Tết máng nước (Lễ cúng máng nước) là một trong những lễ hội quan trọng nhất của đồng bào Ca Dong, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Cộng đồng dân tộc ở đây rất coi trọng nguồn nước của làng, xem đây là mạch nguồn sự sống.
Do sống ở lưng chừng núi, nên cuộc sống của người Ca Dong luôn phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên từ suối. Với quan niệm vạn vật hữu linh, mỗi cây, ngọn núi, con sông, con suối đều có thần cai quản, người Co dong tổ chức nghi lễ bắc máng nước để cầu mong thần rừng, thần nước phù hộ, đưa nước về cho bà con có cuộc sống no ấm. Cúng máng nước cũng để cầu mong mưa thuận gió hòa, dân làng khỏe mạnh.
Bên cạnh đó, máng nước còn là nơi để bà con gặp gỡ, chuyện trò, tạo sự kết nối trong cộng đồng. Vì thế, máng nước từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hóa vừa gần gũi vừa thiêng liêng trong đời sống của đồng bào Ca Dong.
Trước kia, theo tâm linh, hàng năm người Ca Dong tổ chức lễ bắc máng nước hai lần (tháng 10 tổ chức ăn lúa mới, tháng 3 trỉa lúa) để cầu mong sự sinh sôi, phát triển của vật nuôi, cây trồng và con người. Theo quan niệm của đồng bào thì vào mùa này, nguồn nước trong rừng sẽ trong lành, mát mẻ. Phong tục này xưa kia được tổ chức thường niên ở tất cả các làng, nóc. Xuyên suốt lễ hội là nghi lễ cúng đất trời, thần linh tại đầu nguồn nước, chân cây nêu và nhà già làng.
Trai gái Ca Dong cùng các bô lão, già làng đã tề tựu đông đủ ở ngôi nhà giữa làng. Tất cả không gian đều tràn ngập sắc màu với những đồ đạc trang trí cho lễ cúng, trang phục truyền thống nhiều màu sắc của người bản địa hòa vào không gian núi rừng. Cây nêu cao hơn 15m đứng sừng sững giữa làng để mời gọi thần linh về chứng giám.
Nguồn nước mà dân làng lấy về sử dụng thường ở trong khu rừng già. Mỗi làng chuẩn bị 2 con gà trống và một con heo để tế lễ. Sau khi cây nêu dựng xong, tất cả đàn ông trong làng sẽ mang lễ vật vào địa điểm lấy nước trên dòng suối.
Các già làng đọc bài khấn trong lễ tế thần: "Hôm nay cả làng lên đây xin thần núi, thần rừng ban phước lành cho dân làng làm ăn thuận tiện, sinh sống đoàn kết; ban cho dân làng nguồn nước trong lành để uống mát cái bụng quanh năm".
Sau lễ tế thần, từng hộ gia đình sẽ dùng một ống nứa rừng múc nguồn nước dưới suối đã được hòa với tiết gà, heo mang về nhà nhóm bếp nấu cơm. Các thanh niên trong làng sẽ đặt ống dẫn nước xuống khe suối để đưa nước về làng.
Khi nguồn nước về tới máng của làng nằm cạnh cây nêu, già làng cắt tiết một con gà nữa để tạ ơn thần linh đã cho nước về với dân làng. Các thanh niên đứng vây quanh cây nêu chứng kiến nguồn nước mới của làng.
Cả làng sẽ mở hội ăn mừng nguồn nước mới. Trong tiếng cồng chiêng rộn ràng, già làng thực hiện các nghi thức bài cúng được người đi trước truyền lại. Sau đó dặn dò con cháu và các thành viên trong làng phải biết giữ gìn nguồn nước trong lành, sạch sẽ; luôn đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, phấn đấu làm ăn để mùa màng bội thu.
Hiện nay đời sống đồng bào vùng cao đã có nhiều thay đổi. Nhiều tập quán phong tục ít nhiều bị mai một. Việc duy trì những nghi lễ truyền thống, đặc trưng như Lễ cúng máng nước là nỗ lực nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa các tộc người vùng cao tại Quảng Nam.