Bản sắc văn hóa

Vinh danh nghệ thuật hát Soóng cọ

Diệp Trà 08/12/2023 - 06:45

Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng cọ của người Sán Chỉ, Quảng Ninh mới được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tỉnh Quảng Ninh có 5 Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận gồm: Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng cọ của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh; Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soọng Cô của người Sán Dìu tỉnh Quảng Ninh; Lễ hội Đình Đầm Hà (thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà); Lễ hội Đình Vạn Ninh (xã Vạn Ninh, TP Móng Cái) và Lễ hội Xuống đồng (phường Phong Cốc, TX Quảng Yên).

2153002_img_2910_20301027.jpg
Hát Soóng cọ được người dân Quảng Ninh truyền giữ, phát triển

Trước đó, có 7 Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận gồm: Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; Hát Nhà tơ (hát cửa đình); lễ hội Đền Cửa Ông; lễ hội Tiên Công; lễ hội Đình Trà Cổ; lễ hội Đình Quan Lạn và lễ hội Bạch Đằng). Đây là tài sản vô giá trong kho tàng văn hóa các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Hát Soóng cọ là một hình thức diễn xướng dân gian. Phần ca từ bao gồm những khổ thơ thất ngôn tứ tuyệt (mỗi khổ thơ gồm 4 câu, mỗi câu 7 tiếng), giống như hát Sli-lượn của các dân tộc Tày, Nùng hay hát ví của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ. Thông qua lối hát soóng cọ, người hát có thể giao lưu học hỏi lẫn nhau; thể hiện tình cảm tâm tư của mình đến với người mình yêu, răn dạy con cháu về công ơn nuôi dưỡng, sinh thành của cha mẹ, kinh nghiệm đối nhân xử thế…

Hát Soóng cọ có những quy định riêng như không hát với người cùng huyết thống, cùng gia đình (kể cả dâu, rể). Tục hát này cũng nghiêm cấm trẻ con được hát giao duyên, đi hội soóng cọ (slặm nhịt hụi). Với thể thức đối đáp, Soóng cọ được thể hiện với hai tốp nam và nữ. Khi cất lên những câu hát đầu tiên, các bên hát bắt buộc phải có những lời hát mới. Sau các hồi hát chung, các cặp hát hợp nhau hoặc có những ý tình riêng có thể tách ra hát riêng và họ có thể hát tới sáng.

Trước kia, trong ngày hội Soóng cọ, đồng bào Sán Chỉ còn gọi là Hội hát tháng ba thường diễn ra vào cuối mùa xuân, khi vụ cấy đã xong, trai gái hò hẹn nhau tụ hội lên đồi, ra suối để bày tỏ tình cảm yêu thương, kể cho nhau nghe những câu chuyện vui buồn, những công việc hàng ngày để quên đi mệt mỏi, chia sẻ những lời tâm sự, ước mơ về một cuộc sống ấm no.

Hội Soóng Cọ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Sán Chỉ, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa phi vật thể, biến Di sản Văn hóa thành tài sản du lịch.

Nhận thức tầm quan trọng của công tác bảo tồn Di sản Văn hóa trong phát triển Văn hoá - Xã hội, những năm qua, Quảng Ninh luôn đặc biệt quan tâm, dành nhiều nguồn lực cho công tác bảo tồn, phục dựng, phát huy giá trị Di sản gắn với khai thác các sản phẩm du lịch đặc thù từ văn hóa.

Với việc hát Soóng cọ trở thành Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần khai thác du lịch ở vùng cao Quảng Ninh, biến di sản thành tài sản du lịch, khơi dậy tài nguyên nhân văn phục vụ du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO