Quế là một trong 10 cây trồng chủ lực của tỉnh Yên Bái, chiếm tới 1/3 diện tích rừng trồng của tỉnh. Với vùng nguyên liệu rộng trên 81.000 ha, cây quế những năm qua trở thành cây xóa nghèo, làm giàu cho nông dân tại nhiều địa phương của tỉnh.
Như tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, người dân trước kia chủ yếu sống bằng trồng lúa, trồng ngô và cây dâu tằm. Những năm gần đây, trên 800 ha quế đã góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho bà con.
Liên kết để thành công
Gia đình anh Nguyễn Trí Tuệ, thôn 5 là một trong số các hộ tiên phong trồng quế tại xã Đào Thịnh. Sau khi xuất ngũ, với suy nghĩ đơn giản là tạo công ăn việc làm, năm 1993, anh Tuệ mạnh dạn nhận đất rừng trồng trên 2.000 cây quế.
Gần 10 năm đầu triển khai mô hình trồng quế, anh Tuệ gặp không ít khó khăn từ kỹ thuật đến thị trường tiêu thụ. Nhiều thời điểm, giá quế xuống thấp nhưng anh vẫn bám trụ và quyết tâm vươn lên làm giàu từ cây quế.
Vừa làm, vừa mở rộng diện tích, đến nay, gia đình anh Tuệ có khoảng 20 ha quế, mỗi năm cho thu nhập trên 300 triệu đồng. "Hiện, gia đình đã mạnh dạn áp dụng phương pháp trồng, chăm sóc hữu cơ nên thị trường tiêu thụ đã được mở rộng, đặc biệt là có sự hỗ trợ của HTX nên hiệu quả kinh tế mang lại cũng ổn định và cao hơn”, anh Tuệ hồ hởi nói.
Những năm qua, để nâng cao giá trị sản xuất, người dân trên địa bàn xã đã thực hiện quy trình sản xuất quế sạch, quế hữu cơ.
Sản phẩm quế vỏ bóc từ những nương, đồi ở xã Đào Thịnh và các vùng phụ cận hiện được HTX Quế Hồi Đào Thịnh thu mua với giá cao hơn thị trường từ 2.000 - 5.000 đồng/kg. Được biết, HTX Quế Hồi Đào Thịnh hiện có 20 thành viên liên doanh, liên kết với hàng trăm hộ dân trên địa bàn xây dựng vùng nguyên liệu trên 700 ha.
Bình quân mỗi tháng, HTX Quế Hồi Đào Thịnh thu mua trên dưới 100 tấn quế tươi. HTX đang sơ chế với 12 sản phẩm quế các loại như quế bột, quế tăm, quế điếu thuốc, tinh dầu quế…
Bên cạnh đó, HTX còn xây dựng nhà máy sản xuất quế hữu cơ với công suất trên 100 tấn quế/tháng, sản phẩm đều đảm bảo chất lượng và xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…
Đa dạng sản phẩm
Cũng gặt hái thành công tích cực với cây quế là HTX Quế hồi Việt Nam thành lập từ năm 2017. Hiện nay, HTX đang triển khai dự án sản xuất và xuất khẩu quế với tổng mức đầu tư trên 80 tỷ đồng, tập trung xây dựng vùng quế hữu cơ có chứng chỉ tiêu chuẩn quốc tế.
Nhờ hoạt động ổn định, thị trường tiêu thụ rộng lớn, HTX đang tạo việc làm thường xuyên cho từ 50 - 100 lao động với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Doanh thu bình quân mỗi năm của HTX đạt trên 30 tỷ đồng, bao tiêu sản phẩm quế cho xã Đào Thịnh và các xã lân cận.
Đại diện HTX cho hay, khi mới thành lập, HTX có 1,5 ha quế đạt tiêu chuẩn hữu cơ của quốc tế, đến nay, sau khi liên kết các hộ trồng quế chăm sóc theo đúng quy trình thì diện tích tăng lên 500 ha. Sau khi quế được thu mua về sẽ phân loại, sơ chế thành 12 loại sản phẩm như: quế "điếu thuốc”, quế "ống điếu”, "quế tăm”, bột quế, tinh dầu quế… được xuất khẩu tới Ấn Độ, các nước Trung Đông, một số thị trường cao cấp như Mỹ, EU và Nhật Bản.
Thực tế cho thấy nếu như trước đây, quế chỉ được trồng để lấy vỏ thì nay đã được chế biến thành khoảng 50 sản phẩm. Cùng với tinh dầu, vỏ quế khô được chế biến thành quế thanh, quế điếu thuốc, quế sáo, quế cắt tròn… Bột quế để làm trà, gia vị thực phẩm hoặc dược liệu. Gỗ quế dùng làm nhà, đóng đồ mộc gia dụng, xẻ ván sàn, ván bóc, ván thanh, làm cây chống cốp pha trong xây dựng, làm than sinh học...
Ngoài ra, sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế, tinh dầu, gỗ quế cũng rất đa dạng và phong phú với trên 20 loại như: hộp quà quế, túi thơm, tinh dầu treo xe, lọ tăm, lọ hoa, lọ trà, đèn ngủ, tranh quế, ấm chén quế, điếu quế...
Ông Đặng Công Long, Giám đốc HTX Quế Văn Yên, cho hay đối với dòng thủ công mỹ nghệ từ quế, HTX đã dày công nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu phát triển, dưới bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của những nghệ nhân đã chế tác thành những sản phẩm độc đáo, tiện ích cho cuộc sống, khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong nước và cả quốc tế.
“HTX cũng rất vinh dự và tự hào khi sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ quế được UBND tỉnh, huyện lựa chọn trở thành quà lưu niệm, đặc trưng cho tỉnh Yên Bái nói chung và huyện Văn Yên nói riêng để giới thiệu tới bạn bè trong và ngoài nước”, ông Long nói.
Hóa giải thách thức
Có thể thấy, sản xuất quế hữu cơ là một hướng đi phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và xây dựng thương hiệu quế Yên Bái vươn xa.
Các phân tích mới nhất cũng cho thấy, trong vòng 10 năm tới, thị trường gia vị organic thế giới sẽ tăng trưởng ít nhất 4,6% mỗi năm và đạt tổng giá trị 15 tỷ USD.
Riêng thị trường quế, từ nay tới năm 2025, trung bình tăng trưởng mỗi năm sẽ là 14%. Đây rõ ràng là cơ hội rất lớn cho Yên Bái nói riêng và Việt Nam nói chung khi quế là loại gia vị rất được yêu thích tại nhiều nước.
Tuy nhiên, trong 150.000 ha trồng quế cả nước, chỉ một số lượng nhỏ được công nhận hữu cơ. Vì vậy, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Canada – một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của quế Việt Nam, cho rằng để nâng cao thị phần cũng như giá trị sản phẩm quế cần đầu tư hơn nữa về chất lượng, chế biến và mở rộng thị trường, thay vì chỉ tập trung vào xuất thô như hiện nay.
Theo các chuyên gia, Hiệp hội Quế hồi Việt Nam cần có chiến lược xây dựng chỉ dẫn địa lý cho mặt hàng quế cassia của Việt Nam nhằm quảng bá và khẳng định lợi thế của quế cassia so với quế ceylon của Nam Á. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phối hợp với các ngành hàng khác để gia tăng giá trị chế biến sâu và đưa ra thị trường sản phẩm mới như: mật ong hoa quế, nến thơm tinh dầu quế.
Cùng với đó, để phát triển cây quế bền vững, bản thân mỗi mắt xích (nông dân, HTX, doanh nghiệp, cơ quan quản lý…) trong chuỗi phát triển cây quế cần tự giác nâng cao ý thức, trách nhiệm để cùng chung tay bảo vệ giá trị, quyền lợi, thương hiệu của quế Yên Bái. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa "4 nhà” để có sự ràng buộc, kiểm soát lẫn nhau; từ đó cùng có trách nhiệm duy trì phát triển cây quế Yên Bái bền vững trong tương lai.