó có khăn Piêu.
Piêu trong tiếng Thái có nghĩa là “khăn”, tùy từng vùng, từng địa phương mà khăn Piêu có nhiều loại khác nhau, mang một nét riêng rất hấp dẫn, độc đáo. Khăn Piêu thường có độ dài khoảng 150cm, rộng từ 30cm đến 40cm. Để làm ra được một chiếc khăn Piêu thì các công đoạn khá cầu kỳ, các cô gái Thái phải mất từ hai đến ba tháng dệt vải, thêu thùa, tự tìm kiếm cho riêng mình những màu sắc, đường nét thích hợp nhất.
Điểm nhấn của khăn Piêu không phải trang trí ở toàn bộ diện tích của khăn mà được tập trung vào những họa tiết được thêu cầu kỳ, nhiều hoa văn rực rỡ ở 2 đầu khăn. Chỉ thêu khăn Piêu thường dùng là chỉ tơ tằm nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng… Các loại đường thêu đều do phụ nữ Thái tự sáng tạo, có nhiều kiểu: móc xích, chân rết, xương cá. Hình ảnh, hoa văn thêu trên khăn Piêu vô cùng phong phú nhưng không gây cảm giác rối mắt mà trang trí theo những hàng, lớp và có quy luật nhất định.
Nguyên tắc chủ đạo của phong cách trang trí hoa văn khăn Piêu là nguyên tắc đối xứng. Hoa văn trang trí trên khăn Piêu thông dụng và phổ biến nhất là hoa văn móc câu, dùng để trang trí trong các khoang ô vuông đồng tâm; hoa văn hình răng cưa, được ghép bằng cách nối hai góc của nhiều tam giác nối tiếp nhau, dùng để trang trí đường diềm vành ô vuông ngoài cùng.
Ngoài các hoa văn trên, còn có hoa văn đồng tiền vuông; hoa văn hình sao 6 cánh hoặc 8 cánh với nhiều biến dạng khác nhau; hoa văn hình sao thường được trang trí ở trung tâm, hoặc trang trí điểm xuyết vào khoảng giữa... Nhìn bố cục hoa văn, màu sắc trên chiếc khăn Piêu, ta như thấy sự kết hợp độc đáo, khéo léo giữa màu sắc và hoa văn. Đó là màu xanh của núi rừng, màu vàng của ánh nắng, nương lúa và màu trắng hồng của hoa thơm, bướm lượn… Mỗi họa tiết là sự thể hiện tình yêu của người Thái với thiên nhiên và bản làng.
Thể hiện sự khéo léo, tài tình của người con gái Thái
Khi thêu xong khăn, phụ nữ Thái dùng vải xanh hoặc đỏ làm nẹp viền khăn và đính “cút Piêu” vừa để trang trí khăn đẹp hơn, vừa có ý nghĩa xua đuổi tà ma. Các “cút Piêu” làm từ vải được cuộn tròn, bên trong lõi là sợi vải. Cuộn vải tròn được khâu vắt thành một hình tròn rồi quấn dây vải lại theo hình trôn ốc, sau đó được quấn thêm các loại chỉ màu thành các múi trong hình tròn.
Đối với các cút Piêu đòi hỏi phải tỷ mỷ, cầu kỳ, chỉ có những người thành thạo mới biết làm. Các cút sau khi làm xong được ghép lại rất khéo léo vào đầu Piêu. Nhìn vào chiếc cút được dính vào đầu Piêu, ta rất khó đoán nhận ra được đường chỉ khâu ghép các đường trang trí với nhau. Mỗi chiếc khăn Piêu được xem là một câu chuyện thể hiện qua họa tiết, sắc màu để nói lên tâm tư, tính cách của người phụ nữ.
Là người được mẹ truyền nghề cho từ bé, sau những ngày mùa bận rộn, chị Lữ Thị Tứ, bản Bộng, xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn lại cùng các chị em trong bản tập trung lại với nhau để chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, nuôi dạy con cái, dệt các sản phẩm truyền thống như váy, áo, khăn Piêu để mình và gia đình sử dụng.
Chị Tứ chia sẻ: “Các chị em đều hăng say học hỏi và tự tay làm ra sản phẩm để mặc vào những ngày lễ hội, ngày Tết cổ truyền. Mọi người phấn khởi hơn bởi giờ đây dệt khăn Piêu không chỉ là khôi phục lại nghề truyền thống, giữ được nét văn hóa của dân tộc, mà con là điểm nhấn để thu hút du khách ghé thăm, trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng của bản.
Bà con ở đây mong muốn không chỉ có khăn Piêu mà nhiều vật dụng, biểu tượng của người Thái trong tương lai sẽ trở thành mặt hàng du lịch, mang lại nguồn thu nhập, cải thiện đời sống”.
Bà Ngô Thị Thu Hà, Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Anh Sơn (Nghệ An) cho biết: “Khăn Piêu là tác phẩm nghệ thuật, là biểu tượng tín ngưỡng của đồng bào Thái mang đậm bản sắc dân tộc, do bàn tay khéo léo của người con gái Thái tạo nên và luôn được đồng bào Thái trân trọng, giữ gìn. Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, với nhiều trang phục hiện đại, đa dạng, tiện dụng làm ảnh hưởng không ít đến việc bảo tồn và lưu giữ trang phục truyền thống của đồng bào Thái.
Nhưng khăn Piêu vẫn là vật không thể thiếu trong đời sống tâm linh của họ, thường được các cô gái sử dụng vào những ngày lễ, Tết hoặc các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ…”.
Để giữ nghề, thời gian qua, huyện Anh Sơn đã chỉ đạo các địa phương có đồng bào dân tộc sinh sống thành lập các câu lạc bộ, mô hình lưu giữ bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Thái, trong đó có truyền dạy thêu, dệt khăn Piêu, như CLB dệt thổ cẩm xã Thành Sơn, xã Cẩm Sơn, xã Thọ Sơn.
Phòng VHTT&TT huyện Anh Sơn cũng đã thường xuyên phối hợp với các địa phương mở các lớp tập huấn bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa liên quan đến nghề thủ công, nghệ thuật thêu hoa văn trang phục truyền thống của đồng bào người Thái, góp phần gìn giữ nét đặc sắc trong đời sống của cộng đồng các dân tộc ở miền Tây xứ Nghệ.