Từ bao đời nay, nạn tảo hôn không còn là câu chuyện xa lạ ở vùng rừng núi phía Bắc, nơi mà tập trung nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Ở đây, những đứa trẻ cứ vào độ 14-15 tuổi đã đi lấy chồng, rồi gánh vác trọng trách làm vợ và thiên chức làm mẹ. Nhưng vấn nạn tảo hôn hiện nay đã giảm hơn rất nhiều kể từ khi có những dự án được triển khai giúp cho thanh niên dân tộc thiểu số hiểu được nguy cơ ảnh hưởng của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống.
Chúng tôi đến Hà Giang là tỉnh mà thực trạng hiện tượng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của các dân tộc thiểu số vẫn còn xảy ra và đang ở mức tương đối cao so với các nước. Điều đáng chú ý có 91% trẻ em, thanh niên dân tộc thiểu số đang sử dụng internet từ 1-3 tiếng/ngày bằng điện thoại thông minh nhưng chỉ có 10% là có hiểu biết về an toàn trực tuyến. Vì vậy, việc sử dụng internet bằng điện thoại thông minh là một trong những nguyên do dẫn đến tình trạng tảo hôn và kéo theo việc gia tăng những vụ bạo hành trẻ em, thanh niên dân tộc thiểu số.
Theo chân cán bộ dự án của Tổ chức Plan International, chúng tôi gặp em Sân là người dân tộc H’Mông ở huyện Xín Mần. Sân kể lại câu chuyện như mảng tối ký ức cuộc đời em năm 14 tuổi: “Em với anh ấy đã quen nhau qua Facebook. Xong đến lúc hẹn nhau, anh ấy lấy điện thoại của em. Em đòi thế nào cũng không được, cứ thế đi theo anh ấy về tận nhà cách nhà em 30km. Lúc đó em sợ lắm vì mới biết là mình bị kéo về làm vợ”.
Được 3 tháng Sân quyết định bỏ về nhà bố mẹ sau trận bạo hành của người chồng cũng chưa đủ tuổi vị thành niên. Vượt qua định kiến về hủ tục, bố mẹ Sân đã trả lại lễ cho nhà trai để con gái mình được quay về nhà và trở lại trường với bạn bè. Cô bé Sân giờ là lớp phó học tập khá năng nổ và còn tham gia vai trò trong câu lạc bộ “Thủ lĩnh thay đổi” để tuyên truyền về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết, được tiếp nhận thông tin để nâng cao nhận thức về phòng chống tảo hôn từ dự án của Tổ chức Plan International.
“Em sẽ không bao giờ để điều này quay trở lại một lần nữa. Giờ em muốn học xong có thể đi Nhật làm việc, kiếm tiền”, Sân nói. Ước mơ về cuộc sống được tốt hơn trong câu chuyện của Sân khiến chúng tôi cảm thấy sự thay đổi phần nào về nhận thức của những đứa trẻ nơi vùng cao quanh năm suốt tháng chỉ biết bám chặt với bản làng.
Anh Quang Trung Kiên- Cán bộ của Tổ chức Plan International làm về Dự án “Bảo vệ trẻ em vị thành niên và thanh niên trong độ tuổi 11-24 tại Hà Giang hướng tới chấm dứt tảo hôn và hôn nhân cận huyết” chia sẻ: “Mỗi lần đi tiếp xúc để tư vấn cho các thanh niên địa phương được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về sức khỏe sinh sản và tuyên truyền nhận thức về nguy cơ của tảo hôn, tôi thường gặp khó khăn là các em ngại chia sẻ. Vì vậy thường phải có một bạn nữ là giáo viên, tình nguyện viên đi cùng để các em gái dễ bày tỏ câu chuyện của mình”.
Dự án của Tổ chức Plan International được triển khai từ năm 2023-2026 tại các xã Tả Nhìu, Nàn Ma, Nấm Dẩn (huyện Xín Mần) và Tân Tiến, Tụ Nhân, Chiến Phố, Pố Lồ, Bản Luốc (huyện Hoàng Su Phì). Bên cạnh giúp cho 2181 trẻ em vị thành niên tại 8 trường được nâng cao nhận thức về nguy cơ, tác hại của tảo hôn, dự án còn tập huấn cho cha mẹ, thầy cô giáo trong hoạt động trẻ em và sức khỏe sinh sản để đồng hành cùng trẻ vị thành niên trong đấu tranh phòng chống nạn tảo hôn và kết hôn cận huyết. Ngoài ra dự án còn đầu tư cơ sở vật chất ký túc xá cho học sinh lưu trú tại trường.
Chị Đặng Thị Liên- Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tả Nhìu cho biết, 98% học sinh của trường là dân tộc Nùng. Trước kia các thầy cô đã từng cùng cán bộ địa phương can thiệp để giúp một em học sinh lớp 8 không tảo hôn do gia đình đã nhận lễ và hứa gả con cho gia đình nhà trai theo hủ tục của người Nùng. Nhưng giờ tình trạng tảo hôn đã không còn ở trường nữa. Việc được hưởng lợi phòng máy tính để tìm hiểu về an toàn mạng và phòng chống tảo hôn của dự án đã giúp các em thay đổi về nhận thức cũng như hành động để trở nên mạnh dạn và tự tin hơn trong giao tiếp. Bên cạnh đó, việc được hỗ trợ về cơ sở lưu trú từ dự án của Tổ chức Plan International giúp giảm thiểu nhiều vấn đề cho hơn 300 học sinh bán trú của trường.
Em Vui- học sinh trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tả Nhìu tự tin chia sẻ: “Các phòng bán trú đều có cán bộ phòng với sự quản lý của thầy cô giáo cùng nội quy đầy đủ. Việc có nhà vệ sinh nam nữ sử dụng riêng giúp con gái chúng em cảm thấy chủ động và tự tin hơn. Hàng tuần các thầy cô cũng dạy về giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản nên chúng em hiểu được việc cần nói không với tảo hôn khi còn đang ở tuổi vị thành niên. Bản thân em muốn sau này học hết cấp 3 ở tỉnh rồi xuống Hà Nội học đại học, đi làm rồi lúc đó mới lấy chồng”.