Xuất phát từ tình yêu thương đối với học trò vùng cao, suốt hơn 30 năm qua, thầy giáo Đoàn Văn Anh, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Húc (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đã dần quen với những con đường dốc, những phòng học đơn sơ, những điểm trường sạt lở. Với sự tâm huyết, nhiệt tình, thầy đang từng ngày nỗ lực cống hiến, đóng góp sức lực, trí tuệ cùng đồng nghiệp tạo nên những chuyển biến tích cực cho giáo dục tiểu học ở huyện miền núi Hướng Hóa.
Thầy Đoàn Văn Anh gắn bó với công tác giáo dục huyện Hướng Hóa từ năm 1987. Thầy đã trải qua nhiều vị trí công tác ở các trường tiểu học Xy, Thuận, Húc. Mỗi đơn vị đi qua, thầy không chỉ làm tốt công tác chuyên môn mà còn đồng hành, giúp đỡ rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Xã Húc là xã đặc biệt khó khăn, giao thông đi lại còn nhiều cách trở, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài điểm trường chính tại trung tâm xã ở thôn Ván Ri, trường còn có 6 điểm trường lẻ đóng tại các thôn, bản gồm: Húc Thượng, Húc Ván, Tà Rùng, Cu Dong, Tà Cu, Ho Le. Trong đó, điểm trường xa trung tâm nhất là Tà Cu, cách điểm trường chính khoảng 10 km; điểm trường khó khăn nhất là Ho Le cách điểm trường chính khoảng 7 km nhưng có đến 3,5 km đường đã bị sạt lở phải đi bộ mới vào được.
Các điểm trường hầu hết cơ sở vật chất còn rất đơn sơ, trang thiết bị dạy học đã cũ, hư hỏng, nhiều phòng học còn tạm bợ. Khó khăn vất vả là vậy nhưng ngay từ khi mới về trường nhận nhiệm vụ, thầy Anh cùng đội ngũ sư phạm nhà trường vẫn kiên trì bám bản, bám trường, dành hết tâm sức vận động học sinh đến trường.
Ngoài công tác chuyên môn, thầy cũng tích cực tìm kiếm, kêu gọi vận động các nguồn hỗ trợ để nâng cấp, sửa chữa trường lớp. “Chứng kiến sự vất vả của học trò càng thôi thúc tôi phải làm điều gì đó giúp các em có môi trường học tập tốt hơn. Với phương châm không trông chờ vào ngân sách nhà nước, hàng năm, tôi đều tìm kiếm các nguồn tài trợ, vận động xã hội hóa thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó, tập trung huy động nguồn lực đóng góp từ các doanh nghiệp, cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh và Nhân dân trên địa bàn”, thầy Anh chia sẻ.
Hơn 3 năm làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Húc, thầy tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp đầu tư kinh phí xây dựng các điểm trường. Kết quả, năm học 2021-2022 trường được đầu tư xây dựng 1 nhà hiệu bộ với tổng kinh phí 2,6 tỉ đồng; 3 phòng học tại điểm trường Cu Dong với tổng kinh phí 1,3 tỉ đồng.
Ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, thầy Anh tích cực vận động các nguồn xã hội hóa và nhà hảo tâm để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tại các điểm trường. Năm 2022, từ nguồn tài trợ của Công ty Bảo hiểm nhân thọ AIA với số tiền 400 triệu đồng kết hợp với 200 triệu đồng từ nguồn vốn đối ứng của huyện, thầy Đoàn Văn Anh chỉ đạo xây dựng 1 phòng học khang trang tại điểm trường Húc Thượng và 2 nhà công vụ có bếp ăn và công trình vệ sinh khép kín tại điểm trường Ho Le.
Từ nguồn tài trợ của Dự án Plan, trường đã xây dựng được 1 công trình vệ sinh, 1 thư viện ngoài trời, 2 giếng khoan tổng trị giá 280 triệu đồng. Cứ đều đặn hàng năm, từ các nguồn vốn xã hội hóa, lúc sửa lại mái tôn, lát nền, sửa sang phòng, lớp học, khi lại hỗ trợ cặp, sách vở, chăn ấm cho học sinh nghèo, diện mạo các điểm trường của Trường Tiểu học Húc dần thay đổi, những phòng học cấp 4 đơn sơ dần được thay thế bằng những dãy nhà bê tông ngày một khang trang, kiên cố hơn. Các em học sinh có thiết bị học tập tương đối đầy đủ để nâng cao chất lượng học tập.
Nhận thấy sự tận tâm, nhiệt huyết của thầy hiệu trưởng, phụ huynh học sinh luôn ủng hộ, đồng hành với nhà trường trong các hoạt động, tích cực đóng góp nguyên vật liệu, ngày công trực tiếp làm thêm các công trình phụ trợ như đường vào điểm trường Cu Dong, tường rào, sân trường, nhà xe, công trình nước sạch...
Chia sẻ về cách thức huy động nguồn lực cho trường học, thầy Anh cho biết: “Mỗi lần đề xuất một chủ trương gì về giáo dục ở địa phương đều phải tham mưu cụ thể giải pháp thực hiện. Bên cạnh đó, nhà trường cùng trao đổi thảo luận với ban đại diện cha mẹ học sinh, xây dựng kế hoạch sử dụng hợp lý các nguồn lực tài trợ”.
Trong công tác quản lý, thầy linh hoạt trong việc phân quyền, giao quyền cho giáo viên phù hợp với năng lực, sở trường công tác. Hiện nay, giáo viên được tự chủ trong việc xây dựng kế hoạch dạy học sao cho phù hợp với đối tượng học sinh của lớp mình. Các tổ chuyên môn và ban giám hiệu sẽ giám sát, đánh giá kế hoạch của giáo viên thông qua chất lượng, kết quả của học sinh. Công tác quản trị nhà trường từ đó cũng phát huy hiệu quả.
Đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường ngày càng có nhiều sáng kiến kinh nghiệm hay và được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn. Chỉ tính riêng năm học 2022-2023, trường có 43 sáng kiến kinh nghiệm, trong đó có 30 sáng kiến đạt loại A, 13 sáng kiến đạt loại B.
Chất lượng giáo dục đại trà ngày một tăng lên, năm học 2022-2023 nhà trường đã huy động được 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1, việc duy trì sĩ số học sinh hàng năm đạt trên 98%, hàng năm có 98,4% học sinh hoàn thành chương trình lớp học, 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học. Chất lượng giáo dục mũi nhọn, bồi dưỡng học sinh giỏi của nhà trường được nâng lên rõ rệt. Trường đang hoàn thiện hồ sơ để được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.