Văn hóa

Giữ lửa nghề rèn

Khánh Vy 24/10/2023 - 13:46

Trong đời sống của đồng bào người Mông có nhiều nghề thủ công mang đậm nét văn hóa dân tộc. Trong đó nghề rèn là một trong những nghề truyền thống lâu đời gắn liền với hoạt động sản xuất của đồng bào. Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, vẫn còn những thợ rèn âm thầm giữ nghề trong các bản làng người Mông ở huyện vùng cao Tủa Chùa, Điện Biên.

Dân tộc Mông chỉ chiếm 1/3 dân số tỉnh Điện Biên. Họ sinh sống ở hầu khắp các huyện, thị, thành phố, song nhiều nhất vẫn là ở các huyện vùng cao Tủa Chùa, Tuần Giáo, Nậm Pồ, Mường Chà, Mường Nhé, Điện Biên Đông.

Người Mông duy trì nhiều nghề thủ công mang đậm nét văn hóa dân tộc, trong đó, nghề rèn được xem là nghề truyền thống gắn bó lâu đời nhất trong hoạt động đời sống, sản xuất của đồng bào. Đây cũng là một trong những làng nghề để lại dấu ấn nhiều nhất của người Mông tại huyện vùng cao Tủa Chùa.

Từ xa xưa, người Mông luôn chọn địa hình vùng cao của miền núi để sinh sống. Cũng bởi sinh sống ở vùng núi cao, cách xa trung tâm xã, huyện mà đời sống của họ theo hướng tự cung tự cấp. Bởi vậy mà việc gì người Mông cũng giỏi, từ rèn dao, rèn cuốc, xẻng, làm giấy, làm hương đến tự làm trang phục để mặc. Ngày nay, nhiều vật dụng trong nhà đã dễ dàng mua được ở chợ xã, chợ huyện nhưng nhiều người Mông vẫn giữ nghề rèn truyền thống.

Nghệ nhân Cứ A Khua, bản Dê Dàng, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa cho biết, để làm ra một sản phẩm, người thợ rèn phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ cắt sắt tạo hình, nung, đập, nhúng nước, rồi lại nung, đập, tới khi định hình được sản phẩm thì mài cho sắc, làm tay cầm.

vna_potal_dien_bien_nghe_ren_cua_nguoi_mong_duoc_cong_nhan_la_di_san_van_hoa_phi_vat_the_quoc_gia_7041628.jpg
Nghệ nhân Cứ A Khua thực hành nghề rèn.

Để có thể ra lò những sản phẩm tốt, được người dùng ưa thích, các thợ rèn người Mông rất "kén chọn" nguyên liệu. Đó phải là những loại thép, sắt có độ bền cao, khi đưa vào sử dụng không bị giòn và chống gỉ tốt. Vì theo kinh nghiệm truyền thống, khâu chọn sắt, thép rất quan trọng, nếu thanh sắt có độ đàn hồi cao, thì khi tạo thành sản phẩm (dao, liềm, xẻng...) khi sử dụng dễ bị sứt mẻ, gãy. Đối với loại sắt, thép có độ cứng cao, khi tạo thành sản phẩm rất khó mài, đồng thời, độ sắc của lưỡi dao không bén, nên không được ưa dùng.

Vì vậy, để biết được loại sắt, thép mình lựa chọn có đủ tiêu chuẩn hay không, người thợ phải quan sát và thử thực tế bằng cách cắt ra một miếng nhỏ cho vào lò nung đỏ rồi đem tôi vào nước, sau đó dùng búa gõ nhẹ xem độ giòn hoặc dẻo của thanh sắt, thép đó để đánh giá chất liệu sắt, thép có đạt tiêu chuẩn không, lúc đó mới quyết định đưa vào sản xuất. Khi đã chọn đúng loại thép tốt thì công đoạn rèn, đúc cũng cực kỳ quan trọng. Do vậy, nguyên liệu để rèn dao chủ yếu được lấy từ nhíp ô tô, lưỡi máy cưa hoặc vòng bi ô tô.

Theo ông Khua, khi nung thép không để bị quá già lửa cũng không được non quá. Khi thấy thép đỏ đến một mức độ nhất định thì lấy ra tán, phải tán đều và nhanh tay, dùng lực hợp lý để đạt được mục đích. Để nhận biết thanh thép đã được nung nóng đủ già hay chưa, người thợ rèn phải nhận biết màu đỏ của thép nung bằng mắt thường một cách tinh tế và chính xác, điều này đòi hỏi nhiều kinh nghiệm.

z480367025713504426b01d9824f007346fdebd0a4261f-1697857830619532199971.jpg
Nghề rèn truyền thống vẫn có chỗ đứng nhất định trong cộng đồng người Mông Tủa Chùa.

Trong khâu tôi thép của người Mông có bí quyết riêng để tạo nên những sản phẩm nông cụ truyền thống có chất lượng cao, đó là khả năng nhìn màu thép để đưa vào tôi. Người Mông có nhiều cách tôi thép khác nhau, có loại thép thì tôi bằng nước, có cho một lượng muối vừa phải, có loại thì tôi bằng nước của thân cây chuối và cũng có thể là bằng dầu nhớt...

Tôi xong thì chọn cán dao phải là cây gỗ già thân dẻo, mọc trên núi cao để tránh gẫy hay mối mọt. Công đoạn cuối cùng là mài dao, trước đây, người Mông thường mài dao bằng đá cuội, nhưng bây giờ dùng máy mài để mài dao, trước khi mài dao phải ngâm trong nước muối 20 phút, phải mài từ ngoài vào trong bằng đá thô đến khi hình thành lưỡi mới bắt đầu mài bằng đá mịn.

Ngày xưa, 100% công đoạn đều thủ công nhưng ngày nay một số công đoạn làm rèn, người Mông đã sử dụng quạt điện thổi lò, máy mài. Tuy nhiên các công đoạn quan trọng nhất từ khâu cắt sắt, tạo hình, quai búa, tay cầm… vẫn làm bằng tay. Vì vậy, đồ rèn của người Mông làm ra có độ tinh xảo riêng, sắc bén và bền lâu với thời gian.

Người Mông quan niệm hình dáng của dao không quan trọng mà quan trọng là ở chất lượng. Hình dáng có thể sửa được nhưng độ sắc của dao thì chỉ rèn một lần. Để có thể học được nghề rèn, người thợ phải có sức khỏe, có cảm nhận thật tinh tế của đôi tai và đôi mắt. Quan trọng phải dùng tay, dùng sức, sự cảm nhận, đặc biệt là sự nhạy bén của đôi mắt. Để có một con dao tốt, đòi hỏi người thợ rèn phải có kỹ thuật điêu luyện, được đúc kết qua nhiều năm chứ không có một công thức chung nào cả.

images3224428_img_4279.jpg
Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa và UBND tỉnh trao Giấy chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề rèn của người Mông tỉnh Điện Biên cho huyện Tủa Chùa.

Nghề rèn của đồng bào Mông không chỉ tạo ra những nông cụ phục vụ nhu cầu sinh hoạt mà còn góp phần duy trì nét văn hóa độc đáo truyền thống của dân tộc mình.

Theo ông Nguyễn Công Trứ - Bí thư Đảng ủy xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa, trước đây riêng trong xã Sính Phình có khoảng gần chục gia đình làm nghề rèn. Tuy nhiên, giờ đây chỉ còn một số gia đình duy trì và cũng chỉ làm khi có người đặt hàng, nhưng nhu cầu sử dụng nông cụ rèn vẫn rất lớn. Do đó, một số hộ vẫn giữ nghề rèn, tạo ra nông cụ để bán tại các phiên chợ, giúp người dân tăng thu nhập và trở thành thứ sản phẩm thủ công không thể thiếu mỗi khi đến với du lịch cộng động.

Anh Trần Phú Thắng, du khách đến Điện Biên cho biết: “Sản phẩm dao của người Mông luôn thu hút được sự quan tâm của phái mạnh. Ai đến du lịch cũng muốn có một sản phẩm để trang trí hoặc để lưu niệm”.

Trong nhịp sống hiện nay, giống như các làng nghề truyền thống khác, nghề rèn của người Mông gặp không ít khó khăn trong việc giữ nghề và tiêu thụ sản phẩm. Việc mua bán các vật dụng kim khí được sản xuất theo hướng công nghiệp từ các nhà máy lớn với giá rẻ là vô cùng dễ dàng, các sản phẩm thủ công truyền thống rất khó cạnh tranh.

Dù vậy, những thợ rèn người Mông Tủa Chùa vẫn cố gắng giữ nghề, thông thường mỗi bản đều có một lò rèn đỏ lửa, phục vụ nhu cầu mua bán, sửa chữa nông cụ của người dân cả bản; với họ việc rèn nông cụ không chỉ là một nghề để sống, nó còn là truyền thống và văn hóa của cộng đồng dân tộc Mông nơi vùng cao.

Nhằm gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS, nghề rèn của người Mông, trong khuôn khổ Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Tủa Chùa năm 2023, Ủy ban nhân dân huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) đã tổ chức Lễ công bố và trao Giấy chứng nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia Nghề rèn của người Mông tỉnh Điện Biên.

Đây không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của đồng bào dân tộc Mông, sự ghi nhận và động viên xứng đáng của các cấp, các ngành đối với nghề rèn người Mông ở Tủa Chùa mà còn trở thành tiền đề, động lực quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt hơn nữa công tác giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc, khơi dậy ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc phát hiện, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình di sản văn hóa, văn hóa phi vật thể tại địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO