Đời sống

Tưng bừng tiệc núi

Gia Bảo 03/11/2023 - 05:42

Mỗi dịp cuối năm, khi ngược ngàn Tây Bắc, nếu may mắn, khách thượng sơn sẽ được đắm mình trong không khí lễ hội Pang Phóong của đồng bào Kháng. Đây thực sự là một trong những “bữa tiệc” tưng bừng trên núi cao.

Lãng mạn Pang Phoóng

Dân tộc Kháng là một trong những dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời ở miền núi Tây Bắc. Trước đây, người Kháng được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: Xá Khao, Xá Xú, Xá Ðơn, Xá Dâng, Xá Hộc, Xá A Ỏ, Xá Bung, Quảng Lâm. Tại huyện Tuần Giáo, Điện Biên, người Kháng là một trong những dân tộc ít người, cư trú thành từng bản, sinh sống tập trung ở các xã Ta Ma, Rạng Ðông.

Ðời sống kinh tế của người Kháng chủ yếu dựa vào ruộng nương, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nghề thủ công đan lát phục vụ cho đời sống, trao đổi các vật phẩm cần thiết. Họ còn nhiều giá trị văn hóa độc đáo, riêng biệt về phong tục, tập quán, truyền thuyết, truyện kể dân gian… vẫn được bảo lưu, trao truyền đến nay, như: Phong tục ăn, ở, hôn nhân, tang ma, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Cùng với đó là nhiều lễ hội văn hóa hết sức đặc sắc như lễ tra hạt, lễ cơm mới hay lễ hội Pang Phóong, lễ hội rượu cần.

Theo truyền thuyết, lễ hội Pang Phoóng của dân tộc Kháng dòng họ Lò, ngành Lò Khun ở Điện Biên bắt nguồn từ một sự tích. Đó là câu chuyện tình dang dở đầy lãng mạn giữa chàng trai con Tạo bản và nàng vượn hóa thân thành thiếu phụ. Câu chuyện được lưu truyền từ xa xưa nhằm tôn vinh gốc linh, hướng con người luôn nhớ về cội nguồn.

Lễ Pang Phoóng được diễn ra một năm một lần hoặc 3 năm một lần. Thường được tổ chức vào các tháng 10, 11, 12 âm lịch hàng năm, sau khi thu hoạch xong vụ mùa ở trên nương. Nghi lễ diễn ra trong phạm vi một dòng họ và được tổ chức tại gia đình trưởng họ, có sự tham gia đóng góp của các gia đình trong dòng họ.

anh-bai-tung-bung-tiec-nui-3.jpg
Rạng rỡ nụ cười phụ nữ kháng

Trong lễ Pang Phóong không thể thiếu phần hội được mọi người hưởng ứng nhiệt tình và cũng không giới hạn người tham gia. Thậm chí còn có sự tham gia góp vui của các dân tộc khác sinh sống quanh vùng.

Phần lễ thường được tiến hành từ sáng sớm, những đồ lễ đã được chuẩn bị từ mấy hôm trước được trưởng họ sắp sếp tại gian thờ tổ tiên, thắp hương xin phép tổ tiên được làm lễ Pang Phóong cho dòng họ. Khi đã bày mâm cúng xong, trưởng họ mời thầy cúng vào làm lễ báo tổ tiên và mời tổ tiên về dự lễ phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát đạt…

Quá trình làm lễ không thể thiếu những con vật hiến tế là lợn và gà. Đặc biệt, trong mâm cúng Pang Phóong theo quan niệm của dòng Lò Khun tổ tiên của dòng họ là mẹ Vượn nên không thể thiếu các loại rau, củ, quả như khoai lang, đu đủ, khoai sọ, chuối, bí đỏ, bí xanh…

Khi các đồ lễ được sơ chế và chế biến xong được bày lên mâm rồi mang vào gian thờ cúng. Mâm được lót bằng lá chuối, để nguyên cả 01 con lợn và 05 con gà đã chế biến chín đặt lên trên mâm, đặt cả mâm vào trong gian Khlọ hoóc thầy cúng tiếp tục vào khấn báo với tổ tiên.

Mâm cúng thường được chia thành 04 mâm, thầy cúng vừa làm lễ vừa lấy ở mỗi mâm một ít thức ăn cho vào lá Mắc chắc làm mâm lý nhỏ gồm 36 mâm, thầy cúng tay vừa dải mâm, miệng vừa khấn.

Tiếp đến thầy cúng gõ chiêng, chủ nhà hầu lễ bên cạnh báo hiệu cho mọi người biết tổ tiên đã cho phép cho con cháu khai hội trong lễ Pang Phóong.

Thầy cúng lấy chum rượu cần uốn dây lạt hình chữ chữ A rồi vẩy rượu từ trong chum ra ngoài với ý nghĩa mời rượu cho tổ tiên. Đại diện các gia đình trong họ cũng làm theo, tay vừa làm miệng vừa khấn.

Nghi thức cúng báo tổ tiên đã hoàn thành, gia chủ mời mọi người vào dự tiệc. Vò rượu cần được đặt ở giữa nhà, chủ nhà làm nghi lễ khai tiệc, mời mọi người cùng thưởng thức rượu cần, mâm cơm diễn ra đầm ấm. Đây là dịp để mọi người giao lưu, trao đổi kinh nghiệm làm ăn kinh tế…

Những lời chúc tụng nhau trong men rượu cần đã ngà ngà say cũng là lúc diễn ra phần hội thật rộn ràng. Người gõ trống, gõ chiêng, chúm chọe tạo nhịp âm thanh sôi nổi, còn những người khác thì cầm theo một đoạn ống tre (Tăng Bu) dài khoảng 1,5m, uyển chuyển và mạnh mẽ trong điệu múa cách điệu nghi thức trọc lỗ tra hạt truyền thống.

Vừa múa, họ vừa đứng sát vào nhau và di chuyển vòng quanh. Tay người đi sau đặt lên vai người phía trước, tay còn lại thì sẽ gõ Tăng Bu. Cứ thế, vòng xoay dường như bất tận trong tiếng chiêng tiếng trống hòa với những bài hát truyền thống thể hiện sự đoàn kết dân tộc.

Nồng nàn sắc núi

Quỳnh Nhai, Sơn La được biết đến là một trong những địa bàn tập trung đông đảo đồng bào Kháng sinh sống. Trong đời sống văn hóa của dân tộc này có rất nhiều lễ hội truyền thống mang sắc màu riêng biệt, nhất là Lễ hội Pang Phoóng, hay còn được gọi là Lễ hội rượu cần.

Đến ngay cả những người già ở Quỳnh Nhai cũng không mấy người còn nhớ rượu cần có từ bao giờ, nhưng trong mỗi gia đình đồng bào dân tộc Kháng thì vò rượu cần không thể thiếu khi nhà có khách đến thăm, hay mỗi dịp vui chơi, lễ tết của bản.

anh-bai-tung-bung-tiec-nui-1.jpg
Rộn ràng điệu múa Tăng bu

Và cũng từ xa xưa, Lễ hội rượu cần được đồng bào người Kháng tổ chức hàng năm, vào khoảng từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch, với ý nghĩa cầu mong một năm mới mọi người mạnh khỏe, đoàn kết, mọi gia đình đều có cái ăn, cái mặc, bản làng no ấm, trù phú.

Nói về những nét độc đáo của Lễ hội rượu cần, nghệ nhân Lò Thị Ơn, người Kháng ở bản Hát Củ, xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La cho biết: Lễ hội rượu cần là một nét văn hóa của dân tộc Kháng, nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, chúc cho mọi người có sức khỏe, làm ăn phát tài. Dân tộc Kháng ngày xưa không uống rượu chai mà chỉ uống rượu cần, vậy nên bà con tổ chức lễ hội uống rượu cần và múa vòng quanh chum rượu cần để thể hiện bản sắc của dân tộc từ xa xưa để lại.

Khác với các lễ hội khác, Lễ hội rượu cần chỉ có duy nhất phần hội chứ không có phần lễ cúng. Trên một khoảng đất rộng bằng phẳng, người ta đặt một cây nêu, bên trên trang trí nhiều đồ vật như: Dải hoa vải, trống chỉ, quả còn, con ve, chim cu, hoa ban, hoa mạ... xung quanh cây nêu là 3 vò rượu cần lớn và một chum nước sạch.

Bắt đầu Lễ hội, những người phụ nữ trong trang phục truyền thống của dân tộc Kháng sẽ cầm những chiếc gậy tre dài khoảng 1,2m, đập xuống đất theo nhịp 3-3, đồng thời, múa điệu Tăng Bu xung quanh những vò rượu. Tiếp đó, 3 người đàn ông sẽ đến múc nước từ chum vào vò rượu cần bằng một chiếc sừng trâu nhỏ mời khán giả đứng xem quanh đó uống rượu chung vui.

Theo phong tục của đồng bào Kháng, mỗi người khách khi được mời rượu sẽ phải uống tối thiểu 2 “sừng”, tức 2 lần đổ nước từ chiếc sừng trâu rồi mới được đứng dậy. Điều này thể hiện tính hiếu khách của gia chủ, ngược lại, nếu những người khách không uống hết rượu sẽ bị coi là không tôn trọng người mời.

anh-bai-tung-bung-tiec-nui-2.jpg
Lễ hội rượu cần, một trong những lễ hội lớn nhất trong năm của người Kháng

Đặc sắc là vậy, tuy nhiên theo thời gian, những lễ hội của người Kháng đang có nguy cơ mai một, bởi thế hệ trẻ trong cộng đồng người Kháng ít quan tâm đến giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Bởi lẽ, những người già am hiểu về phong tục dân tộc Kháng còn rất ít, mà lớp trẻ lại chưa thực sự đam mê với văn hóa truyền thống.

Thực tế cho thấy, dù vẫn giữ được tiếng nói riêng nhưng nhiều nét văn hóa của người Kháng đang dần bị đồng hòa với người Thái. Chính vì vậy, trong những năm qua, ngành văn hóa của các địa phương như Sơn La, Điện Biên đã và đang cố gắng triển khai thực hiện các chương trình, dự án về công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc Kháng.

Từ năm 2009, Bảo tàng tỉnh Ðiện Biên đã xây dựng và tổ chức nhiều hoạt động nhằm bảo tồn lễ hội Pang Phoóng, dòng họ Lò, ngành Lò Khul, bản Nậm Mu, xã Rạng Ðông. Ngay năm tiếp theo, Bảo tàng tỉnh lại tiếp tục nghiên cứu, kiểm kê và cho xuất bản cuốn sách dân tộc Kháng, trong đó các bài viết nghiên cứu, giới thiệu về lễ hội Pang Phoóng và nhiều lễ hội, phong tục, tập quán khác của người Kháng.

Đồng thời, ngành văn hóa của tỉnh cũng tạo điều kiện để bà con dân tộc Kháng tham gia trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) nhằm tôn vinh, bảo tồn vẻ đẹp văn hóa đặc trưng và trang phục truyền thống của dân tộc.

Kể từ năm 2009, cứ định kỳ 2 năm 1 lần, tỉnh Điện Biên lại tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc trong tỉnh với nhiều nội dung, trong đó, lễ hội Pang Phoóng và các di sản văn hóa truyền thống của người Kháng cũng được tái hiện sinh động.

Còn tại Quỳnh Nhai, Sơn La, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cũng thường xuyên tổ chức Tuần văn hóa, thể thao và du lịch Quỳnh Nhai, tích cực phối hợp với các nghệ nhân dân tộc Kháng tại xã Chiềng Ơn để tổ chức phục dựng, tái hiện lại Lễ hội rượu cần, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc Kháng.

Việc tổ chức phục dựng, tái hiện lại Lễ hội rượu cần của dân tộc Kháng không chỉ nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn tuyên truyền, quảng bá hình ảnh văn hóa của các dân tộc huyện Quỳnh Nhai đến đông đảo du khách gần xa, góp phần thu hút khách du lịch.

Thời gian tới, các cơ quan chuyên môn của huyện sẽ tăng cường giáo dục truyền thống về giá trị văn hóa cho thế hệ trẻ, để họ nhận thức được giá trị nhân văn về văn hóa của cộng đồng dân tộc.

Pang Phóong hay nhiều lễ hội khác không chỉ mang bản sắc riêng, đậm màu sắc huyền ảo, phản ánh hiện thực đời sống tâm linh cộng đồng người Kháng, mà nó còn giống như lời nhắc nhở cháu con nhớ lấy cội nguồn, tổ tiên để rèn tâm dưỡng đức. Đồng thời, mỗi lễ hội còn truyền tải là thông điệp kết nối quá khứ với hiện tại, thể hiện khát vọng bình dị ngàn đời về cuộc sống ấm no, hạnh phúc của những người dân vùng Tây Bắc của Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO