Xã hội

Cải thiện sức khỏe bà mẹ trẻ em vùng DTTS

D. Thảo 05/10/2023 - 23:03

Thực hiện Quyết định số 1557/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số chỉ tiêu thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững sau năm 2015, các địa phương tích cực đáp ứng yêu cầu cơ bản về chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em theo Quyết định trên.

Nhiều biện pháp triển khai

Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng đồng bào DTTS đã được tỉnh Lạng Sơn thực hiện với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, nhằm giúp bà mẹ, trẻ em được tiếp cận các dịch vụ CSSK hiện đại, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực người DTTS.

Tỉnh Lạng Sơn với trên 80% đồng bào DTTS, những năm qua, việc ưu tiên đầu tư nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhất là nâng cao sức khỏe cho người dân được quan tâm đặc biệt. Trong đó, chú trọng đến việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em nhằm thực hiện hoạt động bổ sung dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em; đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé, tăng cường sử dụng dịch vụ y tế tại cơ sở y tế; tầm soát, sàng lọc bệnh, tật trước sinh và sơ sinh cho trẻ…

Để chủ động cho mục tiêu, triển khai cho đồng bào DTTS, các cơ sở y tế đã can thiệp dinh dưỡng sớm, phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và trẻ em; bổ sung đa vi chất hoặc viên sắt cho phụ nữ mang thai; theo dõi tăng trưởng, bổ sung vitamin A, viên đa vi chất cho trẻ dưới 5 tuổi…

Đồng thời, triển khai đề án "Tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh". Từ năm 2022 đến nay, địa phương đã có trên 14.600 bà mẹ mang thai được tầm soát, chẩn đoán bệnh tật trước sinh; trên 7.550 trẻ được thực hiện sàng lọc sơ sinh. Qua đó đã giúp phát hiện gần 200 mẫu nguy cơ cao với các bệnh.

Cùng với đó, mạng lưới y tế cơ sở, cơ sở vật chất và đội ngũ y, bác sĩ vùng đồng bào DTTS ngày càng đáp ứng yêu cầu cơ bản về chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ ca sinh của phụ nữ DTTS được cán bộ y tế đã qua đào tạo đỡ đẻ đạt 99,5% (tăng 0,5% so cùng kỳ năm 2022).

ba-me-xa-da-vi_0.jpg
Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng DTTS đã đạt được nhiều kết quả, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực đồng bào

Giải quyết khó khăn

Mặc dù công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào đạt được kết quả nhưng nhìn chung, công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em vùng DTTS còn gặp khó khăn. Như tại huyện Na Hang, Tuyên Quang, việc triển khai gặp khó khăn do nhân lực và kinh phí.

Để thực hiện mục tiêu cải thiện sức khỏe của người dân trên địa bàn, huyện đã triển khai mô hình tư vấn tiền hôn nhân, mô hình “chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời”. Trong đó chú trọng đẩy mạnh hoạt động truyền thông tới xã, thôn, bản, cung cấp viên sắt, viên đa vi chất cho phụ nữ có thai.

“Huyện Na Hang có 12 xã, 1 thị trấn nhưng 3 xã chưa có bác sĩ. 6 xã bác sĩ làm việc và ở tại chỗ, những xã còn lại bác sĩ làm việc khoảng 2-3 ngày/tuần tại trạm. Bên cạnh đó, để một bác sĩ chấp nhận rời thành phố về cấp xã là rất khó, kể cả là bác sĩ mới ra trường. Vậy nên năm vừa qua, dù Trung tâm có tổ chức thông báo tuyển dụng bác sĩ nhưng không tuyển được nhân sự nào”, bác sĩ Trần Tuấn Bình - Giám đốc Trung tâm y tế (TTYT) huyện Na Hang chia sẻ.

Mong muốn của tỉnh Tuyên Quang cũng như mong muốn của các địa phương có đông đồng bào DTTS là tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế để mở rộng. Đồng thời duy trì và phát triển mạng lưới cô đỡ thôn bản để làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại những vùng đặc biệt khó khăn.

Hay như tại tỉnh Lạng Sơn, cán bộ nhân viên y tế địa phương mong muốn, do điều kiện kinh tế, giao thông đi lại khó khăn nên hiện vẫn còn một số trường hợp chuyển dạ sớm, phải sinh con tại nhà, đặc biệt là xảy ra đối với người dân ở các thôn vùng sâu vùng xa hẻo lánh.

Trưởng Trạm y tế xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn Dương Thị Hà tâm sự: "Dù giao thông đi lại khó khăn, thế nhưng để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé, khi có thông báo của người dân, chúng tôi lập tức cử cán bộ y tế có trình độ đến tận nhà để đỡ đẻ, hướng dẫn thai phụ và gia đình cách chăm sóc sức khỏe cho trẻ tại nhà".

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO