Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam – ông Lê Văn Dũng khẳng định: “Nếu chúng ta không nêu gương, không thực hiện thì chắc chắn rằng, đồng bào không thể nghe được. Cán bộ, Đảng viên phải thật sự trở thành tấm gương sáng thì chúng ta mới thực hiện được chương trình mục tiêu quốc gia, Nghị quyết 88 của Quốc hội”.
Phát huy vai trò người đứng đầu
Để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc và vùng núi, tỉnh Quảng Nam đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia phụ trách đứng điểm ở các huyện, xã và phân công nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị phụ trách theo dõi, hướng dẫn địa phương thực hiện các Chương trình, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc ngay tại địa phương mình.
Tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Nam đề cao vai trò người đứng đầu cấp uỷ, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương; Gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả giải ngân các dự án. Hàng tháng, Lãnh đạo tỉnh tổ chức các Đoàn công tác xuống cơ sở đối thoại với người dân vùng dự án để nắm bắt khó khăn từ thực tiễn, kịp thời đưa ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo tiến độ triển khai.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị quan tâm hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ dám nghĩ, dám làm thực hiện nhiệm vụ. Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, tỉnh Quảng Nam khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn.
Ông Hồ Công Điểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho rằng, để cán bộ, đảng viên, người đứng đầu phát huy tinh thần “dám nghĩ dám làm” thì cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ.
“Đề nghị Trung ương phải cân nhắc phân bổ nguồn vốn, phải đáp ứng nhu cầu của địa phương đối với từng dự án để địa phương triển khai có hiệu quả, tránh trường hợp giao vốn về nhưng không có nhu cầu thì không tiêu hết tiền, ảnh hưởng tiến độ giải ngân. Nên phân cấp, giao nhiệm vụ cho các địa phương linh hoạt điều chỉnh nguồn vốn từ dự án này qua dự án khác, tử dự án này không có nhu cầu thực tiễn sang những dự án cấp thiết, dễ hấp thụ nguồn vốn”, ông Hồ Công Điểm cho hay.
“Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”
Mới đây, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam phối hợp với các cấp Hội Phụ nữ huyện Phước Sơn tổ chức các buổi tuyên truyền, kết hợp giữa tuyên truyền miệng, tờ rơi và sân khấu hoá đã lồng ghép nhiều nội dung về phòng chống bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới, đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… thu hút đông đảo người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Phước Sơn tham gia.
Trong năm 2023, tại huyện vùng cao Phước Sơn đã thành lập mô hình “Chi hội Phụ nữ nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” và sẽ còn mở rộng trong thời gian tới. Nhờ vậy, đã kịp thời ngăn chặn, vận động, tuyên truyền nhiều trường hợp có hiện tượng sẽ xảy ra tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Cũng như huyện miền núi cao Phước Sơn, huyện miền núi cao Đông Giang, tỉnh Quảng Nam nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác dân vận trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đối với từng dự án trong chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Đông Giang đều có kế hoạch cụ thể giao cho từng tổ chức đoàn thể tham gia hoặc chủ trì thực hiện từng dự án.
Cụ thể, lãnh đạo huyện Đông Giang giao Hội Phụ nữ huyện chủ trì thực hiện dự án 8 về những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Thời gian qua, Hội Phụ nữ huyện này đã phối hợp chặt chẽ với UBND huyện, các xã thị trấn triển khai nội dung. Bước đầu, Hội Phụ nữ thực hiện tốt công tác truyền thông về phụ nữ, trẻ em, giải quyết tốt mối quan hệ bình đẳng giới.
Huyện cũng chỉ đạo các hội đoàn thể tham gia thực hiện dự án 3 về “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”. Dự án này đã giúp cho các hội viên, đoàn viên tiếp cận nguồn vốn về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng. Hay như đối với dự án 7 về “Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em”, Lãnh đạo huyện giao Văn phòng HĐND - UBND huyện phối hợp với Trung tâm Y tế và các hội đoàn thể khảo sát đánh giá thực trạng trẻ em trên địa bàn huyện, tuyên truyền vận động nâng cao kiến thức về phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em.
Già làng – cánh tay nối dài của Đảng, Nhà nước
Tỉnh Quảng Nam hiện có 397 già làng, người có uy tín cấp tỉnh, ngoài ra còn có đông đảo người có uy tín cấp huyện, xã được người dân bầu chọn. Những năm qua, tỉnh Quảng Nam thường xuyên quan tâm hỗ trợ đội ngũ già làng, người có uy tín. Qua đó, phát huy vai trò của các già làng, người có uy tín trong tuyên truyền thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Xác định già làng - người có uy tín là những cánh tay nối dài của Đảng, Nhà nước để tuyên truyền, vận động bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số không những về chủ trương chính sách của Đảng, còn là bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương. Không chỉ vậy, Già làng còn là một tuyên truyền viên tích cực, uy tín để tuyên truyền thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. Vì vậy, thời gian qua tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn, nâng cao kiến thức tuyên truyền, vận động cho đội ngũ già làng, người có uy tín ở cơ sở, cấp phát ấn phẩm sách báo, tổ chức cho họ đi tham quan, học hỏi trong và ngoài tỉnh.
Tại huyện vùng cao Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, già làng Bhơ Nướch Buh chia sẻ, bản thân ông luôn gương mẫu thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa”, vươn lên phát triển kinh tế gia đình: “Ở thôn chúng tôi đối với những việc làm không đúng tôi thường xuyên nhắc nhở bà con. Như việc tảo hôn, tôi tuyên truyền, vận động bà con không để xảy ra. Như năm vừa rồi thôn A Rui có trường hợp tảo hôn, chúng tôi tốn rất nhiều công sức giải quyết, sau khi xong rồi mới yên tâm được. Tôi cũng thường xuyên nhắc nhở bà con đừng tin vào cúng bói, mà hãy tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế”.
Còn già làng Nguyễn Thanh Phương, người Ca Dong ở thôn 1, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My cho biết, ông có khu đất rộng dự kiến cho các con làm nhà. Thế nhưng, khi UBND huyện Nam Trà My cần đất để làm nhà cộng đồng tránh lũ, ông đã tự nguyện hiến cả khu đất của gia đình để chính quyền xây dựng công trình tránh lũ. Từ đó, mỗi khi ông Phương vận động người dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn hay các thực hiện chính sách mới, người dân đều nghe theo: “Trên cơ sở mình làm trước rồi nói cho bà con nghe, họ rất là tin tưởng. Chọn những đối tượng nào khá hơn, nhỉnh hơn để tuyên truyền, vận động trước. Còn những người khó khăn hơn thì huyện tuyên truyền sau. Mình vừa có kinh nghiệm, vừa có quá trình mình thuyết phục, lần lượt chỉ bày từ cái nhỏ cho đến cái lợi nhất, thuận lợi nhất khó khăn nhất để người dân thấy”.
Thông qua vai trò, tiếng nói của các già làng, người có uy tín, nhiều hủ tục ở các địa phương miền núi dần được xóa bỏ. Người dân tích cực tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia. Nổi bật là chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những kết quả đó, bên cạnh sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, có đóng góp không nhỏ của đội ngũ già làng, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số.
Ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam khẳng định: “Nếu vai trò của già làng, người có uy tín thật sự mẫu mực, thực sự gương mẫu thì đây là kênh tuyên truyền, vận động bà con hiệu quả nhất. Tôi cũng gửi gắm tình cảm và trách nhiệm của mình cho các vị già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi Quảng Nam".