Cải tạo vườn tạp, xây dựng mô hình vườn-ao-chuồng với những loại cây có giá trị kinh tế cao đang mở ra cơ hội vươn lên làm giàu cho nhiều hộ dân tộc thiểu số ở xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Nhiều gia đình đã thoát khỏi khó khăn, vươn lên làm giàu và trở thành điểm sáng, mô hình mẫu để các hộ dân khác học theo.
Chị Lự Thị Tiến, dân tộc Tày, thôn Bản Thăng, xã Tùng Vài vui vẻ mời chúng tôi vào ngôi nhà rộng rãi nằm ngay bên trục đường chính của thôn. Bên cạnh nhà chị là một ao cá lớn. Chị kể: “Trước đây, khu vườn này vợ chồng tôi để không, sau được các anh biên phòng tư vấn, vợ chồng tôi đào ao thả cá nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình”.
Như nhiều hộ gia đình khác ở thôn Bản Thăng, trước đây, vợ chồng chị Tiến chỉ trồng lúa và ngô, quanh năm vất vả. Năm được mùa, gia đình anh chị thu hoạch được khoảng 6 tấn cả lúa và ngô. Quy ra tiền, số lúa ngô đó có giá trị khoảng vài chục triệu đồng.
Chị Tiến bảo, đất đai của gia đình vẫn còn nhiều nhưng để trồng ngô, lúa thì không có sức nên bao năm qua cứ để không. Mãi đến năm 2020, cán bộ Đồn Biên phòng Tùng Vài, BĐBP Hà Giang tới phân tích, tư vấn và hỗ trợ ngày công lao động, gia đình chị Tiến đã cải tạo vườn tạp phát triển kinh tế vườn hộ. “Các chú Biên phòng bảo, gia đình chị có lợi thế đất đai nhiều, lại ở gần nhà mà cứ để không như thế thì rất phí. Trong khi thời tiết, khí hậu ở đây rất hợp với những loại cây lâu năm như hồng, lê - đều là giống cây có giá trị kinh tế cao, lại không mất nhiều công chăm sóc, vậy thì tại sao lại không trồng để có thêm thu nhập cho gia đình” - chị Tiến kể.
Với sự giúp sức của cán bộ Đồn Biên phòng Tùng Vài, gia đình chị đã dọn vườn, làm đất đầu tư trồng cây tập trung. Đến giờ, gia đình chị Tiến đã trồng hơn 30 cây mận, hơn 40 cây hồng. Ngoài ra, vợ chồng chị Tiến còn trồng chanh. Trong thời gian chờ thu nhập từ cây hồng và lê, chị Tiến trồng xen kẽ các loại rau cải, cà chua, dưa chuột trong vườn. “Đây đều là các loại cây ngắn ngày mà thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn và được giá. Có thời điểm, cà chua lên tới hơn 20.000 đồng/kg, người ta đến thu mua tận vườn nhà tôi mà vẫn không đủ đáp ứng số lượng họ cần” - anh Nguyễn Xuân Hanh, chồng chị Tiến chia sẻ.
Để vườn cây sinh trưởng, phát triển tốt, ngoài sử dụng kinh nghiệm dân gian, vợ chồng chị Tiến thường lên mạng tìm hiểu về kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả để áp dụng. Đến năm 2023, một số cây hồng và lê trong vườn nhà chị Tiến đã bói quả. Với mức giá 15.000 - 20.000 đồng/kg lê và trên 30.000 đồng/kg hồng không hạt, chị Tiến hy vọng thu nhập của gia đình sẽ tốt hơn nhiều so với trồng lúa và ngô.
Sau thăm vườn lê nhà chị Tiến, chúng tôi tới tham quan mô hình vườn - ao - chuồng của gia đình anh Nguyễn Định Hường và chị Thèn Thị Lan được gây dựng từ việc chuyển đổi vườn tạp. Trước nhà chị Lan là một ao cá lớn được mở rộng từ một ao nhỏ bỏ hoang trước đây. Năm 2022, chị Lan mới bắt tay vào cải tạo vườn tạp thành mô hình chăn nuôi và trồng trọt, nhưng đã có nguồn thu nhập ban đầu. Ngoài ao thả cá trắm tận dụng thức ăn từ tự nhiên, chị còn mở rộng chuồng trại để nuôi lợn, tạo nguồn thu ổn định.
Trước đây, gia đình chị Lan chỉ trồng ngô và nhiều loại khác. Theo lời chị Lan, mỗi năm, số tiền từ bán ngô chỉ khoảng 3-4 triệu đồng nên cuộc sống của gia đình chị luôn thiếu thốn, khó khăn. Luôn mong muốn có được thu nhập cao hơn nên khi được cán bộ Đồn Biên phòng Tùng Vài tư vấn, hỗ trợ công lao động làm đất, vợ chồng chị Lan đã quyết định dọn dẹp vườn, thay đổi cơ cấu cây trồng. Ngoài việc đào ao thả cá, từ năm 2022, gia đình chị đã Lan cải tạo diện tích đất bỏ hoang thành vườn cây trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như chanh, lê. Không chỉ vậy, chị còn được hỗ trợ vay 30 triệu đồng không lãi suất trong 2,5 năm từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển mô hình vườn-ao-chuồng. Chị Lan cho biết: “Từ số tiền được vay, tôi đầu tư xây chuồng, nuôi lợn. Trong chuồng nhà tôi luôn nuôi 5-6 con lợn. Mỗi năm tôi cho xuất chuồng một lần”.
Tận dụng các khoảnh đất trống của gia đình, chị Lan còn trồng rau, dưa chuột, không chỉ phục vụ nhu cầu của gia đình mà còn có rau để bán thường xuyên. Anh Hường hào hứng cho biết: “Từ năm ngoái, tôi bắt đầu đầu tư trồng dưa chuột trên diện tích 1.000 mét vuông. Đây là loại cây có nhu cầu tiêu dùng lớn, đặc biệt, dưa chuột có thể trồng 1 năm hai vụ, cây trồng phát triển nhanh, không đòi hỏi công chăm sóc nhiều. Giá bán của dưa chuột ổn định, khoảng 5.000 đến 12.000 đồng/kg tùy vào thời điểm. Năm vừa rồi, tôi thu được khoảng 1,6 tấn dưa mỗi vụ, tính thành tiền khoảng hơn 10 triệu đồng/vụ. So với trồng lúa thì thu nhập từ dưa cao hơn 2 lần lại không vất vả”. Tận dụng khoảng đất trống sau nhà, năm nay, chồng chị còn đầu tư trồng thêm 1.000 gốc cà chua để gia tăng thêm thu nhập. Cùng với chăn nuôi, nguồn thu từ trồng trọt đã giúp kinh tế gia đình anh vững vàng hơn và thoát khỏi diện cận nghèo.
Chị Lan và chị Tiến nằm trong số những hộ gia đình đầu tiên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn cây tạp, dàn trải thành vườn cây tập trung nhằm tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững của thôn Bản Thăng. Anh Lử Chiều Đoàn, Trưởng thôn Bản Thăng cho biết: “Trước đây, diện tích đất bỏ hoang trong thôn khá nhiều. Từ khi bà con tận dụng quỹ đất đó để trồng rau, đào ao nuôi cá và trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như ớt, hồng không hạt, đến nay, trong thôn có hơn 100 cây hồng cho thu hoạch quả, thu nhập của bà con đã tăng lên đáng kể”.
Chúng tôi được biết, cùng với thôn Bản Thăng, 10 thôn, bản khác ở xã Tùng Vài đang đẩy mạnh việc cải tạo vườn tạp, tận dụng đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng lựa chọn cây, con phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nhằm xóa đói giảm nghèo. Một số mô hình kinh tế đã mang lại hiệu quả trong thực tế như nuôi cá tầm, chim bồ câu, trồng dưa chuột, hồng không hạt, rau bắp cải trái vụ, cây gừng trâu ruột vàng...