Phát triển - Hội nhập

Giúp hộ nghèo dân tộc thiểu số vươn lên

Tâm Anh 28/12/2023 - 22:22

Những năm qua, tỉnh Điện Biên đã triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vượt qua ranh giới đói nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Qua đó góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Hỗ trợ “an cư”

Xác định việc chăm lo cho người nghèo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Điện Biên đã tập trung thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình hỗ trợ hộ nghèo của Chính phủ về: Giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ về nhà ở. Nhất là chú trọng hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.

Qua rà soát, hiện nay tỉnh Điện Biên còn 7.447 hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo đang ở nhà tạm, nhà dột nát, hư hỏng có nhu cầu hỗ trợ làm mới và sửa chữa. Trong đó, 5.479 hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu hỗ trợ làm mới; 1.916 hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu sửa chữa; 28 hộ chính sách có nhu cầu làm nhà mới và 24 hộ chính sách có nhu cầu sửa chữa.

Hộ anh Tòng Văn Thương, bản Co Hắm, xã Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng) trước đây sống trong ngôi nhà tạm xiêu vẹo, thường xuyên bị gió lùa mùa đông, mùa hè nắng nóng, mùa mưa thì dột; cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Đầu năm 2023, qua bình xét của bản, gia đình anh được Phòng Giao dịch ngân hàng chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho vay 40 triệu đồng để xây nhà. Cùng với số tiền gần 50 triệu tích góp của 2 vợ chồng và vay mượn thêm anh em họ hàng, anh Thương dựng được ngôi nhà khang trang hơn 80m2 với 1 phòng khách và 3 phòng ngủ.

2810.jpg
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên) thực hiện giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ dân tộc thiểu số xã Ẳng Cang.

Anh Tòng Văn Thương chia sẻ: “Quá trình vay vốn diễn ra nhanh gọn, thủ tục đơn giản, thời gian cho vay dài (15 năm) với lãi suất thấp. Đây là chương trình cho vay ưu đãi rất phù hợp đối với những hộ nghèo dân tộc thiểu số như gia đình tôi. Ước mơ được sống trong ngôi nhà khang trang, kiên cố đã thành hiện thực, đây là động lực để tôi yên tâm lao động sản xuất, xóa nghèo''.

Xác định “an cư” mới “lạc nghiệp”, tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị huy động các nguồn vốn hỗ trợ người nghèo làm nhà. Đặc biệt, thực hiện Đề án vận động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động, hướng tới chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, toàn tỉnh đã được trung ương và nhiều tỉnh, thành trong cả nước hỗ trợ xây dựng 5.000 ngôi nhà đại đoàn kết.

Gia đình bà Lò Thị Tình, ở tổ dân phố Quyết Tiến là 1 trong số 15 hộ trên địa bàn thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa) được hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết theo Ðề án. Ngoài số tiền được ủng hộ, gia đình bà Tình còn được tổ chức tín dụng trên địa bàn tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để hoàn thiện ngôi nhà và phát triển sản xuất. Ngày khánh thành nhà mới (tháng 9/2023), gia đình bà Tình còn được các cơ quan, đoàn thể hỗ trợ một số đồ dùng sinh hoạt.

Bà Tình xúc động cho biết: “Bây giờ tôi yên tâm rồi. Cảm ơn Đảng, Nhà nước, các cơ quan đã giúp đỡ người nghèo như chúng tôi được ở trong ngôi nhà kiên cố''.

Tiếp sức “lạc nghiệp”

Trước đây, gia đình ông Lò Văn Pản là một trong những hộ nghèo của bản Bó, thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên). Năm 2019, gia đình ông được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 50 triệu đồng. Ông Pản đã đầu tư mô hình vườn, ao, chuồng và trồng rừng. Nhờ sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, sau mỗi năm ông lại dùng tiền tích lũy đầu tư mở rộng mô hình VAC nên gia đình ông đã có nguồn thu nhập ổn định và thoát được nghèo.

Ông Pản chia sẻ: “Tôi may mắn được vay vốn chính sách và cơ quan chức năng hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi lợn, gà, cá. Đến nay, mô hình kinh tế của gia đình phát triển tốt, cho thu nhập mỗi năm 80 triệu đồng''.

8754.jpg
Chương trình Vùng Tủa Chùa hỗ trợ con giống, thức ăn chăn nuôi cho hộ nghèo trên địa bàn huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên).

Những năm qua, các chương trình, chính sách hỗ trợ người nghèo đã phát huy hiệu quả trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Chỉ tính riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ đầu năm 2023 đến nay đã huy động hơn 1.800 tỷ đồng (vốn năm 2022 chuyển sang hơn 478 tỷ đồng) để thực hiện đầu tư, hỗ trợ người nghèo. Trong đó, riêng hỗ trợ sản xuất, sinh kế toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi nghề cho 41 hộ dân, hỗ trợ đào tạo nghề gần 2.100 người; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho gần 1.500 hộ dân; hỗ trợ 39 dự án liên kết phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp. Bên cạnh đó, khoảng 13,8% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông – lâm - ngư nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất.

Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo Phòng Giao dịch các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương triển khai kịp thời các chương trình cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Thông qua các nguồn vốn, đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận giống mới, khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi nghề nghiệp… Qua đó tạo sinh kế giúp bà con từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên, các hoạt động cụ thể, thiết thực hướng về người nghèo trên địa bàn tỉnh không chỉ được tổ chức nhân ngày lễ, Tết, Ngày Vì người nghèo hằng năm đã và đang được tiến hành thường xuyên, liên tục. Với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ nên các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo được triển khai trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm qua từng năm. Tính đến tháng 9/2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh giảm còn 28,55% (giảm 1,8% so với năm 2022). Trong giai đoạn 2021-2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,55%/năm (vượt mục tiêu đề ra là 4%/năm), qua đó góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 18,9%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO