Đời sống

Thế hệ trẻ hướng tới văn hóa truyền thống

Hoàng Giang 31/05/2024 - 14:07

Trong bối cảnh công nghệ số phát triển bùng nổ như hiện nay, thế hệ trẻ thường có xu hướng tiếp nhận những luồng văn hóa và trào lưu mới. Tuy nhiên, những giá trị văn hóa truyền thống vẫn đang được nhiều bạn trẻ đam mê, yêu thích. Bằng nhiều hình thức khác nhau, họ đã giới thiệu, quảng bá và phát huy những nét đẹp của văn hóa dân tộc.

Kênh Youtube “Tay đăm Sơn La” do anh Lò Bảo Toán, sinh năm 1992, trú tại thành phố Sơn La thành lập từ năm 2017, đến nay kênh đã có hơn 150.000 người theo dõi. Hơn 7 năm qua, anh đã sáng tạo trên 2.600 video phản ánh về các nét văn hóa truyền thống của dân tộc Thái, gồm những làn điệu khắp, điệu pí pặp, khèn bè hay những cuộc giao lưu văn hóa, văn nghệ của cộng đồng dân tộc Thái giữa các địa phương. Ngoài ra còn có nhiều clip dạy tiếng Thái, chữ Thái... thu hút gần 100 triệu lượt người xem và tương tác.

nghe-nhan-uu-tu-lu-hong-xua-xa-chieng-khoi-huyen-yen-chau-thu-4-tu-trai-sang-truyen-day-dien-tau-khen-be-cho-cac-hat-nhan-van-nghe-1-.jpeg
Nghệ nhân ưu tú Lừ Hồng Xưa, xã Chiềng Khoi, huyện Yên Châu (thứ 4 từ phải sang) truyền dạy diễn tấu khèn bè cho các hạt nhân văn nghệ.

Chia sẻ về mục đích của mình, anh Lò Bảo Toán cho biết: Với lòng tự hào dân tộc, tôi rất thích những lời ca, điệu khắp ngọt ngào của các bà, các mẹ. Là một người trẻ, có điều kiện tiếp cận với công nghệ và mong muốn gìn giữ, quảng bá bản sắc văn hóa của dân tộc mình, tôi đã đến nhiều bản làng, tìm gặp nhiều nghệ nhân để ghi lại hình ảnh về những điệu múa, bài khắp, thu âm những bài thơ, truyện cổ tích, sử thi… bằng tiếng Thái, sau đó chia sẻ lên một số nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube và ngày càng được nhiều người quan tâm yêu thích. Đây là động lực để tôi tiếp tục sáng tạo thêm những nội dung phong phú, hấp dẫn để quảng bá rộng rãi những nét văn hóa của dân tộc.

Câu lạc bộ “Mẹ chồng nàng dâu” ở tổ 3, phường Chiềng An, Thành phố, hiện có hơn 100 thành viên tham gia. Sinh hoạt đều đặn vào thứ 7 hàng tuần, CLB không chỉ là nơi để các mẹ chồng, con dâu trao đổi những tâm tư trong cuộc sống mà còn là cầu nối để thế hệ trẻ nối tiếp những giá trị văn hóa truyền thống của thế hệ đi trước, thông qua các hoạt động như dạy múa, khắp Thái, thêu thùa... Nhiều nàng dâu mới ở tuổi đôi mươi, nếp sống, suy nghĩ đã có nhiều đổi mới, song họ vẫn tiếp nhận những giá trị văn hóa truyền thống với một thái độ tích cực, yêu thích.

Chị Lò Hải Yến, thành viên CLB, chia sẻ: Tham gia CLB, chúng tôi được các bà, các mẹ dạy cho rất nhiều nét văn hóa như khắp Thái và các điệu múa, tôi rất yêu thích và cũng cảm thấy rất tự hào vì là một người con của dân tộc Thái. Sau này tôi cũng sẽ dạy lại cho các con cháu những giá trị truyền thống của dân tộc mình.

Để người trẻ thêm yêu và gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện đại, những năm qua, các địa phương và nhiều đơn vị trong tỉnh đã tích cực tổ chức các hoạt động tập huấn, mời các nghệ nhân dân gian tham gia truyền dạy văn hóa cho các thế hệ. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền vận động thanh thiếu niên, học sinh tích cực tham gia các đội văn nghệ quần chúng, CLB văn hóa ở cơ sở. Trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều CLB văn hóa hoạt động sôi nổi, thu hút sự tham gia của đông đảo tầng lớp thanh niên, tiêu biểu như: CLB Thái cổ Mường Vạt ở xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu; CLB văn hóa các dân tộc ở bản Cọ, phường Chiềng An, thành phố Sơn La; CLB những người yêu văn hóa Thái Sơn La...

Nghệ nhân Lường Văn Chựa, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, thông tin: Truyền dạy văn hóa truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ là việc rất cần thiết. Hằng năm, tôi đều tổ chức lớp dạy chữ Thái và truyền dạy diễn tấu các loại nhạc cụ dân tộc như khèn bè, trống chiêng cho các cháu nhỏ, thanh thiếu niên. Các cháu rất hào hứng khi được học và tiếp thu rất nhanh, mai này sẽ trở thành những truyền nhân kế cận, gìn giữ và lan tỏa văn hóa dân tộc tới thế hệ sau.

Sự tích cực trong việc sáng tạo và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống cho thấy giới trẻ không hề lãng quên văn hóa dân tộc. Do vậy, sự quan tâm, định hướng của các tổ chức, đơn vị, địa phương là rất cần thiết để khơi dậy tình yêu với văn hóa truyền thống trong thế hệ trẻ, để họ thực sự trở thành những người nối tiếp, khơi nguồn dòng chảy văn hóa truyền thống của dân tộc sống mãi với thời gian.

Theo Báo Sơn La
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO