Đền Thành hoàng làng Mó ở xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) hiện là ngôi đền thờ duy nhất của đồng bào Thổ ở vùng Tây Bắc xứ Nghệ. Và đây cũng là nơi lưu giữ hai đạo sắc phong quý giá.
Luôn được người dân gìn giữ và bảo vệ cẩn thận như báu vật
Hiện tại, đền Thành hoàng làng Mó, xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) còn lưu giữ hai đạo sắc vua phong từ thời Duy Tân năm thứ 5 (1912) và thời Khải Định năm thứ 9 (1925).
Hai đạo sắc phong này có kích thước tương đối lớn (1,2mét x 0,6mét), làm từ giấy dó, dày, màu vàng đậm, một bề mặt được trang trí hoa văn hình rồng mây màu nhũ bạc, diềm sắc phong rộng 4 cm trang trí văn triện.
Đạo sắc phong được nhân dân địa phương lưu giữ rất cẩn thận nên các họa tiết hoa văn rồng, mây còn rất rõ nét. Toàn bộ hai đạo sắc phong này được viết bằng chữ Hán theo lối chân phương, dễ đọc.
Theo một số người già ở đây cho biết, từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 đến sau cách mạng tháng 8, làng có tên là thôn Sách Mỗ, phủ Quỳ Châu sau đó có tên là thôn Thái Thịnh, tổng Thái Thịnh và từ năm 1961 có tên làng Mó, xã Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp).
Vào ngày 8 tháng 6 năm thứ 5 (1912), vua Duy Tân đã ban sắc phong cho thôn Sách Mỗ, phủ Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An thờ vị thánh hoàng Cao Sơn, Cao Cát, vị thần bảo hộ nước, bảo hộ dân. Đạo sắc này có nội dung: Thần đã có công phò giúp nước, giúp dân, tỏ rõ linh ứng. Xét thấy nơi đây chưa từng được ban cấp văn bản sắc phong. Nay ta nối nghiệp sáng, nghĩ lại đến đức tốt của các vị thần, ngài xứng đáng được phong: làm tĩnh trấn phù bảo hộ trung hưng, thượng đẳng thần. Đặc biệt, chuẩn y phải dốc lòng thờ phụng.
Sau đó, vào ngày 25 tháng 7 năm thứ 9 (1925), vua Khải Định tiếp tục ban cho thôn Thái Thịnh đạo sắc thứ hai. Đạo sắc này có nội dung: Trước kia theo phụng thời vị thần bảo hộ dân, vị thần ấy là Đương Cảnh Thánh hoàng Cao Sơn, Cao Cát. Nay ban cấp sắc phong để phụng thờ, nhân trần mừng tư trấn đại thành ban báu đặc chuẩn y, phải dốc lòng thờ phụng.
Góp phần làm rõ thêm truyền thống lịch sử và văn hóa đương thời
Theo các già làng kể lại rằng, trước kia, làng có 2 đền là đền Thành hoàng làng Mó tọa lạc trên mẫu đất ở giữa làng, có quy mô to lớn với cấu trúc nhà sàn 4 gian bằng gỗ Kền Kền, cột to chừng một người ôm không xuể và Đền thờ Thần Mó (nguồn nước ngầm tự nhiên) được dựng trước khu Mó trên mép rừng Cọ có hàng trăm năm tuổi. Đền 1 gian mái văn tứ trụ thờ 4 phương 8 hướng có cột thờ thiên, thờ thần Mó mong cho mưa thuận gió hòa, nguồn nước được phì nhiêu, mùa được lúa nhiều, cá đầy đồng, ao chum đầy nước, dân làng được ấm no.
Trong chiến tranh loạn lạc, hai đạo sắc phong lúc nào cũng được người dân truyền nhau cất giữ cẩn thận, là vật bất ly thân trong lúc giặc thả bom bắn phá làng. Khi đền bị cháy, chỉ còn giữ lại được 1 cái bàn thờ Tam Sơn, 1 bộ trướng, 2 trưởng đao, 2 thanh kiếm, 1 bộ chiêng, cồng, trống cái và đặc biệt 2 đạo sắc phong của 2 triều đại vua ban vẫn được nhân dân trong xóm đưa về nhà cất giấu trong ống tre, nứa.
Trải qua nhiều thăng trầm, song hai đạo sắc phong đựng trong ống tre nứa lại không bị ảnh hưởng gì nên dân làng càng tin vào sự linh ứng của các vị thần bảo hộ cho sắc phong và dân làng mình hơn.
Vào ngày 8/6 âm lịch hàng năm, nhân dân địa phương tổ chức lễ dâng hương cúng thành hoàng làng. Đến năm 2012, theo nguyện vọng của nhân dân làng Mó nhiều cá nhân trong và ngoài huyện Quỳ Hợp đã ủng hộ để bà con làng Mó phục dựng lại ngôi đền 3 gian như hiện nay.
Đây là hai tư liệu quý để tìm hiểu văn phong, nghệ thuật thư pháp cũng như nghiên cứu những giá trị nghệ thuật, hoa văn, chất liệu giấy đương thời. Hai đạo sắc phong là minh chứng cho sự ra đời của ngôi đền trong lịch sử . Việc Đền Thành hoàng làng Mó ở xã Nghĩa Xuân còn gìn giữ được hai đạo sắc này góp phần làm rõ thêm truyền thống lịch sử và văn hóa vùng đất một thời mang tên Phủ Quỳ.